Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển du lịch vùng biên giới: Gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa các DTTS (Bài 2)

Duy Anh - Công Minh - 07:41, 27/12/2023

Cho đến nay, các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc gắn phát triển du lịch đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với du lịch ở vùng biên giới. Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực mà hoạt động du lịch mang lại, xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch đã và đang tác động tiêu cực đến các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng. Thực trạng này đang là hồi chuông cảnh báo để các địa phương, nhất là các địa phương khu vực biên giới tiếp tục phải có những giải pháp kịp thời trong khai thác, phát triển du lịch bền vững.

(Ban CĐ- Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Phát triển du lịch vùng biên giới gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Bài 2)
Lượng khách du lịch đến Mù Cang Chải hàng năm rất đông. (Ảnh: baoyenbai.com.vn)

Bản sắc văn hóa dân tộc - tiềm năng phát triển du lịch bền vững

Như chúng ta biết, mục tiêu của du lịch là phát triển bền vững, vấn đề này thể hiện trên nhiều nguyên tắc, khía cạnh, trong đó có ba nguyên tắc trọng tâm: Một là, phát triển đem lại nguồn lợi về kinh tế cho nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng người dân địa phương. Thứ hai, là bảo vệ được môi trường của điểm đến, của cộng đồng. Thứ ba, là bảo vệ tính đa dạng văn hóa của điểm đến.

Khu vực biên giới ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Nơi đây cũng là vùng biên cương, “phên dậu” của Tổ quốc với vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành từng thôn, bản, có khi rải rác, đan xen nhưng vẫn tạo thành nhiều tộc người với bản sắc văn hóa riêng, đặc sắc.

Theo đó, các loại hình du lịch, nhất là du lịch di sản, du lịch trải nghiệm vùng biên giới có nhiều tiềm năng, thế mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Đây là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều du khách trong nước và quốc tế muốn được trải nghiệm nền văn hóa nông nghiệp, khám phá kỹ thuật canh tác, tri thức địa phương. Đây cũng là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, như: sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, người Dao, người Xa Phó, người Tày trên đỉnh núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai)...; sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường, như những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang hay những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm... Như vậy, tính đa dạng, phong phú của các di sản văn hóa tộc người đã tạo nên sức hút cho du lịch di sản vung biên giới của Tổ quốc.

Di sản văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc khác nhau còn là nguồn lực để xây dựng các điểm, tuyến du lịch. Điển hình như: tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc nối liền 6 tỉnh Tây Bắc hấp dẫn du khách bởi tính chất kỳ vĩ của thiên nhiên và sự phong phú văn hóa của gần 30 dân tộc; tuyến du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; tuyến du lịch tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên...

Nhờ vào hệ thống di sản văn hóa phong phú, nhiều tỉnh vùng biên giới đã có hằng trăm điểm du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Điển hình như du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); du lịch cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tí (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); du lịch cộng đồng người Mường ở Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); du lịch cộng đồng người Mông ở bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai); du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang),...

(Ban CĐ- Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Phát triển du lịch vùng biên giới gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Bài 2) 1
Ðội văn nghệ biểu diễn các điệu múa truyền thống dân tộc Thái ở Điện Biên phục vụ du khách tại Homestay Phương Ðức. Ảnh: C.T.V

Hài hòa trong phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc

Du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đã tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Theo đó, du lịch đã góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch.

Tuy nhiên, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới cũng có những số tác động tiêu cực đến hệ thống các di sản văn hóa. Các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình “hàng hóa hóa” di sản. Một tấm thổ cẩm của người Thái muốn bán được cho du khách thì phải cải biến thành các túi đeo, túi đựng điện thoại, vỏ gối,... Nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, người Dao muốn trở thành sản phẩm du lịch cũng phải được sân khấu hóa, cắt gọt phần nghi lễ, bỏ không gian thiêng, tách phần nhảy lửa khỏi tổng thể tín ngưỡng, chỉ còn tiết mục văn nghệ nhỏ lẻ là diễn xướng, nhảy lửa… Như vậy, quá trình “hàng hóa hóa” di sản đã đưa di sản thành các sản phẩm du lịch. Quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, chu kỳ hoạt động của di sản, mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách.

Theo ông, Hoàng Nhân Chính –Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), việc chúng ta biến di sản thành tài sản nhưng phải làm sao bảo tồn được các giá trị nguyên gốc của văn hóa là rất quan trọng. Bởi, du lịch là hoạt động có sự giao lưu, giao thoa các nền văn hóa rất lớn, khách du lịch thường đi từ nơi khác đến, mang theo các giá trị văn hóa khác biệt, một mặt tạo cơ hội giao lưu, hiểu biết thêm các nền văn hóa, nhưng mặt khác sẽ có những cư xử, tác động tiêu cực đến văn hóa bản địa, của điểm đến. 

(Ban CĐ- Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Phát triển du lịch vùng biên giới gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Bài 2) 2
Lễ hội Nhảy lửa là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Dao đỏ ở Hà Giang.

Từ thực tế này cho thấy, bảo tồn các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch đang có thách thức rất lớn. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao hạn chế được các nguy cơ khi có sự giao thoa, tiếp biến của nhiều nền văn hóa với nhau; đồng thời làm sao gia tăng được sự hiểu biết lẫn nhau giữa du khách và dân cư sở tại.

Hiện nhiều địa phương, vì mục tiêu kinh tế mà phát triển du lịch quá nóng dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó xu hướng thương mại đang làm mất đi nhiều nét đẹp văn hóa, gây khó khăn cho bảo tồn nguyên gốc các giá trị của cộng đồng. Đây là thực trạng đang diễn ra khá nhiều ở các điểm đến hiện nay. Bằng chứng là để phục vụ du khách, không ít phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã được dàn dựng, tái hiện lại nhưng không giữ được vẻ đẹp như vốn có mà đã pha tạp, lai căng.

Xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch cũng đang khiến nhiều nét đẹp văn hóa không còn được bảo tồn nguyên gốc. Chẳng hạn, trang phục truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc vốn là sản phẩm được làm thủ công bằng vải tự dệt, thêu tay tỉ mỉ nay đã được thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hay trang phục may sẵn; không ít sản phẩm lưu niệm được gọi là đặc trưng vùng, miền lại được nhập về từ nơi khác… Đây là tác hại xấu, đáng lo ngại của phát triển du lịch.

Mặt khác, chúng ta có thể thấy, tại một số điểm du lịch ở khu vực biên giới khi cộng đồng không thích mặc đồ truyền thống, không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm, đan lát, không tham gia các phiên chợ thì chắc chắn rằng, sức hấp dẫn của điểm đến đã mất đi. Do đó, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp, cộng đồng phải nhận diện được các nguy cơ ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống khi khai thác, phát triển du lịch; xây dựng được giải pháp giúp giữ được bản sắc dân tộc của vùng. Thậm chí, cần có những chế tài xử lý nghiêm các vi phạm làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa, qua đó tạo tính răn đe và tránh được xu hướng thương mại hóa trong du lịch.

(Ban CĐ- Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Phát triển du lịch vùng biên giới gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Bài 2) 3
Du khách tham quan và trải nghiệm nghề dệt lanh truyền thống đồng bào Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quảng Bạ, tỉnh Hà Giang.

Thực tiễn trên cho thấy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch khu vực vùng biên giới là vấn đề quan trọng, đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội.

 Để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trước tiên các địa phương vùng miền núi dân tộc nói chung, các địa phương khu vực biên giới nói riêng cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Đồng thời, các địa phương cần xây dựng một chiến lược sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường, xác định môi trường tự nhiên và cảnh quan sinh thái là điều kiện tiên quyết trong phát triển du lịch tương lai. Mặt khác, du lịch bền vững cũng phải chú ý đến vấn đề giới, tỷ lệ thất nghiệp theo mùa, xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo khách. Lợi nhuận của du lịch cần phải được phân bổ công bằng, đóng góp cho việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, cân bằng giữa phát triển kinh tế truyền thống với phát triển du lịch…

 

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).