Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát huy những lợi thế từ EVFTA

Thúy Hồng - 07:32, 05/09/2021

Bất chấp những khó khăn do COVID-19, sau 1 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU vẫn tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là lĩnh vực nông, thủy sản. Hiệp định EVFTA sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy nền kinh tế khi tiêm chủng ở các nước được bao phủ, các nền kinh tế mở cửa trở lại.

Sản phẩm thanh long đỏ của Sơn La được đóng gói xuất khẩu sang Nga.
Sản phẩm thanh long đỏ của Sơn La được đóng gói xuất khẩu sang Nga.

Tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng

Vào những ngày đầu tháng 8, hơn 10 tấn thanh long ruột đỏ của người dân huyện Thuận Châu, Sơn La, đã xuất khẩu sang thị trường Nga, với giá bán tại vườn từ 15 ngàn đồng/kg. Tuy giá rẻ hơn so với năm trước, nhưng đây là tín hiệu vui đối với người nông dân, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ nông sản đang gặp nhiều khó khăn.

Chị Lò Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha (huyện Thuận Châu) cho hay: HTX có 10 ha thanh long được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Vụ này HTX được xã Chiềng Pha chọn 7 tấn quả để xuất khẩu sang Nga.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, thông tin: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngay từ đầu năm, huyện đã làm việc với các HTX nông nghiệp xây dựng kế hoạch bao tiêu sản phẩm quả cho Nhân dân trên địa bàn. Hỗ trợ các HTX đã ký kết hợp đồng với một số công ty, doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ trong chuỗi siêu thị trong nước và xuất khẩu.

Việc xuất khẩu sản phẩm thanh long sang thị trường Nga khẳng định, thanh long đỏ của Sơn La đảm bảo uy tín, chất lượng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu. Đến thời điểm hiện tại, huyện Thuận Châu đã có 40 ha thanh long cho thu hoạch, với tổng sản lượng dự kiến năm 2021 ước đạt trên 440 tấn quả. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Thuận Châu đã tiêu thụ hơn 170 tấn quả thanh long, trong đó, xuất khẩu 10 tấn sang Nga, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nông dân.

Còn đối với mặt hàng cà phê của Việt Nam cũng được đánh giá, là có rất nhiều lợi ích từ việc thực thi Hiệp đình EVFTA. Tại Gia Lai, kim ngạch xuất khẩu cà phê 7 tháng năm 2021, đạt tới ngưỡng 210 triệu USD, chiếm gần 60% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh gia tăng xuất khẩu, đưa sản lượng cà phê xuất khẩu tăng 20% và tăng 24% về giá trị.

Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám Đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của tỉnh, đã nhanh nhạy xây dựng vùng nguyên liệu hơn 34.000 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, Organic; có kế hoạch, tổ chức sản xuất thích ứng với dịch bệnh; chuẩn hóa số bao bì, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và vận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại.

Cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành Công Thương Gia Lai cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường và kịp thời nắm bắt, tận dụng các hiệp định, nhất là Hiệp định EVFTA.

Hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ EVFTA

Nhìn từ nông sản Việt có thể thấy, Hiệp định EVFTA đã mang lại kết quả gần như ngay lập tức, trong những tháng đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, với những con số khá ấn tượng. Tính từ ngày 1/8/2020 tới hết năm 2020, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đã tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng mạnh nhất là các sản phẩm từ cao su, rau quả và lúa gạo…

Mặt hàng cà phê của Việt Nam cũng được đánh giá là có rất nhiều lợi ích từ việc thực thi Hiệp đình EVFTA mang lại.
Mặt hàng cà phê của Việt Nam cũng được đánh giá là có rất nhiều lợi ích từ việc thực thi Hiệp đình EVFTA mang lại.

Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020. Về đầu tư, tính đến tháng 6/2021, EU có 2.221 dự án đầu tư tại Việt Nam, với số vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD, tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020. 

Những “con số biết nói” này cho thấy, doanh nghiệp của hai bên đang hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích mà EVFTA mang lại.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên - Bộ Công Thương, cho biết: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu, bãi bỏ hầu hết thuế nhập khẩu rau quả và nông sản Việt Nam vào châu Âu. Các ưu đãi thuế giúp nông sản Việt Nam từ giữa năm 2020 có lợi thế vượt trội về giá bán so với các sản phẩm tương đương của Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia - những nước chưa ký được hiệp định thương mại với châu Âu.

“Thủy sản là ngành mà có giá trị gia tăng rất cao và là ngành giúp cho chúng ta chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu. Ngành này ngay trong 6 tháng đầu tiên trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định, khả năng tận dụng cơ hội đã đạt được trên 70% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, tức là con số rất khá so với những hiệp định khác”, ông Lương Hoàng Thái nói.

Kinh tế các nước EU đang hồi phục nhờ những chuyển biến tích cực sau chương trình tiêm phòng vaccine chống Covid-19 và các gói hỗ trợ kinh tế. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ thị trường EU bắt đầu tăng mạnh từ tháng 3/2021 và dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm.

Việt Nam có thế nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này nếu nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19 đang bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.