Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khảo sát công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy rừng tại Kon Tum

PV - 14:30, 05/05/2024

Sáng 5/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đi khảo sát và làm việc với Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy rừng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy rừng - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy rừng - Ảnh: VGP/Hải Minh

Đây là hoạt động khảo sát thực tiễn nhằm chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy, diễn ra chiều cùng ngày dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray hiện đang được giao quản lý hơn 60.000 ha, với tổng số viên chức, người lao động là 94 người, trong đó lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng là 71 người.

VQG đã áp dụng công nghệ, như GIS, WebGis, SMART, flycam vào hoạt động tuần tra, kiểm tra, theo dõi diễn biến rừng; đã thực hiện hơn 7.500 đợt tuần tra, kiểm tra rừng với 35.722 lượt người tham gia, góp phần giúp Ban Quản lý kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa hành vi, hiểu hiện xâm hại tài nguyên rừng.

Từ năm 2020 đến nay, địa bàn quản ý của VQG không để xảy ra vi phạm, không xảy ra cháy rừng. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thời tiết được dự báo tiếp tục có những diễn biến bất thường, dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao, vì thế trách nhiệm của Ban Quản lý VQG và tỉnh Kon Tum rất nặng nề - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thời tiết được dự báo tiếp tục có những diễn biến bất thường, dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao, vì thế trách nhiệm của Ban Quản lý VQG và tỉnh Kon Tum rất nặng nề - Ảnh: VGP/Hải Minh

Bên cạnh lực lượng chuyên trách, VQG cũng đã thực hiện giao khoán 16.400 ha cho 23 cộng đồng với 612 hộ dân bảo vệ, góp phần đáng kể vào việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng, từ đó nâng cao trách nhiệm của người dân vào công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Năm 2023, VQG đã hỗ trợ 46 thôn/làng vùng đệm theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Bên cạnh đó, năm 2023, Vườn cũng thực hiện trồng mới 195 ha rừng đặc dụng; năm 2024, đăng ký trồng mới 100 ha.

VQG còn thực hiện công tác tiếp nhận, cứ hộ các loài động vật hoang dã do các cơ quan chức năng (kiểm lâm, công an) trên địa bàn xử lý, chuyển giao; thực hiện chăm sóc, cứu hộ, tài thả về rừng các loài sau cứu hộ.

Ngoài ra, VQG còn gieo ươm 10.000 cây bản địa, quý hiếm để cấp phát cho các cộng đồng vùng đệm trồng cây phân tán, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm.

Phó Thủ tướng thăm bếp ăn của lực lượng quản lý, bảo vệ VQG - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng thăm bếp ăn của lực lượng quản lý, bảo vệ VQG - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tuy nhiên, VQG cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do diện tích quản lý rộng, địa hình phức tạp, ranh giới Vườn trải dài, trong khi vẫn còn thiếu cả về biên chế lực lượng bảo vệ rừng cùng với trang thiết bị và công cụ hỗ trợ phục vụ công việc.

Các trạm quản lý bảo vệ rừng nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông, thông tin liên lạc còn khó khăn, trong đó còn 6 Trạm chưa có sóng điện thoại, chưa có lưới điện thắp sáng.

Chế độ chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng còn hạn chế, chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống. Ghi nhận tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Krei, mức lương khoảng 4 triệu-6 triệu đồng/người.

Ban Quản lý VQG kiến nghị Chính phủ quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để các địa phương, đơn vị làm căn cứ tổ chức lại lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và xây dựng đề án vị trí việc làm.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định 24/2012/QĐ-TTg ngày 6/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư rừng đặc dụng theo hướng nâng mức hỗ trợ từ 100.000 đồng/ha/năm lên 300.000 đồng/ha/năm để đơn vị có nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng.

Ban Quản lý VQG cũng đề nghị Bộ NNN&PTNT sửa đổi Điều 9 Thông tư 29/2018/TT-BNN quy định các biện pháp lâm sinh theo hướng bổ sung quy định xử lý thực bì toàn diện đối với biện pháp trồng toàn diện.

Phó Thủ tướng thăm hỏi, trò chuyện với người dân được khoán bảo vệ rừng - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng thăm hỏi, trò chuyện với người dân được khoán bảo vệ rừng - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Quản lý VQG trong nhiều năm qua, dù khối lượng công việc được giao rất lớn, trong khi còn nhiều khó khăn cả về nhân lực, điều kiện làm việc lẫn trang thiết bị phục vụ công tác.

Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao Ban Quản lý từng bước áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động tuần tra, kiểm tra, theo dõi diễn biến rừng, góp phần kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa xác nguy cơ, hành xâm phạm rừng, phòng ngừa nguy cơ cháy rừng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thời tiết được dự báo tiếp tục có những diễn biến bất thường, điển hình là TP. Kon Tum chưa bao giờ ghi nhận mức nhiệt cao như năm nay, dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao, vì thế trách nhiệm của Ban Quản lý VQG và tỉnh Kon Tum rất nặng nề.

Phó Thủ tướng chụp ảnh lưu niện với lực lượng quản lý, bảo vệ VQG - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng chụp ảnh lưu niện với lực lượng quản lý, bảo vệ VQG - Ảnh: VGP/Hải Minh

Ghi nhận các kiến nghị của Ban Quản lý VQG, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 156 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 01/2019 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, dự thảo Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.

Qua ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương lấy ý kiến góp ý của các VQG khác trên cả nước đối với các dự thảo nghị định nêu trên để bảo đảm khi ban hành các nghị định tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của các địa phương.