Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phân định khu vực vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển: Gỡ nút thắt để phát huy hiệu quả chính sách dân tộc

PV - 14:29, 10/01/2018

Phân định các xã, thôn bản vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển là cơ sở để xây dựng và triển khai chính sách dân tộc một cách hợp lý, có hiệu quả. Tuy nhiên, do chính sách dân tộc hiện vẫn chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật, hơn nữa lại do nhiều chủ thể ban hành nên hiệu quả đầu tư vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Giai đoạn 1996-2017, từ kết quả phân định khu vực DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, nhiều chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đã và đang được triển khai ở các xã nghèo. Nhờ đó, diện mạo nhiều thôn bản ĐBKK, xã khu vực III đã có sự thay đổi rõ nét; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi hết năm 2017 còn khoảng 20%.

Bài 1: “Cú hích” cho xã nghèo
Triển khai hiệu quả chính sách dân tộc đã giúp cho kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc. (Ảnh tư liệu) Triển khai hiệu quả chính sách dân tộc đã giúp cho kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc. (Ảnh tư liệu)

 

Giảm nhanh tỷ lệ nghèo

Châu Khê là xã biên giới vùng cao của huyện Con Cuông (Nghệ An). Hơn 20 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo ở Châu Khê chiếm trên 60% dân số. Cùng với đó là hệ thống hạ tầng thiết yếu đều rất tạm bợ.

Năm 1996, sau khi Ủy ban Dân tộc và miền núi (năm 2002 đổi tên thành Ủy ban Dân tộc) ban hành tiêu chí phân định khu vực theo trình độ phát triển (lần thứ nhất), Châu Khê là một trong 1.773 xã khu vực III của cả nước (giai đoạn này có 4.652 xã được phân định, số xã khu vực III chiếm tỷ lệ 37,34%). Từ đó, Châu Khê được thụ hưởng nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội triển khai ở vùng ĐBKK của Trung ương, của tỉnh.

Trong các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ các xã khu vực III, đáng chú ý nhất là Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu, vùng xa theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 135, giai đoạn 1998-2005). Cùng với các nguồn lực khác, Chương trình 135 đã giúp Châu Khê “thay da đổi thịt”. Năm 2006, Châu Khê được công nhận thoát khỏi danh sách xã nghèo theo Quyết định 163/2006/QĐ-TTg, ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã ĐBKK hoàn thành cơ bản mục tiêu Chương trình 135.

Điển hình cho sự thay đổi rõ nét ở Châu Khê là bản Bãi Gạo, nơi sinh sống của 87 hộ, gần 400 nhân khẩu đồng bào dân tộc Thái. Trước năm 1998, cả bản có trên 50% hộ nghèo, 4 hộ thiếu đói. Nhưng theo thống kê của UBND xã Châu Khê, năm 2017 bản Bãi Gạo đã có 14 hộ giàu, 52 hộ thu nhập khá; chỉ có 17 hộ nghèo, còn lại có thu nhập trung bình.

Cũng như xã Châu Khê, giai đoạn 1998-2017, hàng nghìn xã khu vực III trên cả nước đã được thụ hưởng các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội. Việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn các xã khu vực III đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi. Nếu như năm 1998, tỷ lệ nghèo ở khu vực này là 60% thì đến năm 2005 đã giảm xuống còn 47%; đến năm 2010 giảm xuống còn 35%; đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 16,8% (chỉ tính theo tiêu chí thu nhập). Năm 2017, tính theo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi còn khoảng 20%.

Điều chỉnh tăng-giảm để phù hợp với thực tế

Giai đoạn 2006-2010, để phân định khu vực vùng DTTS và miền núi sát thực tế hơn với trình độ phát triển, Ủy ban Dân tộc đã đưa thêm tiêu chí thôn bản ĐBKK (giai đoạn 1996-2005 không xác định thôn bản ĐBKK). Kết quả, từ năm 2006, cả nước có 1.709 xã khu vực III, chiếm tỷ lệ 33,74% tổng số xã được phân định, giảm 3,6% xã so với giai đoạn 1996-2005). Ngoài ra, cả nước còn có 12.982 thôn bản thuộc diện ĐBKK.

Trong quá trình kiểm tra, rà soát, Ủy ban Dân tộc cũng đã điều chỉnh kết quả phân định khu vực để tham mưu Chính phủ bổ sung hoặc cắt giảm xã khu vực III. Điều này nhằm tập trung nguồn lực cho các xã còn rất khó khăn nhưng chưa được công nhận là xã khu vực III; hoặc để hỗ trợ thêm cho xã đã “rời” khu vực III thoát nghèo bền vững.

Như xã Châu Khê của huyện Con Cuông (Nghệ An), năm 2006 đã được công nhận thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Nhưng giai đoạn 2006-2010, có thêm tiêu chí thôn bản ĐBKK thì Châu Khê có số thôn bản thuộc diện ĐBKK nhiều, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao.

Do vậy, năm 2008, theo Quyết định 69/2008/QĐ-TTg, ngày 28/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt bổ sung danh sách xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135-giai đoạn II, Châu Khê được đưa trở lại danh sách Chương trình 135.

Cũng theo Quyết định 69/2008/QĐ-TTg, cả nước còn có 152 xã thuộc 32 tỉnh được đưa trở lại vào danh sách Chương trình 135, giai đoạn II. Ngoài ra, tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã công nhận bổ sung 110 xã thuộc 26 tỉnh thoát khỏi tình trạng ĐBKK.

Với việc điều chỉnh, bổ sung danh sách xã khu vực III, thôn bản ĐBKK nên trong kết quả phân định khu vực vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2011-2015, số xã khu vực III tăng lên 5,2% so với giai đoạn 2006-2010, từ 1.709 xã lên thành 2.048 xã. Đồng thời, số thôn bản ĐBKK cũng tăng lên thành 18.391 thôn bản (tăng 5.409 thôn bản so với giai đoạn 2006-2010).

Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2020, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều nên tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi tăng đột biến. Tuy vậy, số xã khu vực III trên cả nước lại giảm gần 2,3% so với giai đoạn 2011-2015, từ 2.048 xã xuống còn 1.932 xã. Điều này cho thấy, các chương trình, dự án đầu tư ở địa bàn các xã khu vực III đã phát huy hiệu quả.

Rõ ràng, so với yêu cầu thì chưa đạt được, nhưng so với chính mình, vùng DTTS và miền núi đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Kết quả này có được là nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án được xây dựng, triển khai thực hiện trên cơ sở kết quả phân định khu vực vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, kết quả phân định khu vực vùng DTTS và miền núi ở một số địa phương chưa thật sát với trình độ phát triển của địa bàn. Bên cạnh đó, hiện vẫn có nhiều hình thức phân định khu vực khác nhau giữa các bộ ngành khiến cho hệ thống chính sách đã và đang thực hiện có sự chồng chéo, ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện. Báo Dân tộc tộc và Phát triển sẽ làm rõ vấn đề này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...