Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chấm dứt tình trạng lãng phí quỹ đất nông, lâm trường

Sỹ Hào - 11:33, 16/03/2024

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 8/3/2024 về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Một trong những nhiệm vụ được Chính phủ yêu cầu là phải chấm dứt triệt để tình trạng công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp được giao đất nhưng không sử dụng.

Chấm dứt tình trạng lãng phí quỹ đất nông, lâm trường
Chính sách hỗ trợ đất canh tác cho đồng bào DTTS thiếu hoặc không có đất sản xuất được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng hiện vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. (Ảnh minh họa)

Sử dụng đất chưa hiệu quả

Theo GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, trước đây cả nước có 423 lâm trường, được giao quản lý 6,3 triệu ha rừng. Thực hiện chủ trương sắp xếp lại các nông lâm trường quốc doanh, các nông, lâm trường được chuyển đổi thành các công ty nông, lâm nghiệp, sau đó tiến hành cổ phần hóa.

Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, từ năm 2003 đến năm 2014, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2023 của Bộ Chính trị, các nông, lâm trường phải bàn giao về địa phương 621.565 ha. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 15/11/2015 của Quốc hội, dự kiến 465.029 ha sẽ được bàn giao.

Vị chi, tổng diện tích sẽ được chuyển về từ các nông, lâm trường là 1.086.594 ha. Tuy nhiên, phần diện tích chưa có phương án (tạm giữ lại chưa giao) là 928.548 ha, bằng 85% tổng diện tích dự kiến bàn giao về địa phương.

Đáng chú ý, trong diện tích mà các công ty lâm nghiệp trên cả nước đang giao, khoán, liên doanh liên kết, cho thuê, mượn đang có tranh chấp, bị lấn, chiếm (245.787 ha, chiếm 13,15% diện tích dự kiến giữ lại) thì đất lấn chiếm, tranh chấp không kiểm soát được là gần 57.000 ha.

Theo GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, do nhiều nguyên nhân, việc quản lý và sử dụng đất nông, lâm trường còn nhiều tồn tại; hiệu quả sử dụng đất nói chung còn thấp; các hoạt động sản xuất liên doanh, liên kết liên vẫn còn tồn tại; việc sắp xếp, đổi mới và quản lý các nông, lâm trường vừa qua vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động và hiệu quả khai thác toàn diện rừng trồng và đất đai còn thấp.

Một số nông, lâm trường chưa làm tốt vai trò là nòng cốt trong sản xuất, trung tâm khoa học kỹ thuật trên địa bàn. Hầu hết các nông, lâm trường chỉ chú ý đến khai thác, lợi dụng tài nguyên mà chưa coi trọng việc bảo vệ, nuôi dưỡng. Một số nông, lâm trường được giao diện tích đất quá lớn so với khả năng của mình, trong khi người DTTS lại thiếu đất sản xuất dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Chấm dứt tình trạng lãng phí quỹ đất nông, lâm trường 1
Nhiều diện tích đất có nguồn gốc nông lâm trường hiện không sử dụng (nhượng lại, cho thuê, cho mượng, khoán trắng) hoặc sử dụng không hiệu quả. (Trong ảnh: Diện tích đất canh tác được Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi khoán cho hộ dân đang được Thanh tra tỉnh Đăk Lăk tiến hành thanh tra toàn diện)

Để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất đối với đồng bào DTTS, GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị, cần đánh giá lại toàn bộ các hoạt động của các nông, lâm trường, không chỉ công tác quản lý đất đai, mà cả việc thực hiện chức năng sản xuất kinh doanh, vai trò hướng dẫn, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình. Những đơn vị nào không đủ năng lực thực hiện những chức năng đó và khó có thể “trụ” được cần kiên quyết giải thể.

Chấm dứt triệt để

Từ nhiều năm nay, chủ trương quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất nông, lâm trường đã được thể chế hóa. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2023 và Nghị quyết số 0-NQ/TW ngày 12/3/2014; Quốc hội có Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27/11/2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh.

Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Trước đó là Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13;…

Hầu hết các nông, lâm trường chỉ chú ý đến khai thác, lợi dụng tài nguyên mà chưa coi trọng việc bảo vệ, nuôi dưỡng. Một số nông, lâm trường được giao diện tích đất quá lớn so với khả năng của mình, trong khi người DTTS lại thiếu đất sản xuất dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
GS.TS. Trần Đức Viên
Chủ tịch Hội đồng khoa học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp và công tác quản lý, sử dụng quỹ đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường vẫn chưa có nhiều chuyển biến; tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai vẫn chưa được giải quyết triệt để; chính sách hỗ trợ đất canh tác cho đồng bào DTTS thiếu hoặc không có đất sản xuất vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ngày 17/8/2023, Ban Bí thư khóa XIII đã có Kết luận số 61-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Một trong những yêu cầu của Ban Bí thư tại Kết luận số 61-KL/TW là thực hiện nghiêm Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 và Kết luận số 82-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Ngày 8/3/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư. Một trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 29/NQ-Cp là tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ yêu cầu xử lý triệt để tồn đọng, tranh chấp về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, công ty lâm nghiệp; chấm dứt tình trạng công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp được giao đất nhưng không sử dụng (nhượng lại, cho thuê, cho mượng, khoán trắng) hoặc sử dụng không hiệu quả; xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp chồng lấn, lấn chiếm, tranh chấp.

“Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất được giao cho đồng bào DTTS”, Nghị quyết số 29/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu.

Chính phủ giao Bộ Nông nghiệpvà Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, giúp Chính phủ đôn đốc, tổ chứcthực hiện; đôn đốc, kiểm tra thực hiện nghị quyết; xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩmquyền xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Các bộ, cơ quanngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trungương căn cứ nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tổ chức thựchiện Nghị quyết.