Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS ở Đắk Lắk: Mở rộng đất diễn cho cồng chiêng (Bài 3)

Lê Hường - 06:38, 02/11/2022

Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng không chỉ cấp chiêng, trang phục truyền thống, truyền dạy cồng chiêng, mà còn phải tạo “đất diễn” để cồng chiêng cất tiếng. Vì vậy, Đắk Lắk đang tích cực phục dựng các hoạt động các nghi lễ, lễ hội truyền thống, tổ chức các chương trình biểu diễn cồng chiêng, ngày hội văn hóa các dân tộc, mở rộng không gian để văn hóa cồng chiêng lan tỏa, phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc.

Phục dựng Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk
Phục dựng Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk

Tạo “môi trường thiêng” để cồng chiêng vang tiếng

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với con người Tây Nguyên, là tiếng nói tâm linh, tâm hồn con người để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, lao động và sinh hoạt hàng ngày. Cồng chiêng chỉ thực sự “sống”, khi ở đúng không gian của nó, và lễ hội, nghi lễ chính là một phần không gian của văn hóa cồng chiêng. Ở đó, tiếng chiêng ngân vừa rộn rã và linh thiêng xuyên suốt từ đầu đến kết thúc buổi lễ.

Đầu tháng 5/2022 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Đắk Lắk tổ chức phục dựng Lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê tại nhà bà H’Djuăn Niê (SN 1977) ở buôn Drai Sí, xã Ea Ta, huyện Cư M’gar. Từ sáng sớm, bà con trong buôn đã đến giúp gia đình chuẩn bị đồ lễ, các nghệ nhân lau chiêng sạch sẽ.

Trước khi nghi lễ diễn ra, đội cồng chiêng đã hợp tấu bài chiêng truyền thống báo hiệu nghi lễ bắt đầu, mọi người ổn định chỗ ngồi theo phong tục. Cứ như vậy, tiếng chiêng ngân vang suốt buổi lễ để thầy cúng thực hiện các nghi thức khấn bẩm báo, mời các thần linh, ông bà tổ tiên về chứng giám đến người thân, xóm làng trao vòng đồng cho người được kết nghĩa và lần lượt thưởng thức rượu cần.

Nhiều năm làm thầy cúng, ông Y Chốh Niê (70 tuổi) ở buôn Drai Sí, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, hiểu rõ tầm quan trọng của các nghi lễ trong cuộc sống của đồng bào Ê Đê và vai trò của cồng chiêng trong các nghi lễ.

Thầy cúng Y Chốt bảo: cồng chiêng là phương tiện giao tiếp của con người với thần linh. Vì vậy, trong tất cả các lễ hội của buôn làng, nghi lễ vòng đời con người của các dân tộc Tây Nguyên đều phải có tiếng cồng chiêng. Trước khi diễn ra một nghi lễ, bà con trong buôn phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng và tuân thủ quy tắc, phong tục của dân tộc mình, trong đó không thể thiếu cồng chiêng.

Phục dựng lễ cúng lúa mới của đồng bào M’nông Gar
Phục dựng lễ cúng lúa mới của đồng bào M’nông Gar

Theo ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar, nghi lễ kết nghĩa anh em mang ý nghĩa nhân văn và tính giáo dục cộng đồng. Để nghi lễ kết nghĩa anh em được diễn ra thuận lợi, đúng phong tục, phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt, không thể thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống H’gơ. “Theo truyền thống của người Ê Đê, chỉ những người trong cùng một dòng họ mới được làm nghi lễ kết nghĩa anh em”.

Ngoài cấp chiêng, trang phục truyền thống và truyền dạy đánh chiêng, những năm qua tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức trình diễn, phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống như Lễ cúng bến nước, lễ cúng cầu mưa, lễ kết nghĩa anh em, Lễ cúng lúa mới, Lễ cúng ché của người Ê Đê, M’nông… 

Giai đoạn 2016-2020, Sở VHTTDL Đắk Lắk đã tổ chức phục dựng 5 nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS. Từ đầu năm đến nay, Sở VHTTDL đã tổ chức phục dựng 2 nghi lễ truyền thống của dân tộc M’nông, Ê Đê trên địa bàn tỉnh.

Đưa cồng chiêng lên sân khấu

Trước đây, không gian văn hóa cồng chiêng chỉ bó hẹp trong nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng dân gian của đồng bào Tây Nguyên, nhưng nay cồng chiêng đã hiện diện ở nhiều nơi và trên cả sân khấu hiện đại, với chất liệu nghệ thuật dân gian, đặc trưng truyền thống. “Âm vang đại ngàn” đang được nhiều người chú ý, đồng tình ủng hộ.

Ông Y Kô Niê, Phó trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk cho rằng: Chương trình sẽ ngày càng hấp dẫn hơn khi các tiết mục gắn với phục dựng các nghi thức, lễ hội truyền thống, phong tục và tín ngưỡng của các dân tộc tại chỗ nơi đây. Chỉ có nghi lễ, lễ hội cồng chiêng mới thể hiện được chức năng xã hội, tâm linh của nó. Sự kết hợp đó tạo ra không gian đặc trưng riêng cho cồng chiêng hòa tấu, truyền cảm xúc đến người tham dự. Có như vậy, mới lôi cuốn mọi người, nhất là du khách phương xa khi được cảm nhận, hiểu thêm về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Chương trình “Âm vang đại ngàn” thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước
Chương trình “Âm vang đại ngàn” thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước

Trung tuần tháng 7 vừa qua, Chương trình “Âm vang đại ngàn” tròn 5 năm ra mắt, phục vụ công chúng và du khách đến với Đắk Lắk, sau gần 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Với các hoạt động nghệ thuật mang đậm giá trị văn hóa dân gian, truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, như hòa tấu cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, hát múa dân gian, nghi thức mời uống rượu cần, trải nghiệm thực hành các loại nhạc cụ truyền thống cùng nghệ nhân, nghệ sĩ… chương trình đã để lại những ấn tượng đặc biệt đối với du khách trong và ngoài tỉnh.

Theo thống kê, trong 5 năm ra mắt phục vụ công chúng, đến nay Chương trình “Âm vang đại ngàn” đã tổ chức gần 90 buổi diễn, với hơn 500 tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Chương trình “Âm vang đại ngàn” chủ yếu dựa trên vốn văn hóa truyền thống của các DTTS Tây Nguyên.

Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk, dân tộc Ê Đê nói riêng và cộng đồng 49 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, sở hữu rất nhiều văn hóa dân gian đặc sắc. Ngoài những sự độc đáo về cồng chiêng, sử thi, kiến trúc nhà dài,... thì các nghi thức, nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc Ê Đê, M’nông, Jarai cũng phong phú.

 Việc phục dựng nghi lễ truyền thống nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, ngành VHTTDL tỉnh Đắk Lắk sẽ chủ động tái hiện, phục dựng và trình diễn nhiều lễ hội khác nhau của nhiều dân tộc khác nhau trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Lắk chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, mở ra hướng đi mới, cơ hội thoát nghèo bền vững, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống đồng bào DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.