Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển du lịch ở Khánh Hòa: Từng bước khai thác “mỏ vàng” vùng đồng bào DTTS và miền núi

Hoàng Thanh - 15:39, 21/12/2022

Với ngành “công nghiệp không khói” của Khánh Hòa, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đang là một “mỏ vàng” nếu biết khai thác. Với việc triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn, Khánh Hòa đang hướng tới mục tiêu vừa bảo tồn, gìn giữ, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng từ “mỏ vàng” này.

(CĐ Hoàng Thanh): Phát triển du lịch ở Khánh Hòa: Từng bước khai thác “mỏ vàng” vùng đồng bào DTTS và miền núi
Lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn được chứng nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019.

Tiềm năng “lộ thiên”

Nhắc đến vùng “lõi nghèo” của tỉnh Khánh Hòa, người ta nghĩ ngay tới huyện miền núi Khánh Sơn- một trong 2 huyện 30a của tỉnh (cùng với huyện Khánh Vĩnh). Nhưng Khánh Sơn lại giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Khác với sự náo nhiệt nơi phố biển, du lịch Khánh Sơn lại tĩnh lặng và độc đáo theo cách rất riêng.

Theo ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, nhờ nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Lâm Đồng và Duyên hải miền Trung nên khí hậu ở Khánh Sơn mát mẻ quanh năm; không quá nóng như Cam Ranh, cũng không quá lạnh ở một vài thời điểm như Đà Lạt (Lâm Đồng). Được thiên nhiên ưu đãi nên một thế mạnh của Khánh Sơn là địa phương có các loại trái cây vô cùng phong phú (sầu riêng, mít mỡ, măng cụt, chôm chôm, mía tím…), và đặc biệt là thường trái mùa với các địa phương khác.

Năm 2022, toàn huyện có hơn 3.300ha cây ăn trái, trong đó diện tích sầu riêng hơn 2.100ha. Sầu riêng là nông sản chủ lực của huyện, đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ cấp). Năm 2019, sầu riêng Khánh Sơn được bình chọn là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, tháng 9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông) đã cấp 3 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch ở Khánh Sơn sang Trung Quốc.

(CĐ Hoàng Thanh): Phát triển du lịch ở Khánh Hòa: Từng bước khai thác “mỏ vàng” vùng đồng bào DTTS và miền núi 1
Sự hiện diện của những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS chủ yếu qua phần tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa tại các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật. (Trong ảnh: Biểu diễn đánh đàn đá - một loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn).

Tiềm năng đó đã được Khánh Sơn xây dựng thành sản phẩm du lịch - Lễ hội trái cây mùa hè. Lễ hội được tổ chức thường niên, lần đầu vào năm 2019. Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid - 19, Lễ hội trái cây mùa hè huyện Khánh Sơn năm 2022 diễn ra đầu tháng 8, thu hút khoảng 20 nghìn lượt khách. Đây là cơ hội để Khánh Sơn giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp - du lịch của huyện, giúp nông dân kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, trao đổi kinh nghiệm.

Cũng giàu tiềm năng du lịch nông nghiệp như huyện Khánh Sơn, nhưng ở huyện Khánh Vĩnh, thiên nhiên lại ưu đãi với diện tích rừng lớn nhất tỉnh, môi trường sinh thái, đa dạng. trên địa bàn huyện, ngoài các điểm du lịch nổi tiếng đã hoạt động như: Công viên Du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú); suối Lách (xã Giang Ly); khu suối khoáng nóng Nhân Tâm 2 (xã Khánh Hiệp)... thì các địa điểm như: Suối Mấu (xã Khánh Thượng), suối nước nóng (xã Khánh Thành), thác Ziông (xã Khánh Trung), thác Salawen (xã Khánh Hiệp)... cũng có tiềm năng phát triển du lịch.

Theo ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, xây dựng huyện Khánh Vĩnh thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng, tháng 4/2022, huyện đã báo cáo tỉnh về phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện. Trong đó, huyện dự kiến bổ sung thực hiện 5 tiểu đô thị sinh thái núi rừng, tại các xã: Xã Sông Cầu với quy mô 390 ha; xã Sơn Thái, Liên Sang, quy mô 70 ha; xã Khánh Thượng, quy mô 275 ha; xã Khánh Trung, quy mô 125 ha; xã Khánh Hiệp, quy mô 160 ha. Đây là những dự án mang tính liên vùng, kết nối, kích cầu cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Vĩnh.

(CĐ Hoàng Thanh): Phát triển du lịch ở Khánh Hòa: Từng bước khai thác “mỏ vàng” vùng đồng bào DTTS và miền núi 2
Lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai được tái hiện trên sân khấu.

Khai thác “mỏ vàng” tiềm ẩn

Một trong những tiềm năng du lịch của các huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa là bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các DTTS. Trong đó, ở huyện Khánh Sơn, toàn huyện có 21 dân tộc anh em sinh sống; trong đó đồng bào Raglai trên 73%, dân tộc Kinh khoảng 25%, còn lại là các DTTS khác như: Tày, Thái, Nùng, Hoa, Chăm… Còn ở Khánh Vĩnh, trên địa bàn huyện có 28 dân tộc cùng sinh sống; trong đó 73,8% dân số là DTTS, chủ yếu các dân tộc như: Raglay, Cơ Ho (nhóm T'rin), Ê đê, Tày, Nùng...

Theo ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, một trong những yếu tố làm nên tính đặc trưng của du lịch Khánh Sơn chính là bản sắc văn hóa của đồng bào Raglai. Thời gian qua, huyện đã tích cực triển khai công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Raglai, mở các lớp truyền dạy hát sử thi, chơi nhạc cụ mã la, đàn đá, phục dựng các nghi lễ truyền thống…

Các địa phương trên địa bàn huyện cũng đã khôi phục các đội văn nghệ truyền thống, tập luyện đánh mã la, đàn đá để phục vụ Nhân dân và du khách. Bên cạnh đó, huyện thực hiện việc sửa chữa nhà dài truyền thống thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp) và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ biểu diễn văn nghệ, các hoạt động tham quan, vui chơi của khách du lịch; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, ẩm thực đặc trưng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các địa điểm danh lam thắng cảnh, nét văn hóa của người Raglai đến du khách.

(CĐ Hoàng Thanh): Phát triển du lịch ở Khánh Hòa: Từng bước khai thác “mỏ vàng” vùng đồng bào DTTS và miền núi 3
Lế hội trái cây mùa hè được xây dựng thành một sản phẩm du lịch độc đáo của huyện Khánh Sơn.

Còn ở huyện Khánh Vĩnh, theo bà Ca Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, huyện có sự đa dạng về lễ hội như: Lễ cưới của đồng bào T’rin; Lễ ăn mừng lúa bắp mới; Lễ mừng nhà mới; Lễ bỏ mả của dân tộc Raglai, Ê đê; hội tung còn của dân tộc Tày; Lễ đền ơn đáp nghĩa của đồng bào Raglai… Đồng bào các DTTS huyện Khánh Vĩnh còn có những tiết mục hát Arai (dân tộc Ê Đê), hát Ma diêng, múa cong tua, đánh mã la (dân tộc Raglai), hát Xú ri (đồng bào T’rin), hát then (dân tộc Tày) và hòa tấu, độc tấu các nhạc cụ cồng chiêng, đinh năm, đinh chót…

Cùng với tài nguyên thiên nhiên thì bản sắc văn hóa đa dạng là tiềm năng rất lớn để các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Khánh Hòa phát triển loại hình du lịch sinh thái – văn hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng đến nay, tiềm năng đó vẫn đang tiềm ẩn, chưa được khai thác; thậm chí, những nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào các DTTS đang dần vắng bóng trong đời sống thường ngày của người dân. Sự hiện diện của những giá trị văn hóa phi vật thể này chủ yếu qua phần tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa tại các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, định hướng đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như định hướng quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh sẽ trở thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ vận dụng có hiệu các quả chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội và các chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để đầu tư phát triển 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW”, ông Tuân khẳng định.

Được biết, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I, ngày 21/4/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 3478/KH-UBND về triển khai Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng việc phục dựng 5 lễ hội truyền thống tiêu biểu tại các địa phương để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.

(CĐ Hoàng Thanh): Phát triển du lịch ở Khánh Hòa: Từng bước khai thác “mỏ vàng” vùng đồng bào DTTS và miền núi 4
Công viên Du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa.

Cụ thể, UBND tỉnh giao UBND các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa tổ chức thực hiện phục dựng các lễ hội ở mỗi địa phương. Trong đó, năm 2022, thực hiện phục dựng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn. Năm 2023 tiến hành phục dựng Lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh. Năm 2024, phục dựng lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn; phục dựng Lễ cưới hỏi của đồng bào T’rin ở huyện Khánh Vĩnh. Năm 2025, triển khai các hoạt động phục dựng Lễ cúng bến nước của đồng bào Ê Đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa). Mục tiêu hướng tới là vừa bảo tồn, phát huy, vừa đưa các lễ hội của đồng bào trở thành sản phẩm phục vụ Nhân dân, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế.

Tỉnh Khánh Hòa có 34 DTTS với số dân trên 72 nghìn người, nhiều nhất là dân tộc Raglai (chiếm hơn 75%), định cư tập trung tại 2 huyện miền núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Giai đoạn 2021 – 2025, Khánh Hòa phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những trung tâm du lịch của cả nước, duy trì tốc độ tăng trưởng 22%/năm và tổng thu từ hoạt động du lịch 5 năm đạt 200 nghìn tỷ đồng.