Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Quan Sơn (Thanh Hóa): Nỗ lực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đồng bào DTTS miền núi

Quỳnh Trâm - 11:33, 27/11/2024

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật cho đồng bào DTTS tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân luôn được huyện Quan Sơn quan tâm chú trọng
Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân luôn được huyện Quan Sơn quan tâm chú trọng

Triển khai toàn diện với các nội dung thiết thực

Trong năm 2024, huyện Quan Sơn đã thực hiện nội dung 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tập trung phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nội dung tuyên truyền bao quát nhiều lĩnh vực quan trọng như: Các luật mới được Quốc hội thông qua, bao gồm Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Các quy định liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; Các nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống tội phạm; bình đẳng giới; dân chủ cơ sở; cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số; giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; xóa bỏ định kiến giới; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Lò Thị Giang, Trưởng phòng Tư pháp huyện Quan Sơn chia sẻ, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đồng bào. 

Các hình thức tuyên truyền chủ yếu thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, Hội nghị triển khai, quán triệt, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền miệng; phát sóng thường kỳ trên hệ thống loa truyền thanh địa phương; tuyên truyền trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, …); cấp phát tài liệu tuyên truyền; treo băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền, giải thích trong tiếp công dân, tiếp nhận hướng dẫn hồ sơ hành chính, giải quyết hồ sơ theo vụ việc, công bố thủ tục hành chính, các cuộc họp dân, các buổi sinh hoạt của đoàn thể, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân ở cơ sở,...

Trong năm 2024, cấp huyện đã tổ chức 85 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho hơn 8.000 lượt người tham dự; ở cấp xã là 63 cuộc với hơn 5.000 lượt người tham dự. Đối tượng tham gia là lãnh đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, công chức các xã, thị trấn; Bí thư kiêm Trưởng bản, các đoàn thể, Người có uy tín và người dân trên địa bàn 94 bản, khu phố.

Trong năm 2024, cấp huyện Quan Sơn đã tổ chức 85 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho hơn 8.000 lượt người tham dự
Trong năm 2024, huyện Quan Sơn đã tổ chức 85 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho hơn 8.000 lượt người tham dự

Trưởng phòng Tư pháp huyện Quan Sơn nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được huyện đặc biệt quan tâm và chú trọng. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ thông tin.

Một trong những điểm nổi bật, là việc thường xuyên đăng tải các văn bản pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ, tình huống pháp lý thực tiễn, cùng các bài viết phản ánh hoạt động PBGDPL lên Trang thông tin PBGDPL của tỉnh. Ngoài ra, các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị cũng được cập nhật đầy đủ, kịp thời.

“Cách tiếp cận này không chỉ giúp cán bộ, công chức mà còn hỗ trợ người dân dễ dàng truy cập thông tin pháp luật mọi lúc, mọi nơi. Qua đó, công tác PBGDPL không còn bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, tạo cơ hội cho đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa tiếp cận pháp luật nhanh chóng hơn”, bà Giang nói.

Bên cạnh đó, các tủ sách pháp luật được quản lý và khai thác hiệu quả, với hơn 500 đầu sách pháp luật được luân chuyển giữa các xã, bản. Đặc biệt, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở được hỗ trợ sách, tài liệu để giải quyết các mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, giảm thiểu xung đột và kiện tụng.

Trong công tác tuyên truyền, huyện Quan Sơn đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của Người có uy tín. Đây là lực lượng quan trọng trong việc truyền đạt chính sách pháp luật đến đồng bào.

Đồng bào DTTS ở các bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Sơn được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật
Đồng bào DTTS ở các bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Sơn được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật

Vai trò Người có uy tín: Đầu tàu trong tuyên truyền pháp luật

Trong công tác tuyên truyền, vai trò của Người có uy tín luôn được xem là nòng cốt và không thể thay thế. Tiêu biểu là ông Lương Văn Nọong, Người có uy tín tại bản Na Ấu, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn.

Na Ấu, một bản thuộc xã biên giới, vốn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự (ANTT). Với tinh thần trách nhiệm và uy tín cao trong cộng đồng, ông Nọong không ngừng nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ ANTT ở khu dân cư. Ông thường xuyên nhắc nhở bà con chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như các quy định của địa phương và hương ước tại nơi cư trú.

Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia vào các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Với cách làm khéo léo và gần gũi, ông đã góp phần hiệu quả trong việc phòng ngừa, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong bản, từ đó xây dựng Na Ấu trở thành một bản làng đoàn kết, an toàn và phát triển bền vững.

Tại bản Mùa Xuân, Người có uy tín như anh Thao Văn Dia được biết đến như một tuyên truyền viên mẫu mực, tích cực truyền tải các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến đồng bào Mông. Với tinh thần trách nhiệm cao, anh không ngừng vận động bà con xóa bỏ các hủ tục trong tang ma, bài trừ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, anh Dia không chỉ phát biểu tại các buổi họp mà còn trực tiếp đến từng hộ dân, gặp gỡ từng người để thuyết phục, vận động. Anh khuyến khích bà con cùng chung tay xây dựng bản làng nông thôn mới, thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Quan Sơn đã tổ chức các Hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào DTTS
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Quan Sơn đã tổ chức nhiều Hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân

Không chỉ là người dẫn đường trong tư tưởng, anh Dia còn tiên phong trong hành động. Anh tích cực chăn nuôi, mở cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con trong bản, vừa hỗ trợ đời sống cộng đồng vừa làm gương cho tinh thần tự lực cánh sinh.

Chia sẻ về vai trò của mình, anh Dia tâm sự: “Muốn làm tốt trách nhiệm, vai trò của mình, bản thân tôi cũng phải thường xuyên nghiên cứu, học tập qua sách báo và trao đổi kinh nghiệm với những Người có uy tín khác để nâng cao hiểu biết, nhất là nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn nhấn mạnh, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật trong việc nâng cao nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. "Việc nâng cao nhận thức pháp luật là nền tảng để xây dựng một cộng đồng sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền", ông Trọng khẳng định.

Trong thời gian tới, UBND huyện Quan Sơn sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm tạo điều kiện cho mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là bà con DTTS ở những vùng khó khăn nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật. Đây không chỉ là nỗ lực xây dựng ý thức pháp luật trong cộng đồng, mà còn là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của Chương trình MTQG 1719, thúc đẩy phát triển bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.