Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không ban hành thêm quy trình, thủ tục, giấy phép gây cản trở lưu thông hàng hóa

PV - 17:45, 13/09/2021

Khẳng định vai trò của địa phương là quyết định, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép, gây khó khăn, cản trở lưu thông nhưng phải bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không ban hành thêm các thủ tục, các giấy phép, gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa - Ảnh VGP/Đức Tuân
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không ban hành thêm các thủ tục, các giấy phép, gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa - Ảnh VGP/Đức Tuân

Sáng nay (13/9), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Tham dự có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.

Vừa giãn cách vừa duy trì sản xuất ở "chừng mực nhất định"

Theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trình bày, nhìn chung, sản xuất nông nghiệp cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía nam, đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, xuất khẩu nhiều nông sản có dấu hiệu sụt giảm.

Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mở đầu Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách vừa qua, chúng ta đã triển khai nhiều chính sách quyết liệt để phòng chống dịch, do đó, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, cùng một quy định, nhưng có địa phương triển khai tốt, có nơi còn triển khai máy móc nên sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là nông nghiệp, từ chăn nuôi, gieo trồng, đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều nơi thiếu nhân công, thiếu vật tư đầu vào, xuất nhập khẩu gặp khó khăn... Nhiều địa phương còn cứng nhắc, sinh ra nhiều thủ tục cản trở lưu thông hàng hóa.

"Giãn cách để phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi các địa phương phải vận dụng linh hoạt, phù hợp để vừa giãn cách vừa duy trì sản xuất ở "chừng mực nhất định", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề an toàn trong sản xuất bởi “nếu trong khi sản xuất, lưu thông hàng hóa mà không kiểm soát tốt để xảy ra ổ dịch lớn, thì nguy hại hàng vạn lần, không chỉ về sức khỏe, tính mạng của người dân mà gây đình trệ nền kinh tế”.

Phát biểu thảo luận, các bộ, địa phương, hiệp hội cho rằng, mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2021 khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn.

Theo Phó Chủ tịch UBND An Giang Trần Anh Thư, giá phân bón tăng cao cũng là một trong những khó khăn chính trong thời gian qua. Ông Thư kiến nghị cần tiếp tục rà soát lại chuỗi sản xuất, cung ứng, nhập khẩu, logistics đến cách sử dụng phân bón của người dân để hướng tới giảm giá phân bón ở mức phù hợp.

Còn ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đề nghị đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đề xuất có cổng thông tin về nông sản kết nối với các đối tác nước ngoài.

Một số ý kiến phản ánh các khó khăn trong xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có Trung Quốc, khi hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn của các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng ngày càng cao. Một số quy định mới về nhập khẩu nông sản của phía Trung Quốc áp dụng từ 1/1/2022 có thể sẽ tác động đến sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động lớn đến xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện chỉ có 4/12 cửa khẩu của Lạng Sơn hoạt động và đã bắt đầu có tình trạng ùn ứ trong khi lượng hàng hóa tiếp tục dồn về, tạo áp lực rất lớn cho địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố có hàng nông sản lưu thông đến các cửa khẩu của Lạng Sơn chủ động thông báo cho doanh nghiệp để cơ cấu lại hàng hóa, tránh ùn ứ. Ông Hồ Tiến Thiệu cũng đề nghị các tỉnh hoàn thành việc tiêm vaccine cho lái xe chở nông sản để bảo đảm an toàn lưu thông, an toàn phòng chống dịch cho tỉnh Lạng Sơn.

Chủ tịch Hiệp hội Logistics Lê Duy Hiệp cho rằng, các sàn giao dịch điện tử, kênh phân phối trực tuyến là giải pháp lưu thông hàng hóa trong bối cảnh hiện nay. Ông kiến nghị các tỉnh, thành phố cần tăng cường xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc; thành lập trung tâm xúc tiến nông sản quốc gia để kết nối với Mỹ và EU; tổ chức, quy hoạch trung tâm logistics vùng (nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long) để kết nối lưu thông trong nội vùng thuận lợi...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đặt vấn đề, tại sao Bắc Giang, Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong thời gian ngắn trong khi mặt hàng thanh long, dưa hấu thì nay tắc chỗ này mai tắc chỗ khác - Ảnh VGP/Đức Tuân
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đặt vấn đề, tại sao Bắc Giang, Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong thời gian ngắn trong khi mặt hàng thanh long, dưa hấu thì nay tắc chỗ này mai tắc chỗ khác - Ảnh VGP/Đức Tuân

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông thủy sản cho nông dân. Nhấn mạnh vai trò của địa phương, ông đặt vấn đề, “tại sao Bắc Giang, Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong thời gian ngắn trong khi mặt hàng thanh long, dưa hấu thì nay tắc chỗ này mai tắc chỗ khác”. Những tỉnh trồng thanh long, dưa hấu mà làm được như Bắc Giang thì “tôi tin rằng việc tiêu thụ nông sản cho nông dân thời gian tới sẽ có sự chuyển biến tích cực”, ông Trần Quốc Khánh bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến Thứ trưởng Bộ Công Thương về đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh chính ngạch, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh các địa phương chủ động thì giải quyết được vấn đề, nếu không, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Tài chính đang tích cực triển khai Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo Nghị quyết này, bà Vũ Thị Mai đề nghị các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TPHCM, cho phép cơ quan hải quan được bố trí theo nhu cầu, yêu cầu công việc để thông quan hàng hóa.

Không thêm văn bản, phải xuống tận nơi để tháo gỡ

Đánh giá cao ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa thiết thực để “Chính phủ lắng nghe, có giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả hơn”.

Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch và đạt những kết quả quan trọng. Chúng ta đã từng bước ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì trong điều kiện phù hợp để bảo đảm sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng.

Khẳng định mục tiêu dập dịch là quan trọng nhất để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đó là khó khăn trong huy động công nhân vào làm việc; lưu thông hàng hóa, cả đầu vào và đầu ra, gặp trở ngại; thu hoạch, tái đàn, tiêu thụ, sản xuất giảm hiệu quả…

“Nếu không có giải pháp thích hợp, không sớm ngăn chặn được dịch bệnh, kéo dài tình trạng giãn cách thì sẽ rất khó khăn, không chỉ đối với chủ doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến đời sống công nhân lao động, nông dân”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa thiết thực để “Chính phủ lắng nghe, có giải pháp điều hành, làm sao để chúng ta đạt kết quả tốt hơn” - Ảnh VGP/Đức Tuân
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa thiết thực để “Chính phủ lắng nghe, có giải pháp điều hành, làm sao để chúng ta đạt kết quả tốt hơn” - Ảnh VGP/Đức Tuân

Về mặt chủ quan, Phó Thủ tướng cho rằng việc điều hành của một số địa phương còn thiếu sâu sát, cứng nhắc, chưa kịp thời, dẫn tới ùn tắc, ứ đọng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu bảo đảm không đứt gãy trong sản xuất, lưu thông. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có địa phương, có thời điểm, đã vận dụng máy móc, dẫn tới ách tắc.

Đề nghị rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề này, Phó Thủ tướng lấy ví dụ, có địa phương đặt ra quy định xe chở hàng phải sang tải, “sang xe, đổi tài xế”, làm mất thời gian, gây ùn ứ, “xe chở mấy trăm con lợn, hàng nghìn con gà mà sang tải thì doanh nghiệp làm sao sống nổi!”. “Có địa phương cứng nhắc đến mức người ta chở con giống về thả, để tái đàn mà cũng không cho vào”.

Nhất trí với các ý kiến cho rằng vai trò của địa phương là quyết định, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa. Không quy định việc sang tải mà kiểm tra chặt chẽ điểm đi, điểm đến và có cách quản lý F0 nếu lái xe dương tính. Tuyệt đối bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần phối hợp với ngành y tế, công thương, các bộ, ngành Trung ương… làm việc cụ thể với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất. “Công nhân, nhà máy ở vùng xanh, xã xanh, huyện xanh thì địa phương cho kế hoạch tổ chức sản xuất trở lại với các điều kiện cụ thể, như trước khi vào sản xuất, 100% công nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Nếu ở vùng xanh thì các đồng chí cho công nhân về nhà, cho đi lại bình thường”, Phó Thủ tướng nêu giải pháp. “Ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất. Định kỳ 1 tuần 2 lần thực hiện test nhanh cho công nhân, để phát hiện kịp thời F0, bảo đảm tuyệt đối an toàn”. Các sở, ngành phải kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện của doanh nghiệp.

Đối với sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp, trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán.

Về nhiệm vụ của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các địa phương triển khai kế hoạch nuôi trồng theo đúng tiến độ đã đưa ra từ đầu năm; xây dựng phương án và chỉ đạo điều chỉnh linh hoạt cơ cấu mùa vụ, loại nông sản nuôi trồng để điều tiết nguồn cung, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thực sự để nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Tài chính, hiệp hội doanh nghiệp trong đàm phán, cung cấp các thông tin thị trường…; chủ động đưa các vấn đề về đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật liên quan đến thị trường nông sản; chủ động, tăng cường trao đổi, đàm phán với các thị trường nhập khẩu chính về việc tạo thuận lợi trong thủ tục thông quan hàng hóa nông sản…

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu không ban hành thêm các văn bản quy định gây cản trở lưu thông hàng hóa, Bộ Giao thông vận tải thường xuyên nắm bắt tình hình, “các khu vực, các cảng mà có vấn đề thì Bộ GTVT phải trực tiếp xuống làm việc với các tỉnh. Nếu để xảy ra tình trạng ùn tắc hay ban hành thêm các chính sách khác thì Bộ GTVT vẫn phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nêu rõ. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu mở các chuyến bay phục vụ xuất khẩu hàng hóa.

Bộ Y tế tiếp tục tập trung ưu tiên vaccine để tiêm cho các đối tượng tham gia thu hoạch, thu mua, sản xuất, chế biến nông sản.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp./.