Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển làng nghề vùng DTTS - Nặng tính “cào bằng”

Tùng Nguyên - 12:06, 12/09/2022

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Trong Chương trình có 2 dự án thành phần phát triển làng nghề cho đồng bào DTTS; tuy nhiên, còn có những băn khoăn khi mà các dự án thành phần trong Chương trình vẫn còn mang tính “cào bằng”, chưa tính đến đặc thù của từng nghề cụ thể.

Nghề làm gốm của người Chăm tại Bình Thuận đang được bảo tồn và phát triển
Nghề làm gốm của người Chăm tại Bình Thuận đang được bảo tồn và phát triển

Đằng sau “vương miện” làng nghề!

La Dạ là xã có đông đồng bào DTTS của huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Toàn xã có khoảng 900 hộ, chủ yếu là dân tộc Cơ Ho. Ở La Dạ, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của đồng bào Cơ Ho.

Tháng 12/2005, UBND tỉnh Bình Thuận công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ. Để phát triển làng nghề, một dự án xây dựng cơ sở dệt thổ cẩm, với tổng mức đầu tư gần 2,2 tỷ đồng đã được UBND tỉnh thông qua, chính thức khởi động từ tháng 11/2008. Đây là một trong những dự án thuộc Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Thuận giai đọan 2008 - 2010.

Từ nguồn vốn này, cơ sở vật chất của làng nghề đã được đầu tư, từ trụ sở, khung dệt cải tiến đến đào tạo nghề cho 80 lao động… Tỉnh Bình Thuận kỳ vọng, dự án sẽ góp phần bảo tồn và khôi phục ngành nghề mang tính truyền thống văn hoá đặc sắc của đồng bào DTTS, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con địa phương.

Hơn thế nữa, khi phê duyệt dự án, Bình Thuận còn có ý định đưa làng nghề vào làm địa điểm du lịch cộng đồng. Làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ sẽ trở thành một trong những điểm dừng chân tham quan của du khách, trong tour du lịch sinh thái Hàm Thuận - Đa Mi, với hy vọng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của La Dạ.

Mang theo nhiều kỳ vọng là vậy, nhưng dự án khôi phục và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ lại “chết yểu”. Tháng 7/2009, dự án làng nghề được nghiệm thu, đến năm 2013 thì đã chấm dứt hoạt động. Trong thời gian này, làng nghề mở được 4 lớp học nghề dệt thổ cẩm cho bà con trong vùng; nhưng sản phẩm làm ra không thích nghi được với thị trường, nên hàng thổ cẩm La Dạ khó tiêu thụ.

Trước tình thế đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã bãi bỏ danh hiệu làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ. Vị chi, tính từ thời điểm được công nhận làng nghề (năm 2005) đến năm 2013, sau 8 năm đội trên đầu chiếc “vương miện” làng nghề, ước mong khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS ở La Dạ đã không thành.

Theo thống kê, nước ta có khoảng 30 DTTS có nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời. (Ảnh minh họa)
Theo thống kê, nước ta có khoảng 30 DTTS có nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời. (Ảnh minh họa)

Tương tự Bình Thuận, năm 2008, UBND tỉnh Đăk Nông bố trí 6,5 tỷ đồng để thực hiện dự án làng nghề truyền thống Liêng Nung, trên diện tích hơn 5ha tại buôn N’Jriêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa (nay là TP. Gia Nghĩa). Dự án hướng tới mục tiêu góp phần bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc Mạ tại xã Đắk Nia, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.

Nhưng dự án cũng lâm vào tình trạng “chết yểu”. Năm 2011, UBND thị xã Gia Nghĩa dự tính chi 300 triệu đồng tu sửa, nâng cấp hệ thống nhà xưởng ở làng nghề để cho thuê làm kho chứa thức ăn nuôi cá công nghiệp. Nhưng UBND tỉnh Đắk Nông không chấp thuận nên cơ sở vật chất của làng nghề truyền thống Liêng Nung tiếp tục “dầm sương dãi nắng”.

Hiện làng nghề truyền thống Liêng Nung chỉ có Tổ hợp tác dệt thổ cẩm (gồm 8 thành viên) và Tổ hợp tác rượu cần (gồm 7 hộ) tham gia hoạt động. Mỗi năm, làng nghề lại “bận rộn” vài lần khi đồng bào các dân tộc vào mùa lễ hội; bởi xã Đăk Nia thường xuyên được chọn làm nơi tổ chức ngày hội văn hóa cấp thị xã, cấp tỉnh như: Hội Xuân Liêng Nung và một số lễ hội truyền thống dân tộc Mạ, M’nông.

Chương trình bảo tồn, phát triển có gì mới?

Không chỉ làng nghề dệt thổ cẩm mà nhiều làng nghề truyền thống của đồng bào các DTTS cũng đang dần thu hẹp quy mô. Do sức cạnh tranh yếu, không tìm được thị trường tiêu thụ, thu nhập thấp nên người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống. Điều này khiến không ít làng nghề đã được công nhận phải giải thể; hoặc xin chuyển đổi công năng, thậm chí biến mất trong đời sống của cộng đồng.

Ngay tại Bình Thuận, theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh trước đây có 03 làng nghề đã được công nhận, gồm: làng nghề gốm gọ của đồng bào dân tộc Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp (huyện Bắc Bình); làng nghề dệt thổ cẩm xã Phan Thanh (huyện Bắc Bình) và làng nghề dệt thổ cẩm xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc). Nhưng làng nghề dệt thổ cẩm xã La Dạ đã bãi bỏ danh hiệu từ năm 2013; làng nghề dệt thổ cẩm xã Phan Thanh thì giải thể năm 2012.

Hiện tỉnh chỉ còn duy nhất làng nghề gốm gọ Bình Đức, xã Phan Hiệp là còn hoạt động. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận vào năm 2012 và đang được Bình Thuận xây dựng hồ sơ để trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ…

Tuy nhiên, quy mô của làng nghề này cũng đang thu hẹp dần; tại thời điểm năm 2012, làng nghề có 100 hộ làm nghề, thì nay chỉ còn 64 hộ. Trước thực tế đó, năm 2021, UND tỉnh Bình Thuận đã xây dựng dự án, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa làng nghề gốm gọ Bình Đức vào danh sách các làng nghề được đầu tư để bảo tồn, phát triển.

Được biết, tỉnh Bình Thuận có 35 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, có 34 DTTS, với hơn 96.000 người, chiếm 8% so với dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS cư trú ở 15 xã thuần và 32 thôn xen ghép trên địa bàn tỉnh. Do đó, với việc toàn tỉnh hiện chỉ còn duy nhất một làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS (Làng nghề gốm gọ Bình Đức), lại đang được tỉnh đưa ra các biện pháp để “cấp cứu” là câu chuyện đáng suy ngẫm.

Tỉnh Bình Thuận đang lên kế hoạch “giải cứu” Làng nghề gốm gọ Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. (Ảnh: TTXVN)
Tỉnh Bình Thuận đang lên kế hoạch “giải cứu” Làng nghề gốm gọ Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. (Ảnh: TTXVN)

Trong nỗ lực để gìn giữ nét văn hóa độc đáo của các làng nghề và tạo thêm sinh kế, mới đây Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 801/QĐ-TTg, ngày 7/7/2022, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong Chương trình có 2 dự án thành phần phát triển làng nghề cho đồng bào DTTS; bao gồm: Đầu tư trung tâm bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTS (thuộc Dự án 1); Xây dựng các mô hình bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTS gắn với du lịch (Dự án 7).

Xét kỹ thì trong Chương trình, cơ quan chủ trì, hoặc phối hợp thực hiện các dự án thành phần còn thiếu sót (không có vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; với 2 dự án thành phần phát triển làng nghề cho đồng bào DTTS không có vai trò của Ủy ban Dân tộc). Bên cạnh đó, nội dung của Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 cũng “na ná” như các chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống đã được ban hành trước đó; nhất là mục tiêu bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Thực tế, từ những năm 2000, rất nhiều chính sách hỗ trợ, khôi phục phát triển làng nghề được đưa ra. Trong đó có cả câu chuyện đưa làng nghề phát triển gắn với du lịch. Thế nhưng, hành trình để đến với mục tiêu chính sách đề ra của các làng nghề, xem ra còn lắm chông gai. Bởi các đề án, dự án phát triển làng nghề đều mắc phải lỗi “cào bằng”, “bao tất cả trong một” để “rót tiền” mà không tính đến đặc thù của từng ngành, từng nghề cụ thể.

Trong khi đó, thực tế đã chỉ ra, nếu những sản phẩm thủ công không còn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng thì dù có cố khôi phục làng nghề, nghề truyền thống cũng vẫn “chết” vì không còn nghệ nhân và cũng không có “đầu ra”. Ngược lại, những nghề đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường thì vẫn phát triển mạnh mẽ. 

Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.