Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ vọng của cử tri vùng DTTS và miền núi về Luật Đất đai (sửa đổi)

Nhóm PV - 16:10, 04/11/2023

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cử tri vùng DTTS và miền núi kỳ vọng về Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Sáng 3/11 Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã cho ý kiến hai lần tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5, được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tổ chức họp nhiều lần để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và đã được đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Về cơ bản, dự án Luật đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể. Tuy nhiên, hiện dự án Luật vẫn còn một số nội dung, vấn đề quan trọng chưa được thống nhất, vẫn còn 02 phương án để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.

Trong phương án 2 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận có các nội dung liên quan đến các vấn đề đất đai ở vùng DTTS và miền núi như: Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền (Điều 139); Về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm (khoản 3 Điều 154); Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159)… Đây là những vấn đề được cử tri vùng DTTS và miền núi hết sức quan tâm.

Báo Dân tộc và Phát triển xin trích lược một số ý kiến của cử tri và cán bộ địa phương ở vùng DTTS và miền núi về về những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật đất đai sửa đổi:

Ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: Luật Đất đai sửa đổi đã làm rõ hơn về chính sách đất đai vùng DTTS

(bài thời sự Quốc hội) Kỳ vọng của cử tri vùng DTTS và miền núi về Luật Đất đai sửa đổi 1

Có thể thấy Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế, giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất cấp xã, giải quyết hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Đồng thời, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Luật đất đai đã sửa đổi theo hướng có chính sách đất đai cho đất ở, đất sinh hoạt của đồng bào DTTS phù hợp với điều kiện, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng và có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp…

Việc quy định rõ chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải quyết được bài toán thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS khi Luật có hiệu lực thi hành. Đây sẽ là tiền đề để bảm bảo an ninh trật tự và giảm nghèo phải bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các chương trình, chính sách giành cho đồng bào DTTS; nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tôi cũng kiến nghị, thời gian tới các chính sách được ban hành cần phù hợp hơn với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK… Có như vậy thì chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống.

Ông Lê Công Toán, Bí thư huyện ủy Bố Trạch ( Quảng Bình): Vùng đồng bào DTTS, miền núi là vùng có nhiều đặc thù riêng

(bài thời sự Quốc hội) Kỳ vọng của cử tri vùng DTTS và miền núi về Luật Đất đai sửa đổi 2

Việc sử dụng đất ở, đất sản xuất của đồng bào cũng có nhiều nét riêng biệt. Do đó, khi sửa đổi Luật đất đai cũng cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng đặc thù để phù hợp với thực tế sử dụng đất của bà con. Cần xác định định mức đất ở, đất sản xuất theo hướng cao hơn vùng đồng bằng, đồng bằng ven biển để đồng bào có điều kiện phát triển sản xuất.

Nhà nước nên trích kinh phí để đo vẽ bản đồ cụ thể để tránh cấp đất cho đồng bào chồng lấn lên các loại đất khác như rừng phòng hộ; rừng đầu nguồn; đất rừng của các nông, lâm trường khác ở địa phương.

Đặc biệt đối với những thôn, bản có lịch sử tồn tại trên đất rừng phòng hộ, khu bảo tồn hay nông lâm trường.... nhà nước cần thu hồi 1 phần đất đó và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để cấp cho đồng bào. Trên thực tế, có những thôn bản tồn tại trước thời điểm thành lập nông, lâm trường....Thế nhưng khi thành lập nông lâm trường đã bao trùm lên đất ở, đất sản xuất của bà con làm cho bà con không còn đất sản xuất nữa nên bà con không thể thoát nghèo. Luật đất đai sửa đổi nên theo hướng cụ thể hóa các loại đất như đất ở, đất sản xuất, đất dịch vụ thương mại....để tọa điều kiện tối đa cho đồng bào sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất.

Mong rằng trong  sửa đổi Luật đất đai lần này, Chính phủ trích ngân sách để lập bản đồ, đo vẽ và hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất cho người DTTS để đồng bào sử dụng đất hiệu quả, sử dụng ổn định lâu dài tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự phát. Hơn nữa, để làm căn cứ pháp lý để các địa phương xử lý tình trạng tranh chấp đất đai trong vùng đồng bào DTTS.

Ông Vi Văn Thuân, Trưởng bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát: Nên có những chính sách linh loạt về đất rừng để bà con thiếu đất sản xuất phát triển kinh tế

(bài thời sự Quốc hội) Kỳ vọng của cử tri vùng DTTS và miền núi về Luật Đất đai sửa đổi 3

Bản Poọng, xã Tam Chung từ khi được thành lập chỉ có 28 hộ sinh sống, đến nay toàn bản có 92 hộ gia đình, với tổng số 410 nhân khẩu. Tổng diện tích tự nhiên 874 ha, trong đó đất trồng cây hàng năm 10 ha, đất trồng lúa nước 5,5 ha...

Từ thực tiễn sử dụng đất ở địa phương, cá nhân có một số ý kiến đề xuất đó là, việc giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tạo sinh kế và tăng thu nhập cho đồng bào DTTS (các Điều 178, 179, 180) đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung quy định cho người dân kết hợp trồng cây lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, có lợi thế của địa phương vào Dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, về việc quản lý sử dụng đất rừng, đất có nguồn gốc nông, lâm trường, điểm c khoản 2 Điều 175 đề nghị bổ sung thêm diện tích đất thu hồi đối với diện tích sử dụng không có hiệu quả. Thu hồi diện tích đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật; bị lấn, chiếm, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư không đúng quy định để tạo quỹ đất theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 111 của Dự thảo Luật cũng như đối với phần diện tích nông, lâm trường đang quản lý sử dụng không có hiệu quả.

Ông Ksor Tư, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai: Hy vọng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong chuyển mục đích sử dụng, quản lý thất thu thuế, quản lý đất công, đất rừng

(bài thời sự Quốc hội) Kỳ vọng của cử tri vùng DTTS và miền núi về Luật Đất đai sửa đổi 4

Người dân chúng tôi mong muốn Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý thất thu thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản, cũng như về tình hình quản lý đất công, đất rừng. Các giao dịch chuyển nhượng bất động sản có nhiều phức tạp trong việc kê khai giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đa số không đúng với giá giao dịch thực tế, dẫn đến thất thu tiền thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gây khó khăn trong thống kê, điều tra, thẩm định về giá trị đất theo giá thị trường. Việc lợi dụng khe hở của Luật Đất đai, lợi dụng chức vụ quyền hạn để hợp thức hóa đất công sang đất cá nhân, người dân tự ý phá rừng; khó khăn trong việc quản lý của chính quyền địa phương về đất rừng cũng như đất công trong quá trình cấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất, có sự chồng chéo giữa cấp quản lý và đơn vị quản lý. Một số diện tích đất công đã xây dựng cơ sở hạ tầng tuy nhiên chưa được thu hồi theo quy định, chưa đền bù hỗ trợ dẫn đến phát sinh tranh chấp đất công, đất tổ chức...

Do đó, kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có tính kế thừa phát huy những mặt đạt được, sửa đổi bãi bỏ những bất cập, bổ sung những vấn đề mới chặt chẽ, sát với tình hình thực tế của từng địa phương, để giải quyết những vấn đề mà Luật Đất đai trước đây còn chậm gây mất thời gian cho người dân hoặc doanh nghiệp. Tôi hy vọng khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp quản lý tốt đất công, đất rừng tránh trường hợp lợi dụng khe hở của Luật Đất đai để sử dụng vào mục đích khác.