Tại phiên họp, kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 446/448 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số ĐBQH. Như vậy, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Địa chất và khoáng sản, có hiệu lực từ 01/7/2025.
Liên quan tới đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Luật vừa thông qua quy định khu vực không thực hiện đấu giá là khu vực khoáng sản được khoanh định để bảo đảm an ninh năng lượng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng hiệu quả khoáng sản chiến lược, quan trọng. Luật cũng quy định, không thực hiện đấu giá với việc khai thác khoáng sản bảo đảm nguyên liệu, vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.
Luật giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ở địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức thực hiện việc khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND cấp tỉnh. Chính phủ cũng được giao quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Về phân nhóm khoáng sản, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý các quy định liên quan đối với loại khoáng sản này trong quy định về chính sách của Nhà nước, thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng, khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng; không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực khoáng sản chiến lược, quan trọng; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng.
Giải trình ý kiến đại biểu về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy cần thiết phải quy định rõ ràng hơn về nội dung này. Theo đó, dự thảo Luật đã được bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 8 theo hướng quy định: Căn cứ tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, HĐND cấp tỉnh quyết định việc ban hành quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Đồng thời, bổ sung khoản 3 Điều 8 giao Chính phủ quy định chi tiết để Chính phủ quy định một số nội dung như: nguyên tắc xác định mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng nguồn thu để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
Theo quy định nêu trên, việc quyết định mức thu phải căn cứ vào tình hình, hiệu quả hoạt động về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trường hợp hoạt động khoáng sản trên địa bàn không hiệu quả thì HĐND cấp tỉnh sẽ chủ động quyết định điều chỉnh khoản đóng góp này, tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động khoáng sản thường không được sự ủng hộ của người dân trên địa bàn do tác động không mong muốn đối với môi trường sống và hạ tầng kỹ thuật.
Việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có những đóng góp cụ thể (cùng với khoản chi ngân sách nhà nước để nâng cấp, duy tu, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường) góp phần tạo được đồng thuận ủng hộ của người dân khi triển khai dự án khai thác khoáng sản. Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản mong muốn có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng để có căn cứ thực hiện.