Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển bền vững giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS

P. Ngọc (T/h) - 20:22, 29/09/2021

Thực hiện Quyết định 5596/QĐ-BGDĐT, trong giai đoạn 2015-2020, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ đối với đồng bào DTTS đã vượt chỉ tiêu đề ra.

Giai đoạn 2015-2020, mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ đối với đồng bào DTTS đã vượt chỉ tiêu đề ra. Ảnh: INT
Giai đoạn 2015-2020, mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ đối với đồng bào DTTS đã vượt chỉ tiêu đề ra. Ảnh: INT

Đó là đánh giá về kết quả thực hiện Quyết định 5596/QĐ-BGDĐT tại Hội thảo tổng kết 5 năm (2016-2020) thực hiện Quyết định 5596/QĐ-BGDĐT và góp ý vào dự thảo Kế hoạch thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối tới 60 điểm cầu trong cả nước ngày 29/9. 

Tỷ lệ trẻ DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,3%

Ngày 24/11/2016, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 5596/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thực hiện một số Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020 gắn với Mục tiêu phát triển bền vững 2030. Trong đó gồm 2 mục tiêu: Phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ với các DTTS; Tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục với các DTTS.

Thực hiện Quyết định 5596/QĐ-BGDĐT, trong giai đoạn 2015-2020, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ đối với đồng bào DTTS đã vượt chỉ tiêu đề ra. 

Đối với mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, nếu tính theo vùng thì cao nhất là khu vực Đông Bắc, đạt 99,906%. Thấp nhất là khu vực Tây Nguyên, đạt 97,893%. Nếu tính theo dân tộc, hầu hết các tỉnh vùng DTTS, miền núi đạt tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi trên 94% và đạt mức tăng trưởng bình quân 0,5%/năm, là chỉ số đạt và vượt chỉ tiêu của Mục tiểu phát triển Thiên niên kỷ đề ra cho năm 2020. Đáng chú ý, có tới 50/53 DTTS đạt và vượt chỉ tiêu.

Đối với chỉ tiêu về hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, tính đến năm 2020, tất cả các tỉnh vùng DTTS, miền núi đã vượt chỉ tiêu học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Nếu tính chung cả nước thì tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đối với học sinh DTTS đạt 99,3%, vượt 5,3% so với chỉ tiểu đề ra là 94%. Cùng với đó, chỉ tiêu đến năm 2020 có 92% số người DTTS từ 15-60 tuổi biết chữ thì đã có 6 vùng đạt và vượt chỉ tiêu, 2 vùng chưa đạt chỉ tiêu.

Đối với mục tiêu tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục đối với các DTTS, báo cáo cho thấy tỷ lệ biết chữ của phụ nữ DTTS từ 15-60 tuổi tính theo vùng đạt từ 86,855% - 98,699%. Tỷ lệ này so với mục tiêu đề ra cho năm 2020 là trên 80% thì việc thực hiện chỉ tiêu này trên toàn quốc và ở tất cả các vùng đã vượt yêu cầu.

Đề xuất một số giải pháp 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, kế hoạch hành động của ngành Giáo dục phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Điều kiện sống của người dân còn khó khăn; Việc chăm sóc giáo dục con em, quan tâm đầu tư việc học tập còn bất cập, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu, chưa đồng bộ, trang thiết bị còn chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học nên việc huy động học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đối với DTTS còn hạn chế.

Một số địa phương chưa thực sự đẩy mạnh việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, coi đây là nhiệm vụ của ngành Giáo dục. Chất lượng dạy học cấp tiểu học ở một số tỉnh chưa cao, các lớp xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, từ kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2015-2020, ngành Giáo dục cần tiếp tục tập trung vào các mục tiêu đặt ra, thực hiện hiệu quả các biện pháp phát triển bền vững cho vùng DTTS, miền núi.

Để thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác quản lý, tập trung huy động nguồn lực đầu tư. Các địa phương cần tăng cường giải pháp huy động trẻ em, học sinh DTTS đi học và học hết cấp học; huy động đi học xoá mù chữ. Thực hiện chính sách và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng DTTS, miền núi.

Tại Hội thảo, một số Sở GD&ĐT kiến nghị cần có các chế độ, chính sách ưu tiên đối với cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác và học sinh DTTS học tập tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; Tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất cho trường học ở khu vực miền núi, DTTS sớm đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia; củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường thuộc vùng DTTS đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT 2018...