Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phú Yên: Nhiều giải pháp tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh DTTS

PV - 12:09, 29/11/2021

Thực hiện đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, thời gian qua, ngành Giáo dục và các huyện miền núi tỉnh Phú Yên đã có nhiều giải pháp tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh DTTS ở hai cấp học này. Qua đó giúp các em mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Các trường tiểu học, mầm non tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh người đồng bào DTTS
Các trường tiểu học, mầm non tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh người đồng bào DTTS

Linh hoạt trong dạy học

Nhằm giúp trẻ mầm non và học sinh khối tiểu học nói, viết, đọc tốt tiếng Việt, các trường học tăng cường dạy Tiếng Việt bằng nhiều hình thức như: Lựa chọn tài tiệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, thân thiện với trẻ DTTS để dạy học.

Thầy Trần Văn Tân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phước Tân (xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa), cho biết: “Để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học cho học sinh từ lớp 1 - 5. Trong quá trình dạy, các thầy, cô tăng cường cho các em đọc, viết, giao tiếp nhiều. Ngoài ra, Nhà trường thường xuyên tổ chức ngày hội đọc sách, hội thi giao lưu tiếng Việt… Nhờ vậy, các em ngày càng tăng vốn từ, đọc thông, viết thạo, tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp tiếng Việt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn”.

Theo cô Trần Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Ea Lâm (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh), năm học 2021 - 2022, nhà trường có 190 cháu từ 3 - 6 tuổi, trong đó có 152 cháu là đồng bào TDTS khi ra lớp đều không biết nói tiếng Việt. Vì vậy, trong mỗi lớp học, nhà trường đều bố trí các góc học tập như: Góc xây dựng, phân vai, âm nhạc, tạo hình và bố trí các đồ dùng học tập thông thường mà ở nhà các em có. Mỗi đồ dùng học tập, Nhà trường đều gắn con số, chữ cái, các từ tiếng Việt để các em đọc, tiếp xúc mỗi ngày.

“Thời gian qua, Nhà trường còn xây dựng các khu vườn hoa của bé, vườn rau của bé, khu vận động, khu chợ quê, vườn cây ăn quả, khu bé vui với nước, cát, khu tạo hình, góc thư viện… để các cháu tham gia chăm sóc, học tập, vui chơi. Trong tất cả các khu vườn, Nhà trường đều gắn chữ tiếng Việt để các cháu học mọi lúc, mọi nơi”, cô Ngọc nói.

Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học có học sinh DTTS đều thực hiện rất tốt công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Sông Hinh Nguyễn Thanh Lam cho biết: Năm học nào cũng vậy, trước thềm năm học mới, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường vận động học sinh đúng độ tuổi ra lớp và các trường đều tổ chức dạy học trước một tháng so với ngày khai giảng năm học mới để các em làm quen với trường, lớp và học tiếng Việt. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải học trực tuyến tại nhà. Do đó, từ đầu tháng 11/2021 đến nay, ngoài dạy chương trình, kiến thức mới, các trường đều tăng cường tiếng Việt cho học sinh”.

“Từ khi triển khai đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, đến nay, tỷ lệ trẻ mẫu giáo DTTS ra lớp được duy trì, đạt tỷ lệ 76%; trong đó có 100% trẻ 5 tuổi DTTS ra lớp, 100% trẻ DTTS được tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo cơ bản có khả năng nghe, nói tiếng Việt tương đối tốt, có một số kỹ năng cơ bản tiền đọc, viết như: tập tô, viết, làm quen với sách, nhận dạng được 29 chữ cái và nhận biết được chữ số và số lượng trong phạm vi 10”.


Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên

Tạo môi trường học tốt tiếng Việt

Ngoài việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS, hàng năm, ngành Giáo dục, UBND các huyện còn quan tâm đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, phần mềm dạy tiếng Việt phù hợp cho tất các nhóm, lớp, điểm trường mầm non ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn. Qua đó góp phần tăng cường cho trẻ kỹ năng nghe, hiểu, nói tiếng Việt, hình thành thói quen nói tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Hòa Hoàng Vũ Anh, để có môi trường dạy học tiếng Việt tốt, hàng năm, ngành Giáo dục và UBND huyện Sơn Hòa đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, cho các trường lớp để các trường có môi trường giáo dục tốt, giúp các em thích thú sau mỗi ngày đến trường.

Bên cạnh đầu tư của ngành Giáo dục, UBND huyện, các trường còn khai thác và sử dụng có hiệu quả các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, tạo không gian, môi trường học tập thân thiện, phù hợp với nội dung giáo dục của từng độ tuổi, từng chủ đề, lớp học.

Cô Cao Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) cho biết: “Để tạo môi trường, động lực cho các cháu học tập tốt, Nhà trường thường xuyên lồng ghép sử dụng tiếng Việt trong tổ chức các hoạt động văn hóa, tổ chức kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao; tổ chức các trò chơi tìm chữ cái qua các bức tranh, bài thơ đã đọc, các trò chơi phân vai theo chủ đề… giúp các em luyện phát âm. Nhờ vậy, các cháu nhanh chóng nhận biết, phát âm theo bộ chữ cái tiếng Việt, thích thú hơn trong quá trình học nên có kỹ năng cơ bản trước khi vào lớp 1”./.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...