Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển văn hóa đọc ở vùng DTTS, miền núi: “Khát sách" (Bài 1)

Hồng Minh - 13:08, 21/05/2022

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, phát triển nhân cách văn hóa cho mỗi con người. Những năm qua, Chính phủ đã luôn quan tâm đầu tư, có nhiều biện pháp, chính sách thiết thực để xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, hiện nay tại vùng nông thôn, vùng DTTS và miền núi, vẫn chưa giải được “cơn khát ” sách.

Các em học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông tại thư viện nhà trường
Các em học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông tại thư viện nhà trường

Các thư viện không hấp dẫn người đọc vì thiếu sách

Khi được hỏi về thực trạng văn hóa đọc ở nơi mình công tác, cô giáo Đinh Thùy Trang đang giảng dạy tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Qua quan sát, mình rất mừng vì thấy nhiều trẻ em miền núi đã thích đọc sách. Một số loại sách các em hay thích đọc là, truyện tranh về truyền thuyết dân gian, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, truyện cổ tích, truyện lịch sử... và sách bằng tiếng dân tộc.

Tuy nhiên, sách tại thư viện công cộng xã, huyện dưới hình thức cấp phát, tài trợ chủ yếu có nội dung hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt, phổ biến pháp luật, một số ít về đề tài dân tộc và miền núi... nên thiếu hấp dẫn, không tạo hứng thú với người đọc.

Hay tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, từ năm học 2020- 2021, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh đã gặp khó khăn vì thiếu sách.

Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Tố Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường: Sách giáo khoa còn không đủ, thì làm sao có truyện, sách tham khảo để đọc. Chương trình giáo dục mới, có nhiều đầu sách nên rất khó để vận động phụ huynh mua vì điều kiện thiếu thốn. Nhà trường cũng đã đứng ra để kêu gọi ủng hộ sách từ các nguồn xã hội hóa, nhưng cũng không khả quan.

“Để có sách cho các em, nhà trường đã phải đứng ra để mua sách giúp các em có sách để học. Tuy nhiên, nhà trường cũng rất khó khăn, tính đến nay vẫn còn rất nhiều phụ huynh chưa thanh toán được tiền sách cho các con”,  cô Nga chia sẻ.

Theo thông tin từ cô Nga, nhà trường có một thư viện ngoài trời, tuy nhiên hiện các đầu sách, truyện trong thư viện rất ít, sách cũ, bị rách. Các em học sinh rất thích đọc, nhưng số lượng quá nghèo nàn. “Trong thư viện không có một cuốn truyện tranh nào” lời chia sẻ đầy trăn trở của cô giáo Nga.

Việc phát triển văn hóa đọc tới trẻ em vùng cao có ý nghĩa rất lớn (Ảnh tư liệu)
Việc phát triển văn hóa đọc tới trẻ em vùng cao có ý nghĩa rất lớn (Ảnh tư liệu)

Học sinh hầu như chỉ biết đến sách giáo khoa

Có lẽ đây cũng là tình trạng phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Người dân ở không ít thôn, bản vẫn “khát” sách, nhiều trẻ em suốt 12 năm học phổ thông chỉ được tiếp cận duy nhất sách giáo khoa.

Em Lò Thị Quỳnh, học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên chia sẻ “từ khi đi học, ngoài sách giáo khoa học trên lớp thì chúng em không có nhiều cơ hội được đọc sách. Em rất thích đọc sách về khoa học nhưng không có để đọc”.

Theo số liệu thống kê cho thấy, với hơn 500 đơn vị đăng ký kinh doanh phát hành xuất bản phẩm; gần 20.000 nhà sách, hiệu sách, trung tâm, siêu thị, điểm cho thuê, mua bán sách trên toàn quốc là con số không hề nhỏ. Nhưng thực tế, nhiều đơn vị chủ yếu hướng đến phục vụ thị trường tại đô thị, nơi mức tiêu dùng cao hơn và việc vận chuyển, phát hành thuận lợi hơn.

Sách về đến nông thôn, khu vực miền núi, phần lớn chỉ trông đợi vào nguồn cấp phát theo hệ thống thư viện, nhà văn hóa... Và lượng sách này, cũng khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của người dân tại các địa phương, chưa kể hiện tượng sách chuyển đến, thì độc giả không cần, sách cần lại không có.

Điều này lý giải phần nào sự đìu hiu tại nhiều thư viện, trung tâm học tập cộng đồng tuyến cơ sở. Do đó, cơ hội tiếp cận sách của người dân, đặc biệt là trẻ em tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa bị hạn chế, khiến sự chênh lệch, khoảng cách về văn hóa đọc gia tăng.

Cùng với sách giấy, hiện nay trong thời đại công nghệ 4.0, sách công nghệ đang ngày càng phát triển, hỗ trợ cho người đọc rất nhanh trong việc tra cứu, tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, nguồn sách này ở vùng cao lại càng khó hơn khi việc tiếp cận với công nghệ vẫn còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, để một đứa trẻ phát triển ngôn ngữ, nói - viết được những câu chuẩn, diễn đạt hay, thì cùng với việc dạy của cha mẹ và giáo viên, việc say mê đọc sách sẽ góp phần quan trọng vào sự hình thành, phát triển nhân cách toàn diện của trẻ.

Vì thế, việc không được đọc sách với trẻ em vùng cao là một thiệt thòi vô cùng lớn.