Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Trị: Giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS ở Hướng Hóa

PV - 10:05, 08/06/2023

Bám sát Công văn số 2534 ngày 28/11/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; Kế hoạch số 504 ngày 6/10/2022 của UBND huyện Hướng Hóa về kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Phòng GD&ĐT Hướng Hóa triển khai nhiều giải pháp thực hiện.

Niềm vui đến trường của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Hướng Lập -Ảnh: HTNO
Niềm vui đến trường của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Hướng Lập -Ảnh: HTNO

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, người Vân Kiều đã có chữ viết riêng (tiếng Bru Vân Kiều) tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Vì vậy việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh chưa thể áp dụng mô hình song ngữ mà áp dụng mô hình dạy tiếng thứ 2 (tiếng Việt) dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ (ngôn ngữ giao tiếp của người Vân Kiều, Pa Kô).

Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ người DTTS, các trường học xây dựng môi trường giáo dục bao gồm môi trường vật chất và môi trường xã hội phù hợp với nhu cầu, khả năng của trẻ và đặc thù của địa phương. Phát triển chương trình giáo dục, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường ở vùng đồng bào DTTS có nét đặc thù riêng về văn hóa và ngôn ngữ với những hoạt động giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt, trong đó đặc biệt chú ý đến nội dung giáo dục phát triển năng lực ngôn ngữ cho trẻ, bao gồm phát triển kỹ năng nghe, nói, làm quen với đọc, viết cho trẻ em ở tất cả các độ tuổi mầm non.

Mặt khác, chú trọng thời lượng tập nói tiếng Việt cân đối với thời lượng sử dụng/ học tiếng mẹ đẻ, đặc biệt đối với trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo mới ra lớp, khả năng giao tiếp tiếng Việt còn hạn chế. Tận dụng vốn tiếng mẹ đẻ của trẻ để học tiếng Việt thuận lợi và hiệu quả hơn thông qua việc tạo cơ hội giao tiếp cho trẻ mọi lúc, mọi nơi dựa trên nền tiếng mẹ đẻ của trẻ. Tạo môi trường giao tiếp giữa giáo viên và trẻ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.

Khai thác tối đa nguồn tài liệu văn hóa địa phương như đồ dùng, nguyên vật liệu, tranh ảnh, câu chuyện, bài hát, thơ ca, hát ru để trẻ có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ kết hợp học tiếng Việt và phát triển thành nguồn học liệu bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt.

Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, qua đó khuyến khích trẻ sử dụng bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt. Đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT cũng như bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy học tự làm phù hợp với văn hóa và điều kiện của địa phương.

Thảo luận nhóm của Nhóm trẻ vui chơi đọc sách tại xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Thảo luận nhóm của Nhóm trẻ vui chơi đọc sách tại xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh MH)

Cùng với đó, các trường bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tham gia tập huấn do các cấp tổ chức, đồng thời chỉ đạo chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu để tổ chức triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ ở cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, đặc biệt đối với những nơi giáo viên dạy lớp ghép có từ 2 dân tộc trở lên và nhiều độ tuổi, giáo viên dạy trẻ vùng có 100% đồng bào DTTS sống biệt lập.

Định hướng phát triển mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS dựa trên tiếng mẹ đẻ; nghiên cứu cách thức tổ chức các loại hình lớp đơn, lớp ghép đa độ tuổi, đa dân tộc thiểu số trong một lớp học, một điểm trường, quan tâm đến đối tượng trẻ nhà trẻ, mẫu giáo bé mới ra lớp.

Tăng cường khai thác nguồn tài liệu bồi dưỡng về nội dung, phương pháp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về tăng cường tiếng Việt; tài liệu hướng dẫn làm quen với đọc, viết cho trẻ mầm non; tài liệu hướng dẫn về xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non người DTTS dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Phát triển các loại hình học liệu bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt để trẻ em người DTTS có nguồn tiếp cận học liệu phù hợp, tạo cơ hội bình đẳng trong học tập cho trẻ em người DTTS. Đồng thời, tăng cường phát triển học liệu trên nền tảng công nghệ như các phần mềm học tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ, các trò chơi ngôn ngữ trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật số.

Giáo viên tăng cường hỗ trợ trẻ em trong lớp của mình tạo ra các nguồn học liệu bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt thông qua các hoạt động làm sách tranh, truyện, cuốn sưu tập, đồ chơi. Ưu tiên bố trí giáo viên là người DTTS, người địa phương có khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ để chăm sóc giáo dục trẻ. Khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên mầm non công tác tại địa bàn vùng DTTS học tiếng dân tộc của trẻ, đáp ứng chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. Tăng cường triển khai các lớp học tiếng dân tộc của trẻ dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non.

Mặt khác, các trường học phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị - xã hội, ban dân tộc, già làng, trưởng bản chung tay chăm sóc, giáo dục tăng cường tiếng Việt dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người DTTS. Phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng để xây dựng thư viện tại địa phương, câu lạc bộ đọc sách tại thôn/ bản, sân chơi cho trẻ em có sự tham gia của người dân địa phương.

Khuyến khích các tổ chức xã hội, già làng, trưởng bản, cán bộ văn hóa xã, huyện tham gia phát triển văn hóa dân tộc địa phương như sưu tầm câu chuyện, truyện thơ, sử thi, câu đố, bài hát ru, trò chơi dân gian bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt để sử dụng trong nhà trường, thư viện, nhà văn hóa thôn bản, sân chơi cho trẻ em. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật, chuyên gia hỗ trợ thực hiện tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.