Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường

PV - 10:16, 15/10/2018

Đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường là nguồn tài nguyên quý giá, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Với diện tích  hơn 9,1 triệu ha, chiếm 27,75% diện tích đất liền của cả nước, thế nhưng, nguồn lực đất đai này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong khi, rất nhiều hộ dân đang thiếu đất ở, đất sản xuất thì các công ty nông, lâm nghiệp lại quản lý quá nhiều đất nhưng sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, tranh chấp đất đai vẫn xảy ra…

Bài 1: Những điều trông thấy...

Để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường vẫn đang là bài toán khó. Để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường vẫn đang là bài toán khó.

Quản lý, sử dụng đất đai chưa hiệu quả

Trong một thời gian dài, công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp. Hiệu quả tưởng sẽ được nâng lên, khi việc quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường được siết chặt hơn khi thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về “Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”. Song, trên thực tế, việc quản lý nguồn lực đất đai này hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Theo kết quả giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết mới đây nhất của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho thấy: với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành; các địa phương, doanh nghiệp đã khẩn trương xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 40/41 phương án tổng thể việc sắp xếp, đổi mới và phát triển đối với 252 công ty nông, lâm nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng chỉ rõ, trong tổng số hơn 9 triệu ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường với hơn 745 tổ chức, công ty nông, lâm nghiệp, hàng trăm UBND xã và hàng ngàn hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng nhưng mới chỉ rà soát, đo đạc, cắm mốc, thiết lập hồ sơ quản lý được của 254 công ty nông, lâm nghiệp, với diện tích trên 2 triệu ha (đạt 25,88%). Và còn 74,12% tương ứng với diện tích gần 7 triệu ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường chưa được xây dựng đề án để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng.

Cùng với đó, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý. Ví dụ, qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 13 công ty lâm nghiệp tại Đăk Lăk có 5.490 trường hợp lấn chiếm 21.894,5ha; 41 trường hợp mua bán trái phép 90,5ha; 898 trường hợp xây nhà trái phép tại 10 công ty nông nghiệp…

Các nông, lâm trường hiện nay quản lý diện tích đất đai khá lớn, song sử dụng đất kém hiệu quả, còn lãng phí. Các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt.

Nghịch lý thiếu-thừa

Cùng với những hạn chế, tồn tại trên, thực tế còn cho thấy, việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng quỹ đất được các công ty nông, lâm nghiệp và các tổ chức chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh giao cho địa phương còn chậm, lúng túng trong xử lý.

Theo báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, trong tổng số hơn 1 triệu ha đất đã bàn giao về cho địa phương quản lý mới chỉ có trên 157 nghìn ha đã xây dựng phương án sử dụng đất, đạt 15% tổng diện tích bàn giao về địa phương.

Tại Hội thảo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội vừa tổ chức tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thẳng thắn chỉ ra, ở một số địa phương, một số tổng công ty, chất lượng xây dựng quản lý đất đai chưa tốt, chưa sát với thực tế. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc kéo dài chưa có biện pháp xử lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để; chưa phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất…

Có thể thấy, đất đai đóng vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của cộng đồng dân cư, đặc biệt là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng người dân thiếu đất ở và đất sản xuất đang diễn ra khá phổ biến và là vấn đề bức xúc. Nghịch lý là, trong khi rất nhiều hộ dân đang thiếu đất sản xuất thì các công ty nông, lâm nghiệp lại quản lý quá nhiều đất nhưng quản lý, sử dụng không hiệu quả.

Đất đai là vấn đề rất nhạy cảm, liệu có xảy ra tình trạng e ngại, né tránh, đùn đẩy và không giải quyết được hay không? Và làm sao để người dân, doanh nghiệp chân chính có đất sản xuất?... Do đó, rất cần một giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới.

THANH HUYỀN