Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS ở Phú Yên

Minh Thu - Hải Anh - 09:54, 28/03/2025

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Phú Yên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó, sự đồng thuận của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đã và đang góp phần tạo diện mạo tươi mới ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Yên.


Ở miền núi Phú Yên đã hình thành các vùng trồng sắn nguyên liệu gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến (Ảnh minh họa).
Ở miền núi Phú Yên đã hình thành các vùng trồng sắn nguyên liệu gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến. (Ảnh minh họa)

Triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình MTQG 1719

Mỗi năm từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đầu tư cho xã xấp xỉ 10 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu điện, đường, trường, trạm. Riêng xã Phú Mỡ những năm qua tập trung chuyển đổi đất màu sang trồng lúa nước và trồng rừng sản xuất, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng".

Ông Nguyễn Văn Minh Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719 đã được tỉnh Phú Yên triển khai đồng bộ. Theo đó, đã có hàng trăm công trình hạ tầng tại các huyện miền núi trong tỉnh Phú Yên được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng; từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Như ở huyện Sông Hinh, từ năm 2022 - 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 là trên 148 tỷ đồng. Huyện đã đầu tư, xây dựng gần 30 công trình đường giao thông, điện, rãnh thoát nước, sân vận động, thiết chế văn hóa; đầu tư 4 công trình cấp nước tập trung và nhiều dự án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là đồng bào DTTS.

Hay ở huyện miền núi Sơn Hòa, với nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2022-2024 được phân bổ trên 246 tỷ đồng, huyện đã giải ngân được hơn 108 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống điện, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở cho hàng trăm lượt hộ đồng bào DTTS, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, mỗi năm từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đầu tư cho xã xấp xỉ 10 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu điện, đường, trường, trạm. Riêng xã Phú Mỡ những năm qua tập trung chuyển đổi đất màu sang trồng lúa nước và trồng rừng sản xuất, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

“Toàn xã đã có hai trạm bơm điện, ba đập dâng tự chảy, sản xuất được 100ha lúa nước hai vụ trong năm, năng suất đạt 70 tạ/ha; nhờ vậy đã giải quyết được lương thực tại chỗ, xóa được nạn đói vào lúc giáp hạt; người dân được vay vốn sản xuất, trồng mía, trồng keo… đem lại thu nhập cao, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt”.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lúa nước ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh (Ảnh minh họa).
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lúa nước ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh. (Ảnh minh họa)

Đời sống đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực

Tỉnh Phú Yên có 3 huyện miền núi gồm: Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân, trước đây, đời sống người dân trong vùng, nhất là đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Được sự quan tâm kịp thời, với các chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, mà điển hình là Chương trình MTQG 1719, các địa phương đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, công trình phúc lợi, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân… Đến nay, bức tranh kinh tế - xã hội của 3 huyện miền núi của Phú Yên ngày càng sống động; đời sống người dân có nhiều bước chuyển đáng mừng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên, nhờ các nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 mà hiện nay, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Về kinh tế, bước đầu đã hình thành các vùng trồng cây nguyên liệu như mía, sắn, cao su... gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến; mở rộng diện tích lúa nước, chăn nuôi bò đàn, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, năng suất, chất lượng từng bước tăng lên. Kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước sinh hoạt... được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan; mặt bằng dân trí được nâng lên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở; văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và tiếp tục phát huy; công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa được quan tâm thường xuyên hơn. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể được chú trọng. Hiện nay tất cả thôn, buôn và trường học trên địa bàn đều có chi bộ Đảng, đảng viên là người DTTS chiếm 5,3% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh. Tình hình an ninh quốc phòng được giữ vững.

Cùng với cả nước, tỉnh Phú Yên đang tập trung triển khai Chương trình MTQG 1719, tuy còn gặp một số khó khăn, nhưng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS, bước đầu, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong giai đoạn 2022 - 2024, từ nguồn vốn được phân bổ hơn 598,5 tỷ đồng, tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 426 hộ đồng bào DTTS nghèo; hỗ trợ đất sản xuất cho 5 hộ; xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư 18 hạng mục công trình thuộc dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 cũng đầu tư, nâng cấp 187 công trình thiết yếu; 17 hạng mục công trình tại 3 trường phổ thông dân tộc nội trú; sửa chữa 26 nhà văn hóa thôn, buôn; thiết lập 12 địa điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã đặc biệt khó khăn…

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết vùng đồng bào DTTS ở Tây Ninh

Chương trình MTQG 1719 giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết vùng đồng bào DTTS ở Tây Ninh

Từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Tây Ninh đã tập trung đầu tư toàn diện cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình MTQG 1719 đã và đang từng bước giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS.