Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đìu hiu làng nghề đóng tàu 700 năm tuổi

Việt Thắng – Khánh An - 18:55, 27/06/2022

Tôi đã từng về làng đóng tàu Trung Kiên, xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc – Nghệ An) để viết về những con người kiên trung. Thời chiến, họ hối hả đóng tàu không số để chi viện cho chiến trường miền Nam, thời bình họ nô nức để ngày càng nhiều “những đoàn thuyền ra khơi”. Thế mà giờ đây, làng nghề hơn 700 năm tuổi này đang có nguy cơ phải đóng cửa.


Xưởng đóng tàu ở làng Trung Kiên vắng hoe
Xưởng đóng tàu ở làng Trung Kiên vắng hoe

Một thời hoàng kim

Từ khoảng thế kỷ thứ 14, làng nghề đóng tàu Trung Kiên đã được hình thành. Tương truyền, có lần thuyền rồng của vua Lê bị mắc cạn ở kênh nhà Lê, một thợ đóng tàu của làng đã được triệu đi cứu giá. Chỉ một thời gian ngắn, thuyền vua lại dong buồm, người thợ ấy dù không biết chữ nhưng vẫn được vua phong tước, trọng thưởng hậu hĩnh. Cũng từ đấy, làng đóng tàu Trung Kiên trở nên nức tiếng.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với quân dân cả nước nêu cao khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, thợ thuyền của làng Trung Kiên không kể ngày đêm, hối hả đóng thuyền nguỵ trang, hoà vào tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Hoà bình, làng Trung Kiên lại rộn vang hơn tiếng búa, tiếng đục… để ngày một nhiều hơn những đoàn thuyền đánh cá. Làng nghề nức tiếng, khách hàng từ trong Nam, ngoài Bắc tấp nập về làng để đặt hàng. Từ các hộ cá thể, năm 2003, làng nghề đã thành lập hợp tác xã đóng tàu Trung Kiên với 39 thành viên và hơn 300 lao động. 

Theo ông Nguyễn Gia In, thì Hợp tác xã (HTX) đóng tàu làm ăn rất phát đạt, có những năm đóng hơn 100 tàu cá công suất lớn. Đây là con số mơ ước của bất kỳ cơ sở đóng tàu nào trên cả nước. Vì thế mà năm 2014, HTX đóng tàu Trung Kiên được công nhận là làng nghề tiêu biểu, được tặng danh hiệu đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu của cả nước.

Toàn HTX đã có những 33 xưởng đóng tàu, lúc nào cũng nhộn nhịp, đơn hàng làm không kịp. “Tàu của làng Trung Kiên tốt thật, nhưng muốn đặt hàng thì phải chờ hơi lâu, người nóng ruột sẽ không có cơ hội sở hữu tàu Trung Kiên đâu” – ông Nguyễn Văn Hải, ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu đã từng nhận xét như vậy.

Thế mà, từ năm 2018 đến nay, làng nghề Trung Kiên trở nên đìu hiu. Những tiếng búa, tiếng cưa…cứ thưa dần, thưa dần. Đường làng, quán xá không còn cảnh tấp nập vào ra của từng tốp khách hàng từ các nơi về ký kết hợp đồng đóng tàu.

Làng nghề 700 năm tuổi đìu hiu, không còn cảnh tấp nập như xưa
Làng nghề 700 năm tuổi đìu hiu, không còn cảnh tấp nập như xưa

Nguy cơ… đóng cửa

Chủ nhiệm HTX đóng tàu Trung Kiên Nguyễn Gia In buồn bã, nói với chúng tôi: “4 năm nay, nghề đi biển ở Nghệ An không còn sôi động như trước; chi phí cao trong khi giá hải sản lại thấp nên phần lớn ngư dân bị thua lỗ, thế là họ không đóng thêm tàu mới nữa. Hiện toàn HTX chỉ còn 3-4 xưởng còn hoạt động cầm chừng, gần 30 xưởng phải đóng cửa hoàn toàn”.

Ông Nguyễn Trọng Nhỏ, chủ một xưởng đóng tàu đang còn “thoi thóp”, cho biết: “Cả 3 năm nay, xưởng tôi chỉ nhận được 5 đơn hàng, mà cũng chỉ đóng tàu cỡ nhỏ, công suất 24CV, không ai đóng tàu to để đánh bắt xa bờ cả. Ít việc nên thợ thuyền cũng tìm nghề khác mưu sinh, cả xưởng hiện chỉ có 4 người trụ lại làm việc”.

Chúng tôi về vùng biển Quỳnh Lưu, Hoàng Mai để tìm “minh chứng” ngư dân bỏ biển như phát ngôn của ông In. Xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) là địa phương có đội tàu cá nhiều nhất, thế mà nhiều ngư dân ỏ đây đã phải bán tàu để cắt lỗ. Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long cho biết, lúc cao điểm, toàn xã có hơn 100 tàu cỡ lớn chuyên đánh bắt xa bờ, nhưng nay chỉ còn chưa đến 50 tàu. Và số ngư dân rao bán tàu tiếp tục tăng lên hàng ngày. Ở xã An Hoà, tình hình cũng không khá hơn. Nếu như năm 2018, toàn xã có gần 100 tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ, thì nay chỉ còn chưa đầy 40 tàu.

Ở thị xã Hoàng Mai, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập – ông Phan Văn Hải chia sẻ: Nghề đánh bắt đang rất  khó khăn, thu nhập hoặc rất thấp, hoặc lỗ nên bà con không mấy mặn mà nữa. Nguyên nhân là giá dầu tăng cao, mặt khác Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa ta và Trung Quốc hết hiệu lực, bà con phải tìm kiếm các ngư trường khác ở phía Nam, chi phí lại đội lên. Trong lúc đó giá hải sản vẫn thấp, xuất khẩu gặp khó khăn…

Cũng theo ông Hải, tàu cũ còn rao bán vì lỗ, thì ai đi đóng thêm tàu mới làm gì. Ngư dân không đi biển hoặc đi cầm chừng thì không chỉ làng đóng tàu, mà các dịch dụ ăn theo nghề cá cũng đang rất khó khăn.