Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Nam: Đẩy mạnh lồng ghép, tuyên truyền chính sách pháp luật về chống tảo hôn, bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS

T. Nhân- H. Trường - 14:56, 07/11/2023

Để thực hiện hiệu quả nội dung số 2 thuộc Tiểu dự án 01, Dự án 10 của Chương trình MTQG 1719, trong thời gian qua, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền các chính sách nói chung, tỉnh Quảng Nam đã tập trung lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS đối với hai vấn đề trọng tâm: Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT); Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới.

Phát huy vai trò của già làng, những Người có uy tín, lực lượng dân số địa phương để phổ biến pháp luật đến với người dân ở các bản, làng.
Phát huy vai trò của già làng, những Người có uy tín, lực lượng làm công tác dân số địa phương để phổ biến pháp luật đến với người dân ở các bản, làng.

Nỗ lực từ mỗi địa phương

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó, đồng bào DTTS có khoảng hơn 128.500 người. Nhiều năm qua, các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam vẫn còn diễn ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều nơi vẫn còn phong tục hứa hôn; sự hạn chế tiếp cận kiến thức pháp luật của đồng bào; việc thiếu trang bị kỹ năng sống, thông tin về sức khỏe sinh sản đối với học sinh miền núi; sự vào cuộc của chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng này chưa mạnh mẽ, quyết liệt…

Tại Phước Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với hơn 70% dân số là người DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế. Vì vậy, tình trạng TH&HNCHT vẫn còn tồn tại. Ở các bản làng xa xôi thuộc các xã vùng cao Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Thành của huyện Phước Sơn, số trường hợp tảo hôn hằng năm vẫn ở mức cao, đa số là người Giẻ Triêng. Số liệu thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Quang Nam cho thấy, trong năm 2016, toàn huyện có 42 trường hợp, đến năm 2020 còn 35 trường hợp. Để hạn chế tình trạng này, các cấp chính quyền địa phương đã không ngừng vận động, tuyên truyền pháp luật đến người dân, nhất là trong các trường học.

Ông Hồ Công Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chính sách pháp luật đến người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó tuỳ theo đặc thù ở mỗi thôn, xã để tập trung vào một số chuyên đề cho phù hợp. “Chính quyền địa phương thường tổ chức các lớp tập huấn về từng xã, thôn, làng để tuyên truyền cho người dân về kiến thức pháp luật liên quan. Địa phương cũng tăng cường tập huấn cho các báo cáo viên, già làng, Người có uy tín và bà con nhân dân ở địa phương để phổ biến đến từng thôn, làng. Nguồn vốn để thực hiện các chuyên đề này từ Chương trình MTQG 1719”, ông Điểm nói.

Các buổi tuyên truyền pháp luật được đại đa số người dân hưởng ứng.
Các buổi tuyên truyền pháp luật được đại đa số người dân hưởng ứng.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, để hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, huyện Phước Sơn sẽ tổ chức hội thi báo cáo viên giỏi để nâng cao kỹ năng, năng lực pháp luật cho các báo cáo viên, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Đối với vấn đề bình đẳng giới, UBND huyện Phước Sơn cũng giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai nhiều chuyên đề, hội nghị để phổ biến kiến thức pháp luật đến từng xã, thôn, làng.

Còn tại huyện Bắc Trà My, hiện nay không còn tình trạng HNCHT nhưng vẫn tồn tại nạn tảo hôn, đặc biệt là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện. Từ đầu năm 2023 đến tháng 6/2023, có 16 trường hợp tảo hôn. Bà Đinh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Trà My cho biết, Hội được giao trách nhiệm về việc tổ chức triển khai thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ - trẻ em”. Chúng tôi đã phát động và diễu hành truyền thông xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, lồng ghép truyền thông giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT.

Phối hợp với nhiều đơn vị đẩy lùi TH&HNCHT

Ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn ngành, với mục tiêu và đối tượng hướng đến là cán bộ làm công tác dân tộc ở huyện, xã, thôn, già làng, Người có uy tín nơi có đông đồng bào DTTS và hộ gia đình DTTS. Ban tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; về hôn nhân và gia đình, về phòng chống bạo lực gia đình... với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả, bảo đảm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của người phụ nữ ở vùng DTTS và miền núi.

Các cấp, sở, ngành ở Quảng Nam thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền pháp luật cho người DTTS.
Các cấp, sở, ngành ở Quảng Nam thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền pháp luật cho người DTTS.

Trong giai đoạn từ năm 2018-2023, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là hệ thống văn bản chính sách pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngày càng được hoàn thiện nên công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được quan tâm và triển khai lồng ghép trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với nhiều giải pháp, tạo mọi cơ hội điều kiện để mọi người được bình đẳng và phát triển trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Ban đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Nông dân tỉnh, Chi Cục DSKHHGĐ tỉnh và UBND các huyện tổ chức 39 hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, Đề án Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT, Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025 tại 43 thôn ở các xã vùng DTTS, với hơn 3.800 người dân và gần 200 cán bộ làm công tác dân tộc tại các địa phương tham dự; đã biên soạn, in ấn và cấp phát 5000 tờ rơi hỏi đáp Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo ông A Lăng Mai, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về giới, bình đẳng giới, về phụ nữ và công tác phụ nữ được nâng lên rõ rệt. Cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các văn bản cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, qua đó từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế phụ nữ trong một số lĩnh vực.

Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân được thực hiện đa dạng hình thức.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân được thực hiện đa dạng các hình thức.

Ban Dân tộc tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị trường học, phòng Dân tộc các huyện Tổ chức các hoạt động ngoại khóa “Học sinh với bình đẳng giới”; tổ chức tuyên truyền, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về TH&HNCHT, Luật Sức khoẻ sinh sản vị thành niên”; tổ chức Diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp. Tuổi trẻ học đường nói không với TH&HNCHT và bạo lực học đường. Ngoài ra, Ban cũng chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật Bình đẳng giới và thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực chuyên môn để mỗi công chức, đảng viên và người lao động trong cơ quan nâng cao nhận thức, chuyển biến tư tưởng, trau dồi kỹ năng, bản lĩnh, ý chí nghị lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

“Để thực hiện tốt việc tuyên truyền pháp luật đến bà con DTTS, Quảng Nam chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách và cộng tác ở các cấp đảm bảo đủ số lượng, có chất lượng và nhiệt tình công tác. Trong đó, phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số, Người có uy tín, già làng, trưởng thôn, gia đình và nhà trường trong việc phát hiện và ngăn ngừa các trường hợp tảo hôn, vi phạm bình đẳng giới. Bên cạnh đó, các cấp, cách ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giao lưu văn hóa văn nghệ, hội thi, đối thoại, định hướng nghề nghiệp, việc làm nhằm giúp các em có định hướng, nuôi dưỡng ý tưởng, hòa bão sự nghiệp trong tương lai”, ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.