Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hoàn chỉnh dự thảo Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi

Khánh Thư - 22:05, 24/09/2019

Trong các ngày từ 23-27/9, tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận), Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 9 để thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung chuẩn bị cho chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV. Một trong những nội dung trọng tâm của Phiên họp toàn thể lần thứ 9 là HĐDT và các đại biểu cho ý kiến thẩm tra Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi (gọi tắt là Đề án).

Hoàn chỉnh dự thảo Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến chủ trì Phiên họp.

Bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Đề án tổng thể

Trong sáng 24/9, thay mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc (UBDT), Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đã báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và phiên họp thẩm tra sơ bộ của HĐDT của Quốc hội về Đề án. Đề án đã được UBTVQH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 37, ngày 18/9/2019. Trước đó, ngày 4/9/2019, Thường trực HĐDT cũng đã tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ Đề án.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết, trong hai cuộc họp trên, cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, thiết thực, xác đáng và thuyết phục. Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, tiếp thu tối đa các ý kiến đề cập trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của HĐDT và ý kiến của UBTVQH, UBDT đã khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung dự thảo Đề án.

Cụ thể, về tên gọi và căn cứ xây dựng Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 13/8/2013 của Chính phủ đề nghị điều chỉnh tên gọi của Đề án là “Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, tên gọi của Đề án dự kiến bổ sung cụm từ “vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn” để đúng với Khoản 8, Nghị quyết số 74/2018/QH14; nhưng phạm vi thực hiện Đề án sẽ không bao gồm các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Theo các quyết định hiện hành, địa bàn ĐBKK (xã khu vực 3) thuộc vùng DTTS và miền núi có 1.935 xã; địa bàn ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có 292 xã.

“Về căn cứ xây dựng Đề án, cơ quan soạn thảo đã bổ sung căn cứ vào các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015, ban hành tại Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ban hành kèm theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến báo cáo tại Phiên họp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến báo cáo tại Phiên họp.

Không có sự chồng chéo, trùng lắp

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, sau khi Đề án được Quốc hội thông qua và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng CTMTQG, thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định mục tiêu, chỉ tiêu, tổng mức đầu tư (phân chia giai đoạn, nguồn vốn…). Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định CTMTQG vào tháng 10/2020 và quyết định vốn đầu tư công vào tháng 5/2021 (trong Khung CTMTQG sơ bộ, dự kiến 94 nghìn tỷ đồng của giai đoạn 2021-2025, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 56 nghìn tỷ đồng).

“CTMTQG này sẽ không lấy các nội dung và kinh phí từ CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG xây dựng nông thôn mới mà chỉ chuyển Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 2-Chương trình 135 của CTMTQG giảm nghèo bền vững sang CTMTQG mới nên không có sự chồng chéo, trùng lắp giữa nội dung và nguồn vốn của các CTMTQG”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, CTMTQG sẽ được rà soát kỹ, điều chỉnh theo hướng tiếp thu ý kiến của UBTVQH và HĐDT. Trong đó xác định ưu tiên: Tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ nhà ở; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của đơn vị sự nghiệp công thuộc lĩnh vực dân tộc; đầu tư hỗ trợ nhóm dân tộc rất ít người còn nhiều khó khăn; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa DTTS; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; bình đẳng giới, đầu tư phát triển phụ nữ và trẻ em; truyền thông, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi; kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết, CTMTQG sẽ do 1 đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT làm Phó Ban Chỉ đạo Thường trực, giúp Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong phần tổ chức thực hiện Đề án.

“Tiếp thu ý kiến tại Báo cáo thẩm tra sơ bộ, dự thảo Đề án sẽ thể hiện được nguyên tắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Đó là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm phù hợp với vùng, miền, địa phương; phân cấp, trao quyền cho địa phương quyết định với sự giám sát của người dân; phát huy nội lực cộng đồng, đa dạng hóa nguồn lực;…”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định, quan điểm xây dựng Đề án là nhấn mạnh chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi là chính sách đầu tư cho phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng và xác định ngân sách nhà nước là nguồn lực đầu tư chủ yếu, có tính chất quyết định. Trên cơ sở đó, UBDT hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết và Đề án tổng thể để báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến và quyết định trình Quốc hội.