Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tiếp cận mới trong phát triển giáo dục dân tộc

Sỹ Hào - 22:39, 21/11/2019

Để phát triển nền giáo dục toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho đồng bào DTTS cần có những chính sách đặc thù, tạo tính đột phá. Quan trọng hơn, chính sách phải làm thay đổi nếp nghĩ của đồng bào DTTS về việc học.

Tiếp cận mới trong phát triển giáo dục dân tộc
Ngành Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng một chương trình giáo dục đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi.
Ngành Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng một chương trình giáo dục đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi.

Bài cuối: Tháo gỡ toàn diện các “nút thắt”


Thêm “nút thắt” đặc thù

Trong các kỳ báo trước, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh những hạn chế về cơ chế, chính sách trong đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục ở vùng DTTS và miền núi. Qua nhiều năm triển khai, rõ ràng chính sách hỗ trợ là không thiếu, nhưng lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vùng DTTS và miền núi vẫn còn những bất cập; một số chế độ, chính sách đã lạc hậu chưa được sửa đổi hoặc ban hành mới…

Cùng với những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa được tháo gỡ, lĩnh vực giáo dục ở vùng DTTS và miền núi đang có những áp lực riêng. Khó khăn nhất là việc giáo viên và học sinh ở vùng DTTS và miền núi lâu nay vẫn phải áp dụng chương trình kiến thức chung dùng cho học sinh cả nước.

Tại buổi Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp công tác phát triển giáo dục ở vùng DTTS” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 16/11/2019, cô Mùa Thị A, giáo viên Trường Mầm non Hoa Đào, huyện Bắc Yên (Sơn La) chia sẻ: Học sinh vùng DTTS thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Mong các cấp, các ngành tiếp tục có chính sách hỗ trợ về sinh hoạt, sách vở, học cụ cho các em.

Điều cô Mùa Thị A trăn trở nhất là chương trình dạy học áp dụng chung như hiện nay đang là một “nút thắt”, bởi kiến thức nền của học sinh miền núi đa phần thấp hơn học sinh đồng bằng. Đặc biệt, đối với cấp học mầm non, khi học sinh còn quá nhỏ, việc áp dụng chương trình dạy kiến thức chung gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những kiến thức phù hợp với từng vùng miền.

Chia sẻ của cô Mùa Thị A cũng đã được một số chuyên gia về giáo dục nêu lên tại nhiều diễn đàn từ nhiều năm trước. Nhưng đến nay, việc biên soạn một bộ sách giáo khoa cho khu vực miền núi - những vùng ĐBKK vẫn còn để ngỏ.

Thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời

Để phát triển toàn diện lĩnh vực giáo dục ở vùng DTTS và miền núi, nhất thiết những “nút thắt” nêu trên phải được tháo gỡ. Tại Hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách GD&ĐT đối với đồng bào DTTS được tổ chức ở Đăk Nông giữa năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị ban hành 11 chính sách mới và sửa đổi, bổ sung 3 nhóm chính sách hiện hành nhằm tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo vùng DTTS và miền núi phát triển thuận lợi và thực chất hơn.

Bộ trưởng cho rằng, việc phát triển giáo dục dân tộc cần có những cách tiếp cận mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, chú ý đến việc điều chỉnh chương trình đào tạo cho học sinh vùng DTTS và miền núi; chính sách phân luồng, hướng nghiệp; đổi mới mô hình trường dân tộc nội trú, bán trú theo hướng tăng cường hòa nhập, nâng cao chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo; thay đổi hình thức hỗ trợ phù hợp với từng vùng miền…

Cơ chế, chính sách sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới là việc phải làm. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng, cơ chế, chính sách hỗ trợ chỉ áp dụng trong thời điểm cụ thể; còn về lâu dài phải phát huy được nội lực của đồng bào DTTS để đầu tư cho con em.

Bởi đối với đồng bào DTTS, câu hỏi: Học để làm gì đang là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyết định của các gia đình có cho con đi học hay không. Chỉ khi nào đồng bào thấy lợi ích của việc học thì họ mới có quyết tâm cho con em đi học.