Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quốc hội Khóa XV triển khai Chương trình giám sát năm 2024

Hoàng Quý - 13:30, 17/11/2023

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại 62 Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), với khoảng 160 đại biểu tham dự tại điểm cầu chính và gần 1.500 đại biểu tham dự tại các điểm cầu.

Hoạt động giám sát năm 2023 của Quốc hội đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức thực hiện

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, UBTV Quốc hội không ngừng được cải tiến, đổi mới từ việc xây dựng thể chế cho đến việc triển khai thực hiện từng nội dung giám sát, trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng cho hoạt động giám sát của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, như: Ban hành Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; tích cực chỉ đạo việc nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ đề xuất xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; xây dựng dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; các nghị quyết về hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề…

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTV Quốc hội bảo đảm đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm với việc tổ chức 4 phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTV Quốc hội; trên cơ sở đó, Quốc hội, UBTV Quốc hội đã ban hành 3 nghị quyết đối với 8 lĩnh vực (hiện nay, UBTV Quốc hội đang tích cực chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 6 để gửi xin ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp).

Việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát được UBTV Quốc hội chỉ đạo sát sao, định hướng trong quá trình triển khai giám sát. Các Đoàn giám sát đã tổ chức các đoàn công tác với sự tham gia của các Phó Chủ tịch Quốc hội - Trưởng Đoàn giám sát để khảo sát, làm việc trực tiếp với 33 địa phương, Chính phủ, các Bộ, ngành; tổ chức nhiều tọa đàm, hội nghị tham vấn chuyên gia…

Đặc biệt, lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành giám sát đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn các chương trình bắt đầu triển khai thực hiện. Chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành; qua đó, thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh trung thực, khách quan thực tế trong việc đánh giá những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo những nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, hoạt động “giám sát lại” được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để xem xét và tiến hành chất vấn việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực được nêu trong 10 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn. 

Khác với 3 phiên xem xét việc thực hiện các nghị quyết trước đây, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 có sự đổi mới trong cách thức tổ chức chất vấn. Theo đó, các vấn đề chất vấn được nhóm lại thành 4 nhóm lĩnh vực; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc chất vấn của Đại biểu Quốc hội và trả lời của người được chất vấn, vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, vừa bao quát được các lĩnh vực đã được giám sát.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo

Giám sát phải được triển khai đồng bộ với quá trình triển khai xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Quốc hội, UBTV Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giám sát.

Để triển khai có hiệu quả giám sát các chuyên đề, các Đoàn giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, các Đoàn giám sát cần tận dụng tối đa các tài liệu, hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung có liên quan đến chuyên đề giám sát, nhất là những nội dung mới được sửa đổi trong các luật vừa được Quốc hội thông qua để tổ chức triển khai có hiệu quả; phát huy kinh nghiệm đổi mới tổ chức các Đoàn giám sát đã thực hiện trong nửa nhiệm kỳ qua để tổ chức hoạt động giám sát phù hợp, khoa học; trong đó, tập trung vào giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, khâu tổ chức thực thi để luật sớm đi vào cuộc sống và được thực hiện nghiêm minh; đồng thời, các kiến nghị giám sát cần được nghiên cứu, chắt lọc sâu sắc, sát với tình hình thực tiễn, bảo đảm khả thi.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong triển khai các hoạt động của các Đoàn giám sát; đồng thời, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện xã hội đối với nội dung của các chuyên đề giám sát để phát huy hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội, gắn với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

Ngoài ra, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát và tổ chức có liên quan cần bám sát đề cương, kế hoạch để chuẩn bị báo cáo theo đúng yêu cầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Trong quá trình chuẩn bị báo cáo, nếu có khó khăn, vướng mắc, thì cần trao đổi ngay với Thường trực các Đoàn giám sát. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan thống nhất về cách thức tổng hợp, lấy số liệu, bám sát yêu cầu về nội dung trong các đề cương.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã làm rõ hơn những kết quả nổi bật đạt được và những nội dung đổi mới trong các hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023; những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và việc xác định trách nhiệm của các nhân, tổ chức có liên quan trong thực hiện chưa nghiêm các quy định của pháp luật; công tác phối hợp trong hoạt động giám sát…

Về phương hướng năm 2024, các đại biểu đã nhận định tình hình trong năm 2024 và những đặc điểm lớn chi phối đến hoạt động giám sát của Quốc hội. Đồng thời làm rõ hơn về mục tiêu, yêu cầu cần đạt được trong hoạt động giám sát năm 2024; các nhóm giải pháp, vấn đề trọng tâm, đột phá; những điều chỉnh, bổ sung cách thức tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát nói riêng và các hoạt động của Quốc hội nói chung, nhất là những vấn đề mà Quốc hội, UBTV Quốc hội đã đổi mới trong khóa XV.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là hội nghị lần thứ 3 trong nhiệm kỳ về triển khai chương trình giám sát của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết cách thức tổ chức hội nghị này thực tiễn đã chứng minh cho thấy hiệu quả cao, từ đó thống nhất được nhận thức và hành động để kết quả giám sát ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, công tác giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân tiếp tục được quan tâm thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của UBTV Quốc hội trong hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND. Nhiều đại biểu đã chỉ ra đã có một làn sóng tươi mới và một khí thế cũng như kết quả mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương, HĐND các cấp, trong đó nổi lên là hoạt động giám sát khá đồng đều.

Công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội đã được đa dạng hóa, có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động giám sát thường xuyên qua việc báo cáo, xem xét các báo cáo với giám sát, khảo sát chuyên đề và hoạt động giải trình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ một số trọng điểm trong hoạt động giám sát của năm 2024 sẽ tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; sẽ ban hành nghị quyết của UBTV Quốc hộihướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Các Đoàn giám sát chuyên đề cần tận dụng tối đa các tài liệu hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung là liên quan đến vấn đề giám sát, nhất là những nội dung mà trong quá trình thảo luận để thông qua các luật sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này hoặc là tại kỳ họp. Tập trung vào giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nhất là khâu tổ chức thực thi để luật và các chủ trương đi vào cuộc sống và thực hiện nghiêm.

Đối với các hình thức giám sát khác, tiếp tục nghiên cứu cách thiết tiến hành chất vấn tại các kỳ họp và phiên họp của UBTV Quốc hội; làm tốt chất vấn giữa nhiệm kỳ của UBTV Quốc hội. Về thẩm tra các báo cáo phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, trên cơ sở sử dụng tối đa các hoạt động giám sát thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, các nguồn thông tin, tài liệu khác.

Về giám sát các văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải sớm báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục công tác tổng rà soát theo Nghị quyết 101/2023/QH15; đặc biệt tập trung vào việc cải cách hành chính, nhất là về thủ tục hành chính.

Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội. Chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội. 

Tăng cường hoạt động của công tác phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hệ thống chính trị ở địa phương. Tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, công tác điều hòa, phối hợp với các cơ quan; chức năng điều hòa, phối hợp của UBTV Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại huyện Ninh Sơn

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại huyện Ninh Sơn

Ngày 20/12, ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu Đoàn công tác đến kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại UBND huyện Ninh Sơn. Được ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện, ông Đặng Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND huyện Ninh Sơn tiếp làm việc với Đoàn giám sát. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn huyện.