Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển Quỹ phòng, chống thiên tai trong tình hình mới: Giải bài toán “thu – chi” cho Quỹ cấp tỉnh ( Bài 1)

Khánh Thư - CĐ - 17:24, 11/10/2021

Ngày 1/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về việc thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT) ở Trung ương và cấp tỉnh. Quỹ PCTT các cấp vận hành theo quy định mới, được kỳ vọng trở thành “địa chỉ” tin cậy trong tiếp nhận nguồn lực, từ đó triển khai các nhiệm vụ ứng phó và hỗ trợ người dân khắc phục, tái thiết sau thiên tai.

Các tỉnh miền núi cần nguồn lực để khắc phục, tái thiết sau thiên tai (Ảnh minh họa)
Các tỉnh miền núi cần nguồn lực để khắc phục, tái thiết sau thiên tai (Ảnh minh họa)

Lâu nay, nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai nhưng lại thiếu kinh phí để khắc phục, tái thiết; nguồn thu cho Quỹ PCTT không đáp ứng yêu cầu. Trong khi ở nhiều địa phương khác, quỹ PCTT lại tồn dư lớn, thậm chí tại một số địa phương có thu nhưng không chi, hoặc chi rất thấp. Nghịch lý này được tháo gỡ với những quy định mới theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/9/2021.

Nghịch lý “nơi thừa, nơi thiếu”

Lai Châu là một trong những địa phương thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2021, theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Lai Châu, thiên tai đã gây thiệt hại về kinh tế trên 43 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2020, thiên tai cũng đã gây thiệt hại về kinh tế cho địa phương này khoảng 255 tỷ đồng.

Vậy nhưng, nguồn thu cho Quỹ PCTT của tỉnh Lai Châu rất thấp; không những vậy lại còn chẳng chi được. Số liệu của Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục PCTT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Báo cáo số 364/ƯPKP ngày 29/9/2021 (BC 364) cho thấy, Quỹ PCTT của tỉnh Lai Châu thu được 567 triệu đồng (tính đến ngày 25/9/2021); số chi từ quỹ là “không” nên Quỹ vẫn còn tồn 567 triệu đồng.

Khả quan hơn Lai Châu là Cao Bằng. Theo BC 364, tính đến ngày 25/9/2021, Quỹ PCTT của tỉnh thu được 3 tỷ 918 triệu đồng; nhưng cũng chỉ mới chi 172 triệu đồng. Vị chi, Quỹ PCTT của tỉnh Cao Bằng vẫn còn tồn 3 tỷ 746 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2021, thiên tai đã gây thiệt hại cho Cao Bằng khoảng 7,57 tỷ đồng.

Nhưng không phải Lai Châu, Cao Bằng mà Quảng Bình mới là tỉnh có nguồn thu cho Quỹ PCTT thấp nhất cả nước; trong khi đây là địa phương năm nào cũng chịu thiệt hại năng do bão lũ. Theo BC 364, tính đến ngày 25/9/2021, Quỹ PCTT của tỉnh Quảng Bình là con số “Không” tròn trĩnh?!.

Trong khi ở các địa phương xảy ra nhiều thiên tai, nhu cầu sử dụng Quỹ này lớn nhưng nguồn thu lại thấp; ngược lại một số địa phương ít có thiên tai thì lại có kết dư Quỹ PCTT lớn. Như Hà Nội, theo BC 364, tính đến ngày 25/9/2021, Quỹ PCTT của Thành phố đạt gần 166 tỷ đồng; nhưng chỉ mới chi gần 5,6 tỷ nên vẫn còn tồn hơn 160 tỷ đồng.

Theo BC 364, địa phương có nguồn thu cho Quỹ PCTT cao nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh. Tính đến ngày 25/9/2021, Quỹ PCTT của TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 630,5 tỷ đồng; địa phương này đã chi hơn 325,4 tỷ đồng, còn tồn hơn 305,1 tỷ đồng.

Xếp thứ 2 cả nước về thu Quỹ PCTT là tỉnh Bắc Ninh. Tính đến ngày 25/9/2021, Quỹ PCTT của tỉnh này đạt hơn 259,5 tỷ đồng; tỉnh đã chi gần 134 tỷ đồng, còn kết dư hơn 125,5 tỷ đồng.

Điều tiết nguồn lực PCTT giữa các địa phương là một giải pháp hỗ trợ hiệu quả giúp người dân ở khu vực miền núi sống an toàn trước thiên tai. (Trong ảnh: Đường vào nơi ở mới của người dân bản Căm Cặn, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã nhường đất cho Nhà máy thủy điện Nậm Hóa 1)
Điều tiết nguồn lực PCTT giữa các địa phương là một giải pháp hỗ trợ hiệu quả giúp người dân ở khu vực miền núi sống an toàn trước thiên tai. (Trong ảnh: Đường vào nơi ở mới của người dân bản Căm Cặn, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã nhường đất cho Nhà máy thủy điện Nậm Hóa 1)

Điều tiết nguồn lực

Nghịch lý “nơi thừa, nơi thiếu” nguồn Quỹ PCTT đã tồn tại từ những năm qua, kể từ khi Quỹ được thành lập theo Nghị định số 94/2014/NĐ-CP (sau đó được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2020). Ở nhiều địa phương, hiện Quỹ PCTT còn tồn dư rất lớn. Tính đến ngày 25/9/2021, theo BC 364, Quỹ PCTT của 63 tỉnh, thành phố còn tồn gần 1.970 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Quỹ PCTT là quỹ ngoài ngân sách Nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo xã hội để hỗ trợ hoạt động PCTT. Nhưng tình trạng tồn dư của Quỹ ở các địa phương đã không bảo đảm được nguyên tắc hoạt động cơ bản của Quỹ là kịp thời, hiệu quả; trong khi nhiều địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai lại rất cần nguồn lực để phòng chống, hỗ trợ khắc phục, tái thiết sau thiên tai.

Chính vì vậy, trong Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về thành lập, quản lý Quỹ PCTT, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ PCTT Trung ương. Điếm đáng chú ý là Nghị định đã quy định cụ thể về trách nhiệm, mối quan hệ của Quỹ Trung ương và Quỹ cấp tỉnh.

Theo đó, Quỹ PCTT cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển kinh phí cho Quỹ trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ Trung ương có trách nhiệm điều tiết nguồn kinh phí cho Quỹ cấp tỉnh để đảm bảo hỗ trợ các địa phương một cách công bằng, từ đó mang lại hiệu quả cao nhất trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

“Chúng ta thấy, nhiều người dân các tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã phải chuyển đến nơi ở mới để Nhà nước xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La - 2 công trình thủy điện lớn phục vụ việc cắt lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Rõ ràng từ sự hy sinh của các tỉnh miền núi, mà một số địa phương vùng hạ du được bảo vệ an toàn, có kinh tế phát triển, có khả năng đóng góp nhiều hơn cho Quỹ; còn đồng bào miền núi đến nơi ở mới, điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn, việc đóng góp cho quỹ để tự bảo vệ an toàn cho mình cũng hạn chế. Vì vậy, Chính phủ đã quy định quỹ có thể điều tiết qua lại giữa cấp tỉnh và Trung ương và giữa các tỉnh với nhau để hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo công bằng hơn”, ông Hoài chia sẻ.

Ông Hoài cho biết thêm, Nghị định 78/2021/NĐ-CP cũng quy định các địa phương có thể chia sẻ nguồn Quỹ PCTT với nhau. Đây là điều kiện để các địa phương còn khó khăn có thêm nguồn Quỹ từ các địa phương có tiềm lực kinh tế tốt hơn.

Quỹ PCTT có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động PCTT mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Quỹ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính; đồng thời có trách nhiệm công bố công khai về quy chế hoạt động, kết quả hoạt động của Quỹ PCTT, báo cáo tình hình thực hiện quỹ theo quy định.

Liên quan đến những khó khăn trong chi Quỹ PCTT khiến Quỹ ở nhiều địa phương “có thu nhưng không có chi”, ông Trần Quang Hoài thông tin thêm, theo Nghị định 78/2021/NĐ-CP, bắt đầu từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành (ngày 15/9/2021), cấp xã được trích lại 28% (cấp huyện 23%) nguồn thu để xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh khi có thiên tai. Đồng thời, mức chi cũng được nâng từ 1 tỷ đồng trước đây lên 3 tỷ đồng. Các loại hình chi cũng rất cụ thể, chặt chẽ để các địa phương trên cơ sở đó triển khai thực hiện tốt.

“Hằng tháng, Quỹ sẽ được công khai, minh bạch trên trang thông tin điện tử, điều mà chưa có Quỹ nào làm được. Điều này giúp mỗi đồng tiền, vật phẩm mà Nhân dân - với tấm lòng yêu thương lẫn nhau - quyên góp đến được đúng địa chỉ cần kíp nhất”, ông Hoài nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, Quỹ PCTT Trung ương được thành lập theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP sẽ được ra mắt vào ngày 13/10 tới đây, nhân Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Hoạt động của Quỹ Trung ương và cấp tỉnh theo quy định mới không chỉ tháo gỡ những vướng mắc lâu nay trong việc quản lý, sử dụng Quỹ PCTT mà còn được kỳ vọng là “địa chỉ” huy động nguồn lực toàn xã hội để PCTT, từ đó giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.