Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nàng Xô Vi- Đại biểu quốc hội đầu tiên của người Brâu

Thùy Dung - Lê Ngọc - 17:37, 10/08/2021

Hành trình vượt khó vươn lên của nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nàng Xô Vi, 25 tuổi ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ về nghị lực vượt khó, tự khẳng định mình và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Với tư cách ĐBQH, Nàng Xô Vi mong muốn đóng góp sức mình để đưa ngành Giáo dục phát triển hơn nữa, đặc biệt là giáo dục dân tộc.

Nàng Xô Vi, 25 tuổi, nữ ĐBQH đầu tiên của dân tộc Brâu
Nàng Xô Vi, 25 tuổi, nữ ĐBQH đầu tiên của dân tộc Brâu

Từ những "viên gạch lót đường" của Trưởng thôn Đăk Mế

Nàng Xô Vi sinh ra và lớn lên ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Theo lời của Xô Vi, ngày trước đời sống của người dân trong thôn còn gặp nhiều khó khăn, nên họ chỉ biết chuyện nương rẫy, mong đủ bữa ăn qua ngày. Áp lực của cuộc sống và gánh nặng kinh tế, nên người trong thôn cũng không có điều kiện học cái chữ. Người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, hủ tục, đói nghèo cứ bám riết trên mỗi nếp nhà. Chứng kiến những khó khăn đó, từ nhỏ Nàng Xô Vi đã miệt mài đèn sách, mong học được cái chữ để đổi đời và đóng góp sức mình đưa thôn Đăk Mế phát triển đi lên.

“Việc kiếm đủ ăn, đủ mặc đối với người làng còn khó, nói gì đến việc cho con đi học cái chữ. Gia đình mình có 4 anh chị em, nhưng có riêng mình quyết tâm bám tới cùng với con chữ, các anh chị em còn lại đều bị đứt gánh giữa đường. Hành trang đi học tiểu học, trung học của mình lúc bấy giờ chỉ là chiếc túi nylon đựng sách vở. Cứ thế ròng rã nhiều năm trời, đôi chân như không biết mỏi, cái bụng như không biết đói, miễn là được học cái chữ”, Nàng Xô Vi nhớ lại.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Xô Vi nhớ mãi “cái ơn” với người bác Thao Lợi. Ông là người có những đóng góp rất lớn, trên con đường sự nghiệp của cô. Xô Vi kể: Trong thôn các bạn cùng trang lứa đều nghỉ học để phụ gia đình làm kinh tế. Dù gia đình mình rất nghèo, nhưng mình nhận thức được tầm quan trọng của việc học cái chữ, nên học xong THCS, mình mong muốn tiếp tục được đi học. Nhưng cái khó ở đây là việc thuyết phục cha mẹ cho đi học. Vì cha mẹ thì vẫn chưa hiểu được hết giá trị của con chữ. Khi đó, mình phải tìm đến bác Thao Lợi.

"Lúc bấy giờ, bác Thao Lợi là trưởng thôn Đăk Mế, được coi là có hiểu biết trong làng. Được sự vận động, giải thích của bác, bố mẹ đã đồng ý cho mình tiếp tục đi học. Bác Thao Lợi cũng là người dắt mình đi xin học. Lúc đi nộp hồ sơ, Trường PTDT nội trú tỉnh đã ngừng tuyển sinh. Không bỏ cuộc, bác tìm đến Sở Giáo dục và Đạo tạo (GD&ĐT) tỉnh Kon Tum. May mắn, hai bác cháu được Sở hỗ trợ tận tình và tạo điều kiện để mình tiếp tục con đường học vấn”, Xô Vi nhớ lại.

Với mong muốn có nhiều em nhỏ được học cái chữ, Nàng Xô Vi đã phấn đấu trở thành giáo viên để dạy chữ cho các em học sinh
Với mong muốn có nhiều em nhỏ được học cái chữ, Nàng Xô Vi đã phấn đấu trở thành giáo viên để dạy chữ cho các em học sinh

Kết thúc 3 năm học, Xô Vi lại về nhà xin bố mẹ cho đi học đại học, với mong ước trở thành giáo viên. Thương con gái, mẹ cô đã gom góp hết tài sản trong nhà, rồi đi vay mượn khắp nơi để có đủ tiền cho con đi thi đại học. Hè năm 2014, Xô Vi trở thành cô gái người Brâu đầu tiên đậu đại học và trở thành niềm tự hào của cả thôn Đăk Mế.

“Khi mình đậu đại học thì bố mẹ ở trên rẫy, khi ấy không có điện thoại để thông báo. Vì vậy, bác Thao Lợi đã đứng ra kêu gọi người dân trong thôn giúp đỡ. Đại học là một điều hiếm hoi và xa vời với dân làng lắm nhưng khi nghe Trưởng thôn kêu gọi, người làng cũng chung tay góp nhặt làm hành trang giúp mình đi học. Có Xô Vi ngày hôm nay cũng là nhờ dân làng mình cả”, Nàng Xô Vi tâm sự.

Suốt 4 năm đại học, để cha mẹ không phải nặng gánh, Xô Vi xin đi làm thuê để trang trải việc học. Năm 2018, Xô Vi tốt nghiệp và vào TP. Hồ Chí Minh xin làm thêm ở tiệm bánh mì, sau đó xin dạy thỉnh giảng ở Trung tâm Giáo dục phổ thông - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Tháng 6/2020, Xô Vi về nhà và thi đậu viên chức Trường PTDT nội trú tỉnh và được phân về phân hiệu huyện Ia H’Drai (Kon Tum) công tác.

Đến Nghị trường Quốc hội.

Là người DTTS ít người, lại có trình độ và khát khao cống hiến, Nhà trường đã đề cử Xô Vi ra ứng cử ĐBQH khóa XV. Được sự tín nhiệm của người dân, Xô Vi nhận được 82% phiếu bầu và trở thành người Brâu đầu tiên, người trong ngành Giáo dục trẻ nhất trúng cử ĐBQH.

Nàng Xô Vi tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Nàng Xô Vi tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Cũng như các ĐBQH lần đầu trúng cử, Nàng Xô Vi rất vui, nhưng cũng đầy lo lắng, vì cảm nhận được trách nhiệm to lớn trên vai. Nàng Xô Vi chia sẻ: Mỗi ĐBQH đều mong muốn mình là cầu nối để mang tâm tư nguyện vọng của cử tri tới nghị trường Quốc hội. Từ đó giúp Nhân dân, cử tri, đặc biệt là Nhân dân tại địa bàn mình sinh sống có những chính sách hỗ trợ để vươn lên phát triển. Đối với Xô Vi, sinh ra và lớn lên chứng kiến cảnh khó khăn của đồng bào DTTS, nên khi được bầu làm ĐBQH, Xô Vi rất trăn trở làm thế nào để làm tròn trách nhiệm với đồng bào mình.

“Hiện nay, tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển giáo dục dân tộc. Theo tôi thấy, tình trạng trẻ em đến lớp ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, tỷ lệ trẻ bỏ học còn cao nên tôi rất trăn trở. Tôi mong muốn tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong công tác giáo dục dân tộc để giúp các em được đi học, có thêm kiến thức. Điều này không chỉ giúp các em có cuộc sống tốt, có công việc ổn định sau này, mà sẽ góp phần đưa văn hóa, dân tộc mình phát triển hơn, Nàng Xô Vi cho biết thêm.

Ngoài giáo dục dân tộc, Nàng Xô Vi cũng rất trăn trở về các vấn đề như bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục ở trẻ em và bình đẳng giới. Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, Nàng Xô Vi cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ tích cực trau dồi bản thân, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để có thể truyền tải và mang được tiếng nói của mình, của đồng bào DTTS ra nghị trường Quốc hội. Thông qua đó, đề xuất các chính sách về giáo dục, việc làm với mong muốn giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập, tiến tới thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa miền ngược với miền xuôi”.