Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển nông nghiệp hàng hóa, hướng đi cho 10 xã nghèo nhất tỉnh Lào Cai

Trọng Bảo - 20:43, 23/04/2023

Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 10 xã nghèo nhất tỉnh. Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các xã này, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều giải pháp, dành nguồn lực với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững. Theo đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa được coi là giải pháp căn cơ.

Cây chè đang được coi là cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho bà con Nhân dân trên địa bàn huyện vùng cao Mường Khương
Cây chè đang được coi là cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân trên địa bàn huyện vùng cao Mường Khương

Hộ gia đình anh Lùng Dung Phúc ở thôn Lồ Sì Thàng, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương thuộc diện hộ nghèo trong xã. Được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình anh Phúc đã mạnh dạn chuyển đổi gần 1 ha diện tích đất trồng ngô của sang trồng chè Shan.

“Diện tích đất này trước đây gia đình chỉ trồng ngô, nhưng năng suất thấp. Được Nhà nước hỗ trợ cây giống chè, hướng dẫn kỹ thuật… gia đình chỉ phải bỏ công trồng và chăm sóc. Thấy bà con các xã bên cạnh trồng cây chè này mang lại hiệu quả kinh tế, nên gia đình cũng đang cố gắng tập trung chăm sóc. Mong trong 2, 3 năm tới sẽ được thu hoạch, mang lại thu nhập cho gia đình”, anh Phúc tâm sự.

Dìn Chin là 1 trong 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. Để tập trung phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho Nhân dân, thời gian qua, xã đã tập trung vận động bà con chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa những cây con có giá trị kinh tế vào nuôi trồng, trong đó, chủ lực là cây chè Shan. Ông Ly Seo Dín - Chủ tịch UBND xã cho biết: Mục tiêu đến năm 2025 toàn xã sẽ trồng được 200 ha chè trên diện tích đất canh tác kém hiệu quả.

“Từ hiệu quả của cây chè mang lại cho bà con các xã lân cận, thì bà con trong xã hiện nay rất phấn khởi, hào hứng trong việc đưa cây chè vào trồng. Đến nay, toàn xã chúng tôi đã trồng được gần 100 ha. Chúng tôi đang tiếp tục vận động bà con chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây chè, đồng thời tập trung chăm sóc diện tích chè đã trồng”, ông Dín cho biết thêm.

Tỉnh Lào Cai tiếp tục giành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho 10 xã ĐBKK
Tỉnh Lào Cai tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho 10 xã đặc biệt khó khăn

Theo thống kê, hiện nay Lào Cai có 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, đó là: Hoàng Thu Phố, Lùng Cải (huyện Bắc Hà), Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát), Nậm Chày (huyện Văn Bàn), La Pan Tẩn, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương). Để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các xã nghèo này, tháng 5/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với các xã này.

Trong đó, phát triển nông, lâm nghiệp được xác định là hướng đi chủ lực. Để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2022, ngành Nông nghiệp Lào Cai phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện 18 danh mục dự án đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Nhiều dự án đã và đang được triển khai và từng bước cải thiện thu nhập cho bà con, như: Trồng chè Shan, chăn nuôi lợn đen sinh sản ở xã Lùng Khấu Nhin, Tả Thàng, Dìn Chin, La Pan Tẩn (huyện Mường Khương); phát triển cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi ngựa, lợn đen bản địa, trồng dong riềng tại Pa Cheo, xã Dền Thàng (huyện Bát Xát)…

Kết quả bước đầu này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã. Theo điều tra hộ nghèo mới nhất, thì hết năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo tại 10 xã nghèo đạt 11,15% (tương đương với giảm 676 hộ) vượt chỉ tiêu đề ra (giảm 10,22%/năm). Thu nhập bình quân đạt 19,2 triệu đồng/người, tăng 5,2 triệu đồng/người so với năm 2020. Trong đó, xã Pa Cheo (huyện Bát Xát) có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhất, với 14,45%, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 79,39% xuống còn 64,81%.

Với những kết quả đạt được, đã khẳng định hướng đi đúng và trúng trong việc giảm nghèo đối với 10 xã đặc biệt khó khăn này này. Tỉnh Lào Cai phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 8%/năm trở lên theo tiêu chí chuẩn nghèo tại 10 xã; nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2025 gấp 2 lần so với năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực cao nhất cho các xã.

“Lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực của địa phương để đầu tư cho các xã nghèo này. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng thì quan tâm triển khai các dự án phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có các cơ chế chính sách về hỗ trợ sản xuất, cho vay hộ nghèo… đối với các xã này”, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai gắn trách nhiệm người đứng đầu với công tác giảm nghèo của từng xã, từng huyện. Chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị, các đồng chí lãnh đạo được phân công giúp đỡ các xã thường xuyên xuống cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, coi đây là nhiệm trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.