Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển du lịch giúp phát triển nhiều lĩnh vực khác

PV - 18:25, 20/09/2022

Chính sách thị thực chưa đủ cạnh tranh mạnh mẽ, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành du lịch và các ngành khác để cùng phát triển du lịch, từ đó hỗ trợ cộng sinh lẫn nhau; chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn… đó là những vấn đề chính cần phải giải quyết để du lịch thực sự "cất cánh".

Du lịch nội địa bùng nổ nhưng du lịch quốc tế là một bức tranh trái ngược. Ảnh: VGP/DA
Du lịch nội địa bùng nổ nhưng du lịch quốc tế là một bức tranh trái ngược. Ảnh: VGP/DA

Đó là những vấn đề TS. Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam đề cập đến trong cuộc trao đổi với phóng viên bào mới đây. 

Theo TS. Lương Hoài Nam, đến thời điểm này, du lịch nội địa đã đạt khoảng 80 triệu lượt khách, gần bằng cả năm 2019, năm trước đại dịch COVID-19. Cả năm 2022, du lịch nội địa có thể lập kỷ lục mới, cao hơn nhiều so với trước đại dịch COVID-19. Đó là điều đáng mừng.

Trong khi đó, du lịch quốc tế là một bức tranh trái ngược. Mục tiêu thu hút 5 triệu du khách quốc tế đặt ra cho năm nay có thể không đạt được (khả năng chỉ đạt 50%). Có nhiều lý do về vấn đề này. Đó là thời điểm mở lại du lịch quốc tế của Việt Nam chậm hơn một số nước khác (châu Âu, Mỹ, Thái Lan, Singapore…). Các điều kiện áp dụng ban đầu còn kém hấp dẫn; chính sách visa thiếu cạnh tranh; đường bay, chuyến bay quốc tế còn thiếu. Sản phẩm du lịch chưa thực sự sáng tạo cho bối cảnh thị trường mới. Cơ sở vật chất và nguồn nhân lực du lịch chưa được phục hồi hoàn toàn...

Chưa thực sự quán triệt tinh thần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo TS. Lương Hoài Nam, Nghị quyết của Bộ Chính trí số 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 đề ra nhiệm vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, là kim chỉ nam cho các chính sách, chương trình hành động quốc gia để hiện thực hóa mục tiêu này. Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn đánh giá trong phiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ngày 10/8 vừa qua là nhiều giải pháp thực hiện chậm, chưa thực sự quán triệt tinh thần du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu các tồn tại trong công tác quảng bá du lịch, miễn thị thực (visa), hoàn thiện visa điện tử, phối hợp giữa các bộ, ngành.

"Với tiềm năng, lợi thế du lịch của nước ta so với Thái Lan, giấc mơ du lịch Việt Nam đuổi kịp, bằng rồi vượt du lịch Thái Lan trong tương lai không hề viển vông. Nhưng làm thế nào để biến giấc mơ đó thành hiện thực thì có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, rất nhiều việc phải làm. Có những việc của ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch và có những việc của các bộ ngành, Chính phủ", TS. Lương Hoài Nam cho biết.

Hoạt động của ngành du lịch chưa thực sự được hỗ trợ, phối hợp hiệu quả

Về việc phối hợp giữa ngành du lịch với các bộ, ngành, lĩnh vực khác, TS. Lương Hoài Nam cho rằng nói một cách tổng quan, ngành du lịch tạo ra 1 đồng doanh thu, 1 việc làm du lịch thì cũng tạo thêm 1 đồng và 1 việc làm ngoài ngành du lịch. Do vậy, phát triển du lịch giúp phát triển nhiều lĩnh vực khác. Du khách đến Việt Nam không chỉ tiêu thụ các sản phẩm thuần túy du lịch như lưu trú (khách sạn, resort), tham quan, mà họ còn ăn, uống, nhờ đó giúp tăng tiêu thụ nông sản, hải sản.

Các doanh nghiệp du lịch cần mua ô tô để phục vụ du khách, nhờ đó giúp tăng tiêu thụ ô tô. Một số du khách mua rất nhiều hàng hóa Việt Nam mang về nước để dùng, để tặng, giúp tăng xuất khẩu và quảng bá hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động của ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp du lịch nói riêng chưa thực sự được hỗ trợ, phối hợp hiệu quả, thậm chí còn bị làm khó trong nhiều chuyện. Có thể ở các cấp chính quyền, vị thế của du lịch chưa thực sự tương xứng với tầm quan trọng của nó trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các địa phương.

"Tôi cho rằng, trước mắt nên kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các cấp, do người đứng đầu cơ quan hành chính làm Trưởng ban. Về lâu dài, có thể xem xét thành lập Bộ Du lịch như một số nước ASEAN đã làm", TS. Lương Hoài Nam nói.

Visa vẫn là "nút thắt" đầu tiên và lớn nhất

Liên quan đến vấn đề visa, TS. Lương Hoài Nam cho rằng, từ trước đến nay, visa vẫn là "nút thắt" đầu tiên và lớn nhất làm cho du lịch Việt Nam khó phát triển và thua thiệt trong cạnh tranh với các các điểm đến du lịch quốc tế trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Với rất nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên thiên và tài nguyên văn hóa, trước đại dịch COVID-19, dù rất cố gắng, ngành du lịch Việt Nam cũng chỉ thu hút được số du khách quốc tế bằng một nửa Thái Lan và gần bằng Singapore (trong khi Singapore có diện tích chỉ bằng 1/3 TP. Hồ Chí Minh).

Theo ông Lương Hoài Nam, visa là "nút thắt" đầu tiên vì visa là thủ tục đầu tiên mà mọi du khách phải tính đến cho một chuyến đi du lịch quốc tế. Nếu không được miễn visa, không thể có chuyện hơn 1 triệu người Việt Nam đi du lịch Thái Lan trong năm 2019. Thái Lan miễn visa du lịch cho 64 nước, Singapore miễn cho 157 nước. Thời hạn miễn visa của Thái Lan trước đại dịch COVID-19 phổ biến là 30 ngày, nhưng nay đã tăng lên 45 ngày cho nhiều quốc gia vì họ thấy du khách bây giờ có nhu cầu ở lại ở một nước dài hơn so với trước khi có dịch COVID-19.

Việt Nam miễn visa chỉ cho 24 nước và thời hạn miễn chỉ 15 ngày, là mức miễn visa du lịch quá thấp để chúng ta có thể cạnh tranh thu hút du khách quốc tế với các điểm đến khác như Thái Lan, Singapore.

TS. Lương Hoài Nam nói: "Visa là nút thắt lớn nhất và đây là việc lớn nhất mà Chính phủ có thể làm để hỗ trợ phát triển lĩnh vực du lịch. Là thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, tôi đã hỏi nhiều doanh nghiệp hàng không, du lịch là họ cần gì, muốn gì từ Chính phủ thì ai cũng trả lời: Visa, visa và visa!".

"Vừa rồi Vietnam Airlines mở các đường bay đến Ấn Độ, nhưng tỉ lệ khách trung bình trên các chuyến bay mới chỉ đạt khoảng 30%. Công dân Ấn Độ hiện tại chưa được miễn visa vào Việt Nam và tôi hình dung là các đường bay Ấn Độ của Vietnam Airlines sẽ tiếp tục gặp khó khăn", TS. Lương Hoài Nam chia sẻ.

Chính vì thế, Hội đồng Tư vấn du lịch liên tục đề nghị mở rộng miễn visa du lịch ít nhất ngang bằng Thái Lan. Cụ thể là đề nghị bổ sung những quốc gia EU chưa được miễn và các nước Ấn Độ, Australia, New Zealand, Canada.

"Những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc nếu xem xét miễn visa được thì tốt, không thì chúng tôi đề nghị thỏa thuận với các nước này áp dụng visa dài hạn 5-10 năm như một số quốc gia đang cấp cho chính công dân Việt Nam", TS. Lương Hoài Nam đề cập.

Song song với việc mở rộng miễn visa một cách đáng kể, Hội đồng Tư vấn du lịch cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện các hình thức visa điện tử, visa tại sân bay (Visa-On-Arrival) sao cho thực sự dễ dàng về mặt kỹ thuật và các điều kiện áp dụng.