Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển ngành Halal Việt Nam

PV - 17:35, 22/10/2024

Chiều 22/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Hội nghị phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam do Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu trong nước, quốc tế tham dự Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu trong nước, quốc tế tham dự Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cùng hơn 500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự trực tiếp và trực tuyến, trong đó đại diện của 50 nước, các tổ chức khu vực, quốc tế, hầu hết đều là cấp người đứng đầu các cơ quan quản lý Halal quốc tế, khu vực và các nước, cùng các doanh nghiệp quốc tế uy tín trong lĩnh vực Halal, các đại sứ và đại diện Đại sứ quán các nước Hồi giáo/thị trường Halal quan trọng, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030", có ý nghĩa định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành Halal của Việt Nam. Thực phẩm Halal là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan một gian trưng bày sản phẩm Halal tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan một gian trưng bày sản phẩm Halal tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Hội nghị gồm 6 hoạt động chính thức và hơn 20 hoạt động song phương bên lề. Trong đó, phiên toàn thể bao gồm lễ giới thiệu Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và ra mắt Bộ Tiêu chuẩn Halal Việt Nam; ký kết các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung để phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành Halal của các nước và các tổ chức khu vực, quốc tế; cơ hội và các đề xuất hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành Halal, mở cửa thị trường đối với sản phẩm Halal Việt Nam; tiềm năng, định hướng phát triển ngành Halal của Việt Nam và địa phương; thúc đẩy đàm phán, hướng tới ký kết các thỏa thuận/biên bản ghi nhớ hợp tác về Halal giữa các cơ quan, địa phương của Việt Nam với một số đối tác Halal tiềm năng, quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại biểu quốc tế tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại biểu quốc tế tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Ông Zafer Gedikli, Chủ tịch Hội đồng Halal Thế giới đánh giá, đây là một dịp quan trọng trong lịch sử của Halal. Việt Nam là một quốc gia trọng điểm ở khu vực Đông Nam Á, và ông tin rằng Việt Nam có thể trở thành đối tác chủ chốt trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal tới các quốc gia cũng như người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn thế giới. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người Hồi giáo. Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người Hồi giáo chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế Hồi giáo. Năm 2023, người Hồi giáo đã chi khoảng 2,5 nghìn tỷ USD cho việc tiêu thụ các sản phẩm Halal, bao gồm: thực phẩm và đồ uống, thuốc men và các sản phẩm hỗ trợ lối sống Halal khác. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Các lĩnh vực đóng vai trò then chốt bao gồm: ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal, công nghiệp mỹ phẩm, thuốc men, dịch vụ tài chính Hồi giáo, thời trang Hồi giáo, du lịch Halal và truyền thông Hồi giáo.

Ông cho biết, mặc dù số người Hồi giáo tại Việt Nam còn ít, song Việt Nam vẫn có cơ hội rộng mở và tiềm năng thị trường to lớn trong ngành công nghiệp Halal. Vị trí địa lý nằm ở gần các quốc gia Hồi giáo như: Malaysia và Indonesia cũng đem lại cho Việt Nam lợi thế rất lớn.

Ông đã từng tới thăm Việt Nam và tin tưởng rằng Việt nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách Hồi giáo, nếu như nhận thức về Halal được nâng cao và các cơ sở vật chất phục vụ cho người Hồi giáo trong khách sạn và nhà hàng được triển khai sắp đặt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị thúc đẩy phát triển ngành Halal Việt Nam. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị thúc đẩy phát triển ngành Halal Việt Nam. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tiến sĩ Mohamed Jinna, Tổng Giám đốc điều hành Cơ quan Halal Ấn Độ đánh giá, nền kinh tế Halal toàn cầu, hiện trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD, mang đến một cơ hội vô song cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng thương mại và thu hút đầu tư. Lĩnh vực năng động này tiếp tục phát triển, được thúc đẩy bởi dân số Hồi giáo đang gia tăng, hiện đã vượt quá 1,8 tỷ người. Sự phát triển của lĩnh vực năng động này được thúc đẩy bởi dân số Hồi giáo ngày càng gia tăng, lên đến hơn 1,8 tỷ người. Chứng nhận Halal không chỉ là một yêu cầu, đây còn là biểu tượng của sự tin cậy, chất lượng và toàn vẹn đối với người tiêu dùng trên toàn cầu.

Đối với Việt Nam, chứng nhận Halal là một cánh cửa dẫn tới một thị trường sinh lời trải dài trên nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm: thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang và du lịch.

Tuy nhiên, để thực sự khai thác tiềm năng của thị trường này, Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chứng nhận Halal. Các sản phẩm không chỉ cần các đáp ứng yêu cầu mà còn cần lấy được lòng tin của người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn thế giới. Chứng nhận Halal là cầu nối giữa Việt Nam và cộng đồng Hồi giáo toàn cầu - một cầu nối dẫn đến hoạt động thương mại, quan hệ đối tác và đầu tư chưa từng có…

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan Việt Nam và các đối tác trong lĩnh vực Halal trên thế giới.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ các ý nghĩa to lớn của việc thúc đẩy ngành Halal Việt Nam: ý nghĩa kết nối con người Việt Nam với con người thế giới đạo Hồi trong bối cảnh chiến tranh, xung đột; kết nối Việt Nam với thế giới thông qua sản phẩm, dịch vụ Halal; kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu đa dạng, phong phú, bền vững; kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa của các nước trên thế giới, đặc biệt là văn hóa của các quốc gia đạo Hồi, nhất là văn hóa ẩm thực; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal ở Việt Nam mạnh mẽ, toàn diện, chuyên nghiệp, bao trùm hơn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào bảo vệ sức khoẻ của người dân với tinh thần “ăn ngon, ăn sạch”.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nêu rõ, trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, có thể khẳng định rằng, thị trường Halal đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác to lớn cho tất cả chúng ta với những tiềm năng nổi bật: thị trường Halal toàn cầu dự báo có quy mô lên tới 10 nghìn tỷ USD trước năm 2028, trải rộng trên khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, trong đó dân số Hồi giáo dự báo đạt 2,8 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu. Ngành công nghiệp Halal gồm nhiều lĩnh vực đa dạng từ nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược, mỹ phẩm, cho tới các ngành công nghiệp hỗ trợ, dây chuyền sản xuất, lưu kho, vận chuyển...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của thị trường Halal toàn cầu và những tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực, tập trung phát triển ngành Halal và bước đầu đã đạt được những kết quả: Xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030, trong đó có Đề án về “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; Thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia, hoàn thiện các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal quốc gia; Ký một số thỏa thuận hợp tác về Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo. Các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngày càng quan tâm đầu tư, sản xuất và mở rộng xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu.

Về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam trong phát triển thị trường Halal, Thủ tướng nêu rõ, trong giai đoạn phát triển mới, chúng tôi xác định: “Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường…; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu...”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn phát triển ngành Halal Việt Nam thực sự trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới.

Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam có 3 lợi thế quan trọng, khả thi: Việt Nam có môi trường chính trị, xã hội ổn định; có tiềm lực và quy mô nền kinh tế càng lớn mạnh; môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng được duy trì ở mức cao. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.300 USD, đứng thứ 34 trong số các nền kinh tế lớn và thuộc nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu; đang ở giai đoạn dân số vàng với hơn 100 triệu người; đã ký 16 FTA với hơn 60 nước.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, với 32 nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; tham gia hơn 70 tổ chức khu vực, quốc tế quan trọng và có quan hệ hợp tác tốt đẹp với cộng đồng các quốc gia Hồi giáo trên thế giới. Cuối tháng 10/2024, Thủ tướng sẽ có chuyến thăm chính thức tới UAE, Qatar và Saudi Arabia, trong đó hợp tác về lĩnh vực Halal sẽ là một nội dung trọng tâm).

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành Halal và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal toàn cầu, đó là nông nghiệp Việt Nam có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, trong đó nhiều sản phẩm nông nghiệp cơ bản phù hợp và hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn về Halal (thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, gạo…; năm 2023 là một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới với trị giá hơn 53 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 47 tỷ USD). Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, trong đó có du lịch Halal với đường bờ biển dài hơn 3 nghìn km, nhiều hệ sinh thái quan trọng, đa dạng và nhiều vịnh, bãi biển được đánh giá đẹp nhất thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh 3 thông điệp của Việt Nam phát triển ngành Halal:

Một là, Việt Nam rất quan tâm và mong muốn đưa hợp tác về Halal thành “nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới” trong phát triển quan hệ với các nước, trong đó có cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.

Hai là, Việt Nam coi trọng việc phát triển ngành Halal; xác định đây là định hướng mới trong hoạt động sản xuất. Chúng tôi coi Halal là “cơ hội vàng” để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường hợp tác với các đối tác để tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Ba là, Việt Nam chủ trương phát triển ngành Halal trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa con người, thể hiện sự đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, đa dạng, hài hòa và cùng phát triển.

Về định hướng hợp tác thời gian tới, để phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Halal, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện 5 thúc đẩy sau:

Thứ nhất, thúc đẩy hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quản lý nhà nước liên quan đến Halal, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Halal quy mô lớn và phục vụ xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam.

Thứ hai, thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu.

Thứ ba, thúc đẩy các đối tác khu vực, quốc tế đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan Halal, nhất là về nông nghiệp, du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, dược và mỹ phẩm, các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến Halal (công nghệ, dây chuyền sản xuất, hậu cần…).

Thứ tư, thúc đẩy quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam và mở cửa các thị trường cho các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ năm, thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa, từ đó tăng cường sự chia sẻ, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp hai bên về những thế mạnh của nhau và tiềm năng hợp tác trong phát triển ngành Halal tại Việt Nam.

Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trên tinh thần "3 cùng": "Cùng lắng nghe và thấu hiểu", "cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào"; bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Việt Nam tin tưởng sẽ phát triển ngành Halal chuyên nghiệp và toàn diện, góp phần tạo xung lực mới cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, góp phần phát triển thị trường Halal toàn cầu, cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp, hài hòa, thịnh vượng và phát triển bền vững trên toàn thế giới; cùng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững trên toàn thế giới, trong đó có sản phẩm Halal phục vụ con người./.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.