Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ

PV - 15:45, 26/10/2023

Việt Nam - Thụy Sĩ cần tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi nước để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng tốt hơn nữa, sâu rộng hơn nữa, hiệu quả, thiết thực hơn nữa, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức chung để cùng phát triển bền vững mang lại sự thịnh vượng, hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp Ngài Dominique Paravicini, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ.
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp Ngài Dominique Paravicini, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ.

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ

Ngày 26/10, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tiếp Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ Dominique Paravicini.

Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ vui mừng được gặp Ngài Quốc Vụ khanh nhân dịp tham dự Diễn đàn Bộ trưởng OECD - Đông Nam Á lần thứ hai do Việt Nam tổ chức trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD cùng Australia.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ.

Theo Phó Thủ tướng, quan hệ hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ thời gian qua phát triển tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là chính trị - ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo... Hai nước còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển quan hệ trong thời gian tới.

Việt Nam đánh giá cao vai trò và đóng góp của Thụy Sĩ trong OECD và đặc biệt là trong Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP). Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chân thành cảm ơn sự ủng hộ của Thụy Sĩ đối với Việt Nam trong cương vị Đồng Chủ tịch SEARP. Phó Thủ tướng kỳ vọng và tin tưởng sự tham dự và đóng góp tích cực của Ngài Quốc vụ khanh và đoàn Thụy Sĩ sẽ đóng góp lớn vào thành công của Diễn đàn năm nay.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Việt Nam hoan nghênh và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam ổn định, lâu dài. Ảnh VGP
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Việt Nam hoan nghênh và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam ổn định, lâu dài. Ảnh VGP

Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư ổn định, lâu dài

Ngài Dominique Paravicini Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã dành thời gian tiếp đoàn và cho biết trong chuyến công tác tại đất nước Việt Nam xinh đẹp, thân hiện, hiếu khách trong những ngày qua, tìm hiểu về hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ tại Việt Nam, làm việc với các bộ, ngành, địa phương,… là ước mơ từ lâu của ông đã được thực hiện.

Về Hội nghị của OECD tại Việt Nam, Ngài Dominique Paravicini cho biết, trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra nhiều nhóm công tác khác nhau về các chủ đề: Phòng chống tham nhũng; thực hành tốt hoạt động quản trị; đánh giá tiềm năng đầu tư tại khu vực Đông Nam Á;… Quốc vụ khanh Thụy Sĩ cho rằng, đây là diễn đàn tốt để các quốc gia chia sẻ với nhau về kinh nghiệm quản trị, và học hỏi lẫn nhau, đồng thời bày tỏ tin tưởng hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.

Về quan hệ đối ngoại giữa 2 quốc gia, Ngài Dominique Paravicini Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ cũng bày tỏ mong muốn, Việt Nam – Thụy Sĩ sẽ tiếp tục có các hoạt động hiệu quả để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư,… qua đó góp phần quan trọng trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai quốc gia trên các lĩnh vực khác nhất là trong quan hệ chính trị, đối ngoại,...

Chia sẻ quan điểm của Ngài Quốc vụ khanh Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cho biết thời gian qua, quan hệ chính trị, đối ngoại hai nước Việt Nam - Thụy Sĩ đã có nhiều hoạt động rất tích cực. Hai bên đã duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn ở các cấp kể cả trong điều kiện đại dịch, trong đó có các chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tới Thụy Sĩ (tháng 11/2021) và chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ (tháng 8/2021) nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 6/2023 vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas cũng đã có chuyến thăm Việt Nam thành công, góp phần gia tăng tin cậy chính trị và mở rộng quan hệ hợp tác hai nước.

Về hợp tác phát triển, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cảm ơn Chính phủ Thụy Sĩ đã cung cấp nguồn ODA quan trọng cho Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, góp phần hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả "Chương trình hợp tác của Việt Nam và Thụy Sĩ giai đoạn 2021-2024", với các ưu tiên là tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tri thức, ứng phó với các thách thức mới về phát triển và biến đổi khí hậu. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Thụy Sĩ đối với nỗ lực phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tới, nhất là trong nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác doanh nghiệp…

Về hợp tác đầu tư, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam trong đó có doanh nghiệp Thụy Sĩ; mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sĩ tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến, nhất là trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cơ khí chính xác, phát triển kinh tế tập thể,… Việt Nam hoan nghênh và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam ổn định, lâu dài.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Thụy Sĩ phối hợp chặt chẽ, tạo đột phá để sớm kết thúc đàm phán và ký kết FTA giữa Việt Nam và EFTA. Ảnh VGP
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Thụy Sĩ phối hợp chặt chẽ, tạo đột phá để sớm kết thúc đàm phán và ký kết FTA giữa Việt Nam và EFTA. Ảnh VGP

Đề nghị Thụy Sĩ phối hợp chặt chẽ để sớm kết thúc đàm phán và ký kết FTA giữa Việt Nam và EFTA

Về tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Thụy Sĩ - thành viên có tiếng nói quan trọng trong khối EFTA phối hợp chặt chẽ, tạo đột phá để sớm kết thúc đàm phán và ký kết FTA.

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp với Thụy Sĩ cũng như các nước thành viên khác trong khối EFTA để sớm thu hẹp khoảng cách đối với những nội dung còn tồn tại, tiến tới kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất như chỉ đạo của các nhà lãnh đạo hai bên. 

Khi có hiệu lực, FTA Việt Nam - EFTA sẽ tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ kinh tế - đầu tư giữa Việt Nam với khối EFTA nói chung và Thụy Sĩ nói riêng, cũng như tạo thuận lợi cho Thụy Sĩ và khối EFTA tiếp cận hơn với thị trường ASEAN.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng bày tỏ mong muốn Thụy Sĩ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao; thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các cơ sở giáo dục hai bên, thực hiện các chương trình liên kết đào tạo những ngành mà Thụy Sĩ có thế mạnh, nhất là trong các ngành dược phẩm, công nghệ chế tạo, cơ khí chính xác, du lịch, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm.... Đề nghị Thụy Sĩ tăng số học bổng cấp cho các sinh viên Việt Nam sang học tại Thụy Sĩ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn quan hệ hai nước Việt Nam - Thụy Sĩ ngày càng tốt hơn nữa, sâu rộng hơn nữa, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức chung để cùng phát triển bền vững mang lại sự thịnh vượng, hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước. Ảnh VGP
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn quan hệ hai nước Việt Nam - Thụy Sĩ ngày càng tốt hơn nữa, sâu rộng hơn nữa, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức chung để cùng phát triển bền vững mang lại sự thịnh vượng, hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước. Ảnh VGP

Phát triển quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ ngày càng sâu rộng, thiết thực, hiệu quả vì thịnh vượng, hạnh phúc của nhân dân

Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ Dominique Paravicini cảm ơn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chia sẻ những vấn đề mà cả hai nước cùng quan tâm, cho rằng củng cố mối quan hệ trong những lĩnh vực này sẽ góp phần để củng cố quan hệ giữa 2 nước, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường.

Ngài Dominique Paravicini Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ cho biết, qua tiếp xúc, các doanh nghiệp Thụy Sĩ đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đều đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam.

Nhấn mạnh tiềm năng đầu tư vào Việt Nam rất lớn, khẳng định các nhà đầu tư Thụy Sĩ là những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, luôn đem lại lợi ích cho các quốc gia nơi đến mà thành công của Nestlé tại Việt Nam là một ví dụ, Ngài Quốc vụ khanh hy vọng và tin tưởng trong thời gian tới, doanh nghiệp Thụy Sĩ sẽ hiện diện nhiều hơn ở Việt Nam, đồng thời mong muốn, tại thị trường Thụy Sĩ sẽ hiện diện nhiều hơn các sản phẩm cao cấp tới từ Việt Nam.

Ngài Quốc vụ khanh cũng cho biết, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tiếp tục triển khai chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam; trao đổi với Phó Thủ tướng về triển khai hợp tác giữa 2 nước trong các lĩnh vực: Tài chính – ngân hàng; chuyển đổi số; ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao;...

Ngài Dominique Paravicini Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ khẳng định với nền tảng sâu sắc trên các lĩnh vực đã tạo dựng, 2 nước Việt Nam – Thụy Sĩ vẫn còn một không gian rộng mở để tiếp tục phát triển hợp tác ngày càng sâu sắc hơn trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ đồng tình và nhấn mạnh Việt Nam – Thụy Sĩ cần tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cũng như phát triển quan hệ hai nước ngày càng tốt hơn nữa, sâu rộng hơn nữa, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức chung để cùng phát triển bền vững mang lại sự thịnh vượng, hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước./.