Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phong trào hiếu học ở vùng đất khó

Trí Thức - 17:47, 30/12/2020

Ở Hậu Giang, khi nói đến chuyện hiếu học của đồng bào Khmer, ai cũng nhắc đến ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ. Nhiều tấm gương vươn lên trong học tập đã khơi dậy và nhân lên phong trào hiếu học ở vùng đất khó này.

Ông Danh Quận bên giấy khen của các con
Ông Danh Quận bên giấy khen của các con

Từ những “đốm lửa nhỏ”

Những năm từ 1975 đến 1980, ấp 10, xã Lương Nghĩa là một vùng đất heo hút, giáp ranh với tỉnh Kiên Giang. Thời đó, trong làng chỉ có hơn chục học sinh đến trường học tiểu học, lên THCS thưa dần và bậc THPT thì chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những cậu học trò chịu thương, chịu khó đeo bám "con chữ"  thời ấy có thể nhắc đến là anh Liêm, anh Hùng, anh Danh Thành…

Anh Danh Thành kể, hồi đi học lớp 4, cứ sáng dậy đi học thì đến chiều anh mới về tới nhà, do đường đất rất khó đi. Lên cấp II thì anh đi ghe xuồng đến lớp học. Lên cấp III, cả ấp chỉ còn một mình anh đến trường. Để học chữ, gia đình anh phải chở cây, chở lá ra huyện cất chòi ở bên cạnh trường. Bản thân anh ngoài những giờ học phải tự đi kiếm cá, bắt ốc, hái rau để lo bữa ăn hàng ngày, kiên trì học chữ.

Ra trường với tấm bằng hạng ưu, anh Danh Thành xin về quê dạy học. Thị Ngọc Sương là một trong những học trò được thầy Danh Thành tận tụy dạy dỗ. Nhà Sương rất nghèo, cha bỏ đi để lại một mình mẹ bươn chải nuôi 4 miệng ăn, trong đó có cả bà ngoại già yếu luôn ốm đau, bệnh tật. Trong khốn khó, Sương càng thêm nghị lực quyết tâm học hành để mong sau này có nghề nghiệp ổn định.

Những năm đầu khi Trường Dân tộc nội trú Ô Môn (TP. Cần Thơ) mới thành lập, Thị Ngọc Sương là 1 trong 6 học trò đầu tiên của ấp 10 nộp hồ sơ xin vào học ở trường.

Mặc dù đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh dân tộc Khmer nghèo, nhưng khi Sương học lên cao đẳng sư phạm, mẹ cô đã phải bán đi 2,5 công đất để lo chi phí ăn ở, học hành cho con. Bản thân cô cũng phải đi dạy gia sư để có thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt và học tập.

Tốt nghiệp ra trường, Thị Ngọc Sương trở thành cô giáo, trở về địa phương tiếp tục dạy học cho các thế hệ con em người dân tộc Khmer tại quê hương…

Cô giáo Thị Ngọc Sương cùng các học trò của mình
Cô giáo Thị Ngọc Sương cùng các học trò của mình

Đến phong trào đất học

Ông Lâm Khem, nguyên Bí thư Chi bộ ấp 10 cho biết, toàn ấp hiện có 51 hộ Khmer có con đã và đang theo học cao đẳng, đại học với tổng số 109 người. Nhiều gia đình có tới 4 đến 5 người con học đại học và trên đại học, như chính gia đình ông Lâm Khem, gia đình ông Danh Quận…

Các con của ông Lâm Khem gồm: Lâm Kim Liễu, Lâm Liền, Lâm Kim Loan và Lâm Toán đều tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ. Riêng Lâm Kim Liễu hiện đã có trình độ thạc sĩ.

Còn như hộ ông Danh Quận mặc dù gia cảnh nghèo khó, nhưng ông đã luôn quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, làm thuê, làm mướn kiếm tiền để lo cho 5 người con học đại học. Riêng người con thứ hai của ông tên là Danh Khe Ma Ra có trình độ thạc sĩ, hiện đang làm giảng viên tại Trường Đại học Cần Thơ.

Ông Ký Hiếu Thanh, Phó Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang thông tin thêm: “Từ một vài “đốm lửa hồng” đã thổi bùng lên ngọn lửa sáng cho phong trào hiếu học trong toàn ấp 10. Tại ấp đã hình thành Hội Hiếu học do anh Lâm Khem dẫn dắt. Anh Lâm Khem lấy thực tế từ sự cần cù của những hộ nghèo có con học thành danh mà khuyến khích bà con, khơi dậy phong trào hiếu học cho vùng đất này. Đây thực sự là điểm sáng hiếu học của tỉnh Hậu Giang”.