Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi: Từng bước khẳng định chất lượng giáo dục

Thuý Hồng - 09:45, 30/11/2022

Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu với chủ đề “Đường đến ước mơ” là sự kiện được tổ chức thường niên, nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam; đồng thời, biểu dương, khích lệ tinh thần nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và xã hội dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác giáo dục ở vùng DTTS và miền núi. Thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, sự nghiệp giáo dục vùng DTTS, miền núi đã có những chuyển biến rõ nét.

Chất lượng dạy và học ở vùng DTTS và miền núi ngày càng được nâng cao
Chất lượng dạy và học ở vùng DTTS và miền núi ngày càng được nâng cao

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 49 tỉnh, thành đã có 325 trường PTDTNT với 105.818 học sinh, và 1.124 trường PTDTBT với 237.608 học sinh. Trong số này có tới 45% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đối với hệ thống trường PTDTNT, hiện toàn quốc có 318 trường PTDTNT với 102.757 học sinh.

Chăm lo cho giáo dục dân tộc

Có dịp đến thăm Trường PTDT Bán trú Tiểu học Chung Chải số 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, chúng tôi thật sự phấn khởi. Trường có cơ sở khang trang, có đầy đủ chỗ ăn ở, sinh hoạt cho các em học sinh DTTS… Hiện nay Trường có có 23 lớp, với 480 học sinh, chủ yếu là con em các dân tộc Hà Nhì, Si La, Mông... Trong đó, có 278 em học sinh xa nhà phải ở bán trú.

Thầy giáo Trịnh Văn Lập - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường PTDT Bán trú Tiểu học Chung Chải số 2 cho biết: Các chính sách giáo dục vùng DTTS và miền núi, đã giúp các em học sinh DTTS có điều kiện được học tập tốt. Nếu không có những chính sách này, những gia đình DTTS nghèo, ở bản xa sẽ khó có thể cho con em mình theo học.

Chị Lỳ Pó Nu, bản Nậm Sin, xã Chung Chải có con đang học tại trường cho biết: Cơ sở vật chất của Nhà trường khang trang, có chỗ học tập, ăn, ở, vui chơi bảo đảm nên chúng tôi rất yên tâm.

Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Công tác giáo dục dân tộc luôn được đặc biệt quan tâm. Để nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức tốt đời sống cho học sinh các trường PTDT bán trú.

“Hằng năm chúng tôi tập trung rà soát, phát triển mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường, nhất là đối với các trường vùng khó khăn, trường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tạo điều kiện tốt nhất cho con em các dân tộc học tập”, ông Chùy chia sẻ.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh trò chuyện cùng các em sinh viên Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh trò chuyện cùng các em sinh viên Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong năm 2021 thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 là 3.446 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp bình quân mỗi năm học khoảng 68.556 tấn gạo cho các địa phương để hỗ trợ cho học sinh bán trú. Hộ trợ trợ cấp đối với học sinh các trường PTDT nội trú  và trường dự bị đại học theo Thông tư 109 là 1.446 tỷ đồng.

Còn tại Lạng Sơn, cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách rất thiết thực, thúc đẩy phát triển giáo dục đối với học sinh DTTS ban hành nhiều nghị quyết, quyết định nhằm phát triển bền vững giáo dục dân tộc.

Theo ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn: Hằng năm, UBND tỉnh ban hành các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh vùng đồng bào DTTS  và miền núi được bảo đảm đầy đủ, kịp thời theo quy định.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho các trường vùng DTTS được bổ sung hằng năm theo hướng chuẩn hóa hệ thống trường lớp cơ bản ổn định. Chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng được nâng lên; chất lượng giáo dục mũi nhọn có tiến bộ rõ nét; giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực.

Đánh giá về công tác phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi, ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho biết: Các chính sách hỗ trợ đã góp phần giúp các trường PTDT bán trú giảm bớt khó khăn, thực hiện tốt hơn công tác tổ chức hoạt động động dạy học, chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh bán trú, tạo điều kiện cho con em đồng bào các DTTS được đến trường học tập.

Học sinh trường PT Vùng cao Việt Bắc được tạo điều kiện để phát triển toàn diện và vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Học sinh trường PT Vùng cao Việt Bắc được tạo điều kiện để phát triển toàn diện và vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Nâng cao chất lượng đào tạo

Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mỗi địa phương vùng DTTS và miền núi đều có những sáng tạo trong công tác dạy và học. Như tại Hà Giang, do điều kiện địa hình phức tạp, nhiều thôn vùng cao cách xa trung tâm xã từ 10-20 km, việc đi lại, học tập của học sinh rất vất vả,  nên Hà Giang đã mở rộng mô hình trường học bán trú. Hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã chuyển học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 về trường chính học bán trú. Với cách làm này, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đối với bậc tiểu học; giảm áp lực đầu tư tại các điểm trường và dồn lực đầu tư tập trung cho các trường chính.

Theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Minh Ðặng Thị Kim Hoa, hầu hết các em học sinh bán trú đều là người DTTS, sinh sống ở các thôn vùng cao, khi ra học bán trú các em nâng cao được kỹ năng giao tiếp, nói tiếng phổ thông. Tại nhiều địa phương, mô hình trường học bán trú, còn góp phần giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vì học sinh được các thầy cô chăm sóc, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh.

Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc
Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở vùng DTTS miền núi ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn của các tỉnh miền núi tương đương tỷ lệ chung của cả nước. Về cơ bản, đội ngũ này đang ngày càng đáp ứng được nhu cầu giảng dạy theo yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Nhiều giáo viên ở các tỉnh miền núi công tác tại các trường chuyên biệt có giáo viên đạt trình độ trên chuẩn như Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc, PTDT Nội trú Nghệ An, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu....

Nhờ đó, chất lượng giáo dục của các trường PTDT Nội trú dần được nâng lên qua từng năm học. Tỷ lệ học sinh các trường PTDT Nội trú xếp loại hạnh kiểm tốt, khá hằng năm đạt trên 95%. Tính trung bình, học sinh trường PTDT Nội trú có tỷ lệ học lực giỏi, khá là trên 60%, học lực trung bình trên: 30%, học lực yếu, kém khoảng 2,3%. 

Tỷ lệ học sinh chuyên cần tăng, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm đạt trên 97%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 90%. Hàng năm, có trên 50% đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng, 5% học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học...

Với những chính sách đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục dân tộc, hàng năm, thành tích của học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu của cả nước tăng hơn các năm trước cả về số lượng và chất lượng. Điều này khẳng định, chất lượng giáo dục vùng DTTS đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng đào tạo.