Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phim dành cho đồng bào DTTS cần có lối đi riêng

Minh Thu - 16:36, 23/10/2021

Phim dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phải có lối đi riêng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; cần sử dụng song ngữ để chiếu phim tại vùng đồng bào DTTS; chú trọng công tác tuyên truyền phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc...Đó là những vấn đề được các đại biểu đặt ra bên lề kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu thảo luận ở tổ về Luật Điện ảnh sửa đổi (sáng 23/10)
Đại biểu thảo luận ở tổ về Luật Điện ảnh sửa đổi (sáng 23/10)

Sáng ngày 23/10, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV đã thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh còn có sự trùng lặp giữa chính sách phát triển điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh. Những nội dung và quy định về hành vi trong hoạt động điện ảnh còn mơ hồ, chưa rõ ràng, như quy định nghiêm cấm hành động điện ảnh gây kỳ thị dân tộc. Đồng thời, trong Luật Điện ảnh cần làm rõ quy định việc nghiêm cấm xúc phạm nhân phẩm, uy tín của cá nhân, uy tín tổ chức, các quy định chống hoạt động vi phạm bình đẳng giới, tác động giới còn hình thức, ít thực tiễn.

Việc kiểm soát phim trên không gian mạng cần có giải pháp cụ thể trong việc tiền kiểm, hậu kiểm để loại bỏ những nội dung ảnh hưởng, xuyên tạc, phim có hình ảnh không phù hợp.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển bên lề Quốc hội liên quan đến  phim về đề tài DTTS và miền núi và phim dành cho đồng bào DTTS, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Hiện nay, đồng bào DTTS đang được thụ hưởng bình đẳng như các vùng khác với nhiều thông tin đa dạng thông qua việc Nhà nước bảo đảm cấp kinh phí 100% cho các hoạt động điện ảnh, chiếu phim tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Như vậy mức chênh lệch là không lớn. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh phải phát huy, khai phóng sức sáng tạo của Việt Nam từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên để có lối đi riêng, mang đậm bản sắc. Từ đó tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác để nâng cao hình ảnh dân tộc.

Tán thành quan điểm xã hội hóa công tác chiếu phim dành cho đồng bào DTTS, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cho rằng: Trong Luật điện ảnh (sửa đổi) cần thực hiện xã hội hóa công tác chiếu phim. Bởi hiện nay, tuy ngân sách Nhà nước đảm bảo cho hoạt động này, nhưng mới chỉ đảm bảo 3-4 phim tuyên truyền/năm. Khi vận động xã hội hóa, tần suất chiếu phim sẽ được nâng lên, từ đó nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền về mặt chính trị - xã hội, đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS.

Đại biểu Tráng A Dương chia sẻ: Đối với một số bộ phim chính luận, chính trị, cần dùng song ngữ (tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền phù hợp với bản sắc văn hóa vùng miền. Điển hình như vùng Đông Bắc cần chú trọng văn hóa đồng bào Tày, Nùng; vùng Tây Bắc chú trọng văn hóa đồng bào Mông, Thái; vùng Tây Nam Bộ chú trọng tuyên truyền, quảng bá văn hóa đồng bào Khmer, Hoa... Từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng về đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào DTTS, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.  

Tin cùng chuyên mục