Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Trị: Thị trường xuất khẩu lao động bị thả nổi

PV - 11:17, 23/11/2018

Do điều kiện cuộc sống khó khăn, trong khi địa phương thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất, nên nhiều người lao động ở Quảng Trị đã tìm kiếm cơ hội bằng xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên không ít người, nhất là người dân ở các khu vực nông thôn miền núi rơi vào những chiếc “bẫy” lừa đảo dẫn đến tình trạng tiền mất, tật mang.

Quảng Trị Đào tạo nghề cho lao động đi xuất khẩu ở Quảng Trị.

Trắng tay vì giấc mơ  xuất khẩu

Anh Nguyễn Văn Hồng, ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh cho biết: Vì ở nhà quanh năm thiếu việc làm, thu nhập không ổn định nên anh quyết tâm đi XKLĐ. Biết được ý định của anh nên đối tượng tên Tú (còn gọi là Tú Lùn) trong thôn suốt ngày đến tỉ tê hứa sẽ đưa anh đi sang Hàn Quốc lao động một cách nhanh nhất và có thu nhập cao.

Vì là người quen, lại nghe cam kết chắc chắn nên anh cùng 10 người khác trong thôn nộp tiền cho Tú. Mỗi người nộp gần 100 triệu đồng rồi được anh ta cùng một người khác đưa vào thành phố Hồ Chí Minh học tiếng mấy tháng trời. Sau một thời gian dài, chỉ nghe hứa hẹn mãi mà không ai được thi cử gì cả nên chúng tôi nghi ngờ rồi đòi lại tiền. Vì gia đình tôi có ký kết với Tú bằng văn bản nên đòi lại được tiền, còn những người khác trao đổi bằng miệng nên mất trắng…”.

Đáng lo ngại hơn, ở huyện Gio Linh để lừa đưa người đi XKLĐ, nhiều công ty được thành lập, rồi quảng cáo rầm rộ là có chức năng đưa người đi XKLĐ, đồng thời tổ chức tư vấn, hội thảo để tạo niềm tin cho lao động có nhu cầu. Sau khi cầm được tiền rồi thì cao chạy xa bay để lại cho người dân khối nợ khổng lồ mà không biết bao giờ mới trả nổi.

Anh Lê Văn Niệm, ở thị trấn Gio Linh, bức xúc: Qua giới thiệu, người phụ nữ có tên là Hoàng Thị Hà, Giám đốc Công ty Hoàng Hà có trụ sở tại Hà Nội có chức năng đưa lao động đi XKLĐ theo diện “bảo lãnh thương mại”. Qua gặp gỡ bà Hà nói rằng: Nếu đồng ý đi, người lao động phải nộp cho Công ty Hoàng Hà tổng chi phí là 15.000 USD. Chấp nhận lời đề nghị trên, anh Niệm và khoảng 20 người cùng quê đã nộp tiền đặt cọc 3.000 USD/người cho bà Hà. Tiếp đó, bà Hà yêu cầu mỗi người nộp thêm 15 triệu đồng tiền học ngoại ngữ và cấp mã số, mã vạch. Tuy nhiên, sau khi học xong, họ chỉ nhận được những lời hứa chờ ngày nhận visa và lên máy bay mà không biết cụ thể là khi nào.

Chờ đợi quá lâu mà không có kết quả, anh Niệm cùng nhóm bạn đã nhiều lần ra Hà Nội để đòi lại tiền nhưng bà Hà không chịu hoàn trả. Sau nhiều lần đòi tiền không được, anh Niệm và nhóm bạn gửi kiến nghị và tố cáo đến cơ quan chức năng.

Thực tế lao động có nhu cầu đi XKLĐ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động XKLĐ vẫn đang bị thả nổi, điều này đã gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Cần những giải pháp tích cực

Chia sẻ về công tác XKLĐ trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết: thời gian qua do người dân thiếu thông tin, chính quyền địa phương chưa thực sự chú trọng lĩnh vực này nên tạo thành lỗ hổng cho các “cò” XKLĐ; nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, các “cò” khai thác triệt để số vốn ít ỏi của người nông dân. Nhiều gia đình không có tiền phải đi vay xấp vay ngửa với lãi xuất cắt cổ chỉ vì tin vào những lời đường mật của các “cò” môi giới.

Thời gian tới, huyện sẽ triển khai những giải pháp cụ thể như, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các địa phương, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền lĩnh vực XKLĐ để người dân tham gia, giao cho phòng Lao động Thương binh- Xã hội làm đầu mối lựa chọn các nhà tuyển dụng có uy tín để thực hiện tuyển lao động, tránh tình trạng lừa đảo gây thiệt hại cho nhân dân…

Theo bà Dương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn Quảng Trị có 18 Công ty hoạt động XKLĐ được cấp giấy giới thiệu; trong đó 2 công ty có văn phòng và chi nhánh tại Quảng Trị.

Tuy nhiên, thời gian qua ở các địa phương xuất hiện nhiều công ty, đơn vị không đăng ký lén lút hoạt động tuyển dụng lao động đưa đi xuất khẩu trên địa bàn một số huyện nông thôn và miền núi. Các đơn vị này cấu kết với “cò” sau khi nhận tiền của lao động rồi bỏ chạy để mặc người lao động làm cho người dân mất niềm tin.

Bà Yến cho hay, để quản lý các đơn vị tuyển dụng LĐXK cũng như nhằm giảm thiểu tình trạng lao động bị lừa đảo, các cơ quan, ban ngành và các địa phương phải vào cuộc đồng bộ. Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh để xử phạt đủ sức răn đe; cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho lao động chọn thị trường và ngành nghề phù hợp...

Ngoài ra, quan trọng nhất là mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, cảnh giác đối với những công ty hoạt động XKLĐ có dấu hiệu lừa đảo để tránh tiền mất tật mang.

Theo bà Yến thời gian tới, Sở sẽ có văn bản đề xuất Cục Quản lý lao động ngoài nước chuyển quyền giám sát, cấp phép, rút giấy phép các doanh nghiệp có văn phòng, chi nhánh tại địa phương cho tỉnh quản lý; đồng thời tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ tại các địa phương để đáp ứng yêu cầu về đào tạo và tuyển dụng LĐXK. Đây là biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng lao động bị lừa hoặc thiệt hại khi tham gia XKLĐ.

MINH THỨ