Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Nam: Tăng cường sự phối hợp giữa các ban ngành để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

T. Nhân H. Trường - 08:02, 18/11/2023

Với mục tiêu nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng miền, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, vai trò tham gia, phối hợp của Ủy ban MTTQ các cấp, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Các địa phương nỗ lực phối hợp Chương trình MTQG nhằm gúp đồng bào vùng DTTS phát triển toàn diện.
Các địa phương nỗ lực phối hợp thực hiện Chương trình MTQG nhằm gúp đồng bào vùng DTTS phát triển toàn diện.

Ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719, Ban thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương nhằm phát huy hiệu quả các nguồn vốn, đồng thời cũng tăng cường phối hợp với các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án của Chương trình MTQG 1719. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ban và các cơ quan liên quan, Chương trình đã được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, những khó khăn dần được tháo gỡ, đời sống của đồng bào DTTS, miền núi đã bước đầu có những thay đổi tích cực.

Theo đó, từ những hướng dẫn của Trung ương và UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Dân tộc đã cụ thể hoá bằng các chương trình hành động, tiến hành phối hợp với các cấp, nhất là các địa phương để triển khai đến người dân. Ban Dân tộc thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền cho các huyện, xã và người dân để đồng hành cùng thực hiện tốt Chương trình MTQG 1719. Cụ thể, trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch; phối hợp UBND các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức phối hợp lựa chọn những Người có uy tín tiêu biểu để tham gia các khoá trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức. 

Ngoài ra, Ban cũng triển khai thực hiện nội dung bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức (CBCC) thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 5, Chương trình MTQG 1719 theo nhiệm vụ được UBND tỉnh giao. Việc này nhằm nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa DTTS, chính sách dân tộc cho đội ngũ CBCC làm công tác dân tộc; CBCC tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS; góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…

Người dân được hỗ trợ con giống để phát triển chăn nuôi
Người dân được hỗ trợ con giống để phát triển chăn nuôi

Theo ông Lê Thái Bình, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, nhằm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phối hợp, hiệp thương phân công giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bằng những công trình, phần việc cụ thể; vận động Quỹ “Vì người nghèo”, góp thêm nguồn lực cùng chính quyền các cấp thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. 

Trong năm 2023, thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cụ thể hoá, chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện cuộc vận đông “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận đông “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo”. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các địa phương miền núi quan tâm giám sát tiến độ, kết quả triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719.

“Uỷ ban MTTQ tỉnh cũng cũng đã thành lập đoàn giám sát ở huyện Nam Giang và Đông Giang; đồng thời, giám sát thông qua báo cáo đối với Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Nam. Qua giám sát, kịp thời kiến nghị với Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh và các địa phương về những hạn chế, khó khăn khi triển khai thực hiện Dự án 05 - Chương trình MTQG 1719", ông Bình nói thêm.

Người dân đã và đang hưởng lợi từ nguồn lực đầu tư lớn từ Chương trình MTQG
Người dân đã và đang hưởng lợi từ nguồn lực đầu tư lớn từ các Chương trình MTQG

Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: Đối với công tác phối hợp thực hiện Chương trình MTQG 1719, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương và UBND tỉnh Quảng Nam, huyện đang nỗ lực triển khai các bước. “Các cơ quan ban, ngành cũng thường xuyên hỗ trợ, phối hợp với UBND huyện tổ chức các lớp tập huấn, các hướng dẫn nhằm thực hiện các dự án, tiểu dự án đang triển khai trên địa bàn huyện. Nhìn chung, giữa các cấp và huyện có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác tuyên truyền vận động, cũng như tiến hành thực hiện các bước triển khai. Hiện nay, địa phương cũng đang quyết liệt nổ lực thực hiện”, ông Lượm cho biết.

Cũng theo ông Lượm, Chương trình MTQG 1719 là một chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án trong Chương trình hiện nay cũng đang gặp nhiều cái vướng, đặc biệt là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp gặp khó. Hiện nay, đối với nguồn vốn đầu tư, địa phương đã triển khai quyết liệt và bước đầu đã đem lại sự khởi sắc cho vùng DTTS, miền núi. Trong đó, địa phương ưu tiên phát triển về cơ sở hạ tầng cho giáo dục, đường giao thông, điện, nước…

“Đối với nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn này chủ yếu giao cho các xã là chủ yếu, nhưng hiện nay các hướng dẫn từ Trung ương cũng chưa rõ, khiến địa phương gặp vướng. Ví dụ như ban đầu, chủ trương chỉ cho thực hiện theo liên kết chuỗi, không theo diện cộng đồng. Nhưng từ trước đến nay, địa phương chưa thực hiện theo hướng này, hơn nữa các HTX trên địa bàn năng lực còn rất yếu, nên khó thực hiện và giải ngân…”, ông Lượm chia sẻ thêm.