Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phía sau một giải thưởng

An Yên - 16:21, 02/02/2023

Vượt qua hàng trăm sản phẩm và hàng trăm tác giả dự thi, nghệ nhân người Thái ở huyện vùng cao xứ Nghệ đã giành giải đặc biệt Cuộc thi “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022”. Đó không chỉ là niềm vui, sự động viên rất lớn mà còn là sự trăn trở, day dứt cho hành trình phát triển của nghề đan lát thủ công mỹ nghệ của một nghệ nhân.

Ông Thương hoàn thiện sản phẩm bàn ăn mây tre
Ông Thương hoàn thiện sản phẩm bàn ăn mây tre

Ngày 2/11/2022, tại Thủ đô Hà Nội, ông Kha Văn Thương (bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn trao giải Đặc biệt Cuộc thi “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022” cho sản phẩm đạt giải là bộ bàn ăn mây, tre đan. Bộ sản phẩm này của ông Thương đã xuất sắc vượt qua gần 400 sản phẩm thủ công mỹ nghệ của 190 tác giả, nhóm tác giả trên cả nước để giành giải Đặc biệt. Đây là hội thi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động từ tháng 6/2022, với thành phần tham gia là các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân, các hiệp hội và các cơ quan quản lý ở các địa phương đến từ mọi miền Tổ quốc.

Ít ai biết rằng, giải thưởng mà ông Thương giành được không chỉ là sự độc đáo về thiết kế, về họa tiết, về thi công, mà nó được làm ra từ đôi bàn tay của một người nông dân bản Thái giữ niềm đam mê bền bỉ với nghề mây, tre đan.

Những sản phẩm của ông Thương
Những sản phẩm của ông Thương

Ông Thương kể: Tôi gắn bó với nghề đan lát mây, tre tự nhiên như hơi thở cuộc sống của mình. Từ tấm bé, tôi đã quen thuộc với những vật dụng mây, tre đan trong gia đình, thành ra đam mê và thích là thế. Cũng vì thế, tôi đã tự mày mò để đan, thay vì bỏ tiền mua ngoài cửa hàng, ngoài chợ.

Dưới bàn tay khéo léo của mình, bằng niềm đam mê đến “không dứt ra được”, từ chỗ tự làm đồ dùng cho gia đình, dần dà ông làm thêm nhiều, dùng không hết thì bắt đầu bán. Được nhiều người ưa chuộng, ông lại mày mò nghiên cứu làm thêm nhiều mẫu mã khác… Và bộ bàn ghế mây, tre cũng ra đời từ những trăn trở, sáng tạo và bằng đôi bàn tay được tôi luyện qua hàng chục năm đan từng sợi mây, uốn từng sợi song lấy từ rừng núi quê hương.

Còn chúng tôi, khi nhìn bàn tay khô sần, nứt nẻ của ông - bàn tay thường xuyên ngâm nước, rồi chuốt từng sợi mây, sợi song để tranh thủ phơi hong sản phẩm, là đã hiểu thế nào về những vất vả, cực nhọc của nghề. Ông Thương chắc nịch: Để sống được và đam mê với con đường đã chọn, ngoài kinh nghiệm và sự khéo tay thì chất lượng nguyên liệu và cách xử lý nguyên liệu là yếu tố quyết định đến sự thành công của sản phẩm.

Mỗi bộ bàn ghế mây tre đan phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành. Các khâu xử lý nguyên vật liệu đến tạo hình, đan lát chủ yếu bằng tay
Mỗi bộ bàn ghế mây tre đan phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành. Các khâu xử lý nguyên vật liệu đến tạo hình, đan lát chủ yếu bằng tay

Theo lời ông Thương, nghề đan mây, tre của ông không lúc nào thiếu việc, giá bán lại cao, thu nhập khá. Hiện nay giá bán của mỗi bộ bàn ghế dao động từ 4 - 6 triệu đồng, mỗi chiếc ghế tựa tròn từ 1,5 - 2 triệu đồng nhưng khó khăn đầu tiên là nguồn cung nguyên liệu. Ông Thương cho biết: Nguyên liệu chủ yếu là cây mây, cây song đang cạn kiệt dần. Những người theo nghề phải vào những vùng núi cao, vùng rừng xa mới có thể lấy được nguyên liệu. Chưa kể, giá nguyên liệu cây song tươi đã lên đến hơn 20.000 đồng/m và thường xuyên trong tình trạng khan hiếm. Vậy là, để bảo đảm nguồn nguyên liệu, ông Thương đã mở rộng phạm vi thu mua ở các huyện lân cận, thậm chí từ các tiểu thương thu gom ở các tỉnh khác.

Chia sẻ cùng chúng tôi, ông Thương trăn trở nhiều về việc thực hiện ước muốn đưa nghề đan thủ công mây, tre phát triển hơn nữa ở quê nhà, giúp nhiều người dân có thêm một hướng phát triển kinh tế bền vững từ rừng.

Ở thời điểm hiện tại, ông Thương đang thuê 9 lao động thường xuyên để cùng nhau hợp tác hoàn thiện các “đơn hàng” đã nhận. Những người tham gia chủ yếu là các bà, chị em tranh thủ thời gian nhàn rỗi, sau khi “thợ chính” Kha Văn Thương hoàn thành công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, tạo hình, đóng khung bàn, ghế, đan những chi tiết phức tạp tỷ mỉ, đến công đoạn hoàn thiện đơn giản hơn sẽ do các “thợ phụ” đảm nhận.

Sản phẩm của ông Thương
Sản phẩm của ông Thương

Cũng theo chia sẻ của ông Kha Văn Thương, có sự tham gia của các “thợ phụ” sẽ giúp tăng tốc độ hoàn thiện sản phẩm, bước đầu hình thành “dây chuyền” mây, tre đan nơi bản nhỏ, từng bước thực hiện ước muốn chia sẻ, mở rộng quy mô nghề thủ công mây, tre đan ở bản Tam Bông và nhiều bản, làng miền Tây xứ Nghệ.

Vừa mân mê chiếc ghế mây đã hoàn thành, ông Thương “bật mí” dự định: Tôi sẽ hướng tới nâng tầm sản phẩm mây, tre đan quê nhà. Có thể sẽ thành lập hợp tác xã mây, tre đan thủ công, mở rộng hơn quy mô sản xuất, mời thêm nhiều bà con ở bản làng cùng tham gia để tạo nhiều việc làm cho nhiều người; tăng thêm thu nhập từ rừng cho bà con.

Rời căn nhà nhỏ của nghệ nhân Thương nằm ven Quốc lộ 7 ngập tràn mây, tre ở xã Tam Quang, chúng tôi cứ mãi day dứt về dự định lớn lao mà ông đang ấp ủ. Dự định ấy đã có một niềm khát khao, có đôi tay khéo léo của một nghệ nhân; có đội ngũ lao động nhàn rỗi đông đảo tại địa phương, có thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng… Có những thành công tưởng chừng như là không thể! Với những điều kiện đang có và đã có, tin chắc nghệ nhân Thương sẽ thành công với việc phát triển nghề mây tre đan ở xã biên giới Tam Quang.