Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 đã nỗ lực cấp cứu nhưng cháu bé L.N.A không qua khỏi do hóc hạt nhãnTheo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2, chiều 22/7, đơn vị tiếp nhận bệnh nhi L.N.A (2 tuổi, trú tại xã Kon Braih) trong tình trạng nguy kịch, mất ý thức, ngưng thở, tím tái toàn thân. Dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu trong gần 1 giờ đồng hồ, nhưng cháu bé không qua khỏi.
Người nhà cho biết, trước đó cháu bé ăn nhãn và bất ngờ bị hóc. Sau khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, người nhà đã đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, thời gian tiếp cận cấp cứu quá muộn.
Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Cảnh Son, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2, thì tai nạn hóc dị vật đường thở là tình trạng cấp cứu thường gặp, đặc biệt ở trẻ từ 1 - 3 tuổi. Dị vật có thể là thức ăn, hạt trái cây, kẹo, đồ chơi nhỏ… Khi mắc kẹt ở thanh quản hoặc khí quản, dị vật có thể khiến trẻ ngưng thở, ngưng tim chỉ sau vài phút nếu không được xử trí đúng cách.
Bác sĩ CKII Nguyễn Cảnh Son khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu bị hóc dị vật (ho sặc, tím tái, không thở được, mất ý thức…), tuyệt đối không đưa tay móc họng trẻ nếu không thấy dị vật rõ ràng trong miệng. Việc này có thể khiến dị vật chui sâu hơn, gây tắc hoàn toàn.
Với trẻ dưới 2 tuổi khi hóc dị vật cần đặt trẻ úp mặt xuống tay, đầu thấp hơn ngực, dùng lực vỗ mạnh 5 lần vào lưng giữa hai xương bả vai. Nếu không hiệu quả, lật ngửa trẻ và ấn ngực 5 lần. Với trẻ lớn hơn thì thực hiện thủ thuật Heimlich - đứng sau trẻ, ôm ngang bụng, dùng tay ấn mạnh và nhanh vào vùng thượng vị (dưới xương ức) để tống dị vật ra.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay sau đó, kể cả khi đã lấy được dị vật. Việc phát hiện sớm, xử trí đúng và đưa đến bệnh viện kịp thời là yếu tố quyết định sự sống còn của trẻ.