Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

An Yên - 13:25, 26/11/2024

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.

Vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An có nhiều khởi sắc nhờ nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 ( Trong ảnh: Một góc bản Piêng Cọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương)
Vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An có nhiều khởi sắc nhờ nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 (Trong ảnh: Một góc bản Piêng Cọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương)

PV: Thưa ông, tính đến nay, Chương trình MTQG 1719 đã gần hết giai đoạn I: từ năm 2021-2025. Xin ông chia sẻ khái quát quá trình điều hành, triển khai thực hiện Chương trình tại Nghệ An?

Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Diện tích của vùng chiếm 83% toàn tỉnh, với 1,2 triệu người; trong đó, đồng bào DTTS có 491.267 người (số liệu 2019), có 5 DTTS sinh sống tập trung thành cộng đồng là dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái, có 27 xã biên giới giáp nước bạn Lào. 

Từ những đặc thù của vùng đất, nên khi Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I: từ năm 2021-2025 được triển khai, Nghệ An đã rốt ráo thực hiện, xem đây là nguồn lực quan trọng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng hưởng lợi.

Để thực hiện Chương trình MTQG 1719, UBND tỉnh Nghệ An thành lập Ban Chỉ đạo và kiện toàn Ban Chỉ đạo. Từ đó, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc thành lập Tổ Công tác thực hiện Chương trình; chỉ đạo UBND các huyện thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác các Chương trình MTQG và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ công tác; UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thành lập Ban quản lý cấp xã, Ban giám sát cộng đồng đảm bảo năng lực quản lý, tổ chức triển khai Chương trình theo quy định.

Việc tổ chức bộ máy, thành lập Ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc thực hiện Chương trình ở địa phương kịp thời, phù hợp và đúng quy định. Công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của UBND tỉnh, nhất là công tác chỉ đạo rà soát những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, định mức trong thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Đáng chú ý, cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành được thực hiện thường xuyên và đạt được những kết quả nhất định. Các nội dung công việc liên quan đến nhiều sở, ngành, địa phương đều được triển khai lấy ý kiến, tổng hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Cơ chế phân cấp quản lý, trao quyền cho địa phương, cơ sở và người dân thực hiện, được xây dựng ngay từ đầu giai đoạn triển khai Chương trình MTQG 1719, với định hướng tăng cường phân cấp và giao quyền cho địa phương; những nội dung cơ sở thực hiện được giao cho cơ sở; những nội dung mới, mang tính chất liên vùng, liên ngành đòi hỏi sự phối hợp nhiều ngành, nhiều cấp thì các cơ quan cấp tỉnh thực hiện.

Đến nay, cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện Chương trình đã được tỉnh Nghệ An ban hành đầy đủ theo yêu cầu và quy định của Trung ương. Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình được quan tâm thường xuyên, liên tục theo kế hoạch của UBND tỉnh. Chế độ báo cáo được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, có chất lượng theo định kỳ và yêu cầu của các cơ quan, đơn vị liên quan.

PV: Kết quả triển khai Chương trình MTQG 1719 đang tác động như thế nào đến vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Nghệ An, thưa ông ?

Trong 3 năm (2022-2024) HĐND tỉnh đã giao nguồn đầu tư phát triển NSTW hơn 1.923 tỷ đồng; vốn sự nghiệp nguồn NSTW là hơn 1.944 tỷ đồng. Kết quả giải ngân tính đến 20/11/2024 nguồn vốn đầu tư phát triển đạt 73,11%, còn nguồn vốn sự nghiệp đạt gần 20%. Các chủ đầu tư cam kết, đến 31/12/2025, sẽ giải ngân nguồn đầu tư phát triển đạt trên 95%.

Ông Vi Văn Sơn- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc Nghệ An
Ông Vi Văn Sơn,Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Nghệ An lần thứ IV, năm 2024

Từ nguồn vốn được đầu tư, đã có rất nhiều phần việc quan trọng được thực hiện tại vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần nâng cao mức sống, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn văn hóa… trong vùng đồng bào DTTS&MN. 

Nổi bật là nhiều công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS; tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 3% mỗi năm. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 12,48%, vượt kế hoạch mục tiêu đề ra. Kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt... không ngừng được quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS& MN ngày càng khởi sắc, đồng thời giải quyết các nhu cầu thiết yếu của Nhân dân về đời sống, sản xuất kinh doanh, giao thương, học tập, chăm sóc sức khoẻ... 

Đặc biệt các nội dung đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân như hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt tập trung/phân tán (Dự án 1); bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng (Dự án 5); chính sách bình đẳng giới (Dự án 8); chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Tiểu dự án 2, Dự án 9), chính sách đối với Người có uy tín (Tiểu dự án 1, Dự án 10) đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo sinh kế, nâng cao dân trí, đời sống vật chất, tinh thần từng bước ổn định, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Việc thực hiện các công trình dự án, tiểu dự án, thành phần của Chương trình MTQG 1719 đang từng bước phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa xã hội có bước chuyển biến tích cực; công tác chính sách xã hội được quan tâm; hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS&MN càng được tăng cường, củng cố xây dựng vững mạnh; Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đoàn kết, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được đảm bảo.

PV: Là một chương trình lớn, với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nên không tránh khải những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Xin ông chia sẻ đôi điều về thực tế này?

Thực tế cho thấy, công tác chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong thời gian đầu triển khai ở các cấp, một số ngành, địa phương còn nhiều lúng túng; quá trình tiếp cận, nghiên cứu, triển khai thực hiện ở địa phương cũng như một số đơn vị cấp tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, có nội dung chưa thực hiện được. 

Việc đề xuất lựa chọn, phê duyệt danh mục dự án đầu tư chậm, phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Tiến độ triển khai thực hiện một số Dự án, Tiểu dự án của Chương trình còn chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn thấp so với nguồn vốn được giao; thực hiện Nghị Quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình MTQG còn gặp khó khăn và lúng túng.

Cơ quan chủ trì Chương trình MTQG 1719 là Ban Dân tộc, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tổng hợp chung, chỉ trực tiếp triển khai thực hiện một số nội dung vốn sự nghiệp (Tiểu dự án 2 và Tiểu dự án 4, Dự án 5; Tiểu dự án 2, Dự án 9; Dự án 10); toàn bộ nội dung vốn đầu tư phát triển và phần lớn vốn sự nghiệp được giao cho các đơn vị, địa phương thực hiện. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các địa phương, đơn vị chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên nên việc tổng hợp báo cáo cũng như theo dõi tiến độ triển khai của cơ quan chủ trì Chương trình MTQG 1719 còn gặp khó khăn, chưa đảm bảo theo yêu cầu nội dung và thời gian.

Hiện nay, vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh. Địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững; giáo dục, y tế có mặt còn hạn chế; một số bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp bị mai một; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Xây dựng khu tái định cư cho người dân Kỳ Sơn tử nguồn vốn Dự án 2, Chương trình MTQG 1719
Xây dựng khu tái định cư cho người dân Kỳ Sơn từ nguồn vốn Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, Chương trình MTQG 1719

Quá trình triển khai một số dự án đang gặp những khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, với Tiểu dự án 3, Dự án 5: Theo báo cáo của các huyện, đối tượng thực hiện không nhiều do lực lượng trong độ tuổi lao động đa số không có nhu cầu học nghề, chủ yếu đi làm thuê tại các khu công nghiệp trong nước hoặc xuất khẩu lao động; các đối tượng này trùng với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Hay như Dự án 6: Kinh phí thực hiện theo quy định chỉ được hỗ trợ nghệ nhân giảng dạy, truyền đạt về văn hóa truyền thống, không hỗ trợ người học nên khó thực hiện, không có đối tượng để mở lớp. Còn với Dự án 8, nội dung chi hỗ trợ Khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết các mục chi nên khó xây dựng dự toán để triển khai thực hiện cho phù hợp. Trong khi đó, Tiểu dự án 1, Dự án 9 thì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế đối với các hộ DTTS còn gặp nhiều khó khăn.

PV: Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, theo ông, trong giai đoạn tới, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 cần có sự điều chỉnh, thiết kế như thế nào để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn?

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS ở Nghệ An còn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và toàn quốc; đời sống đồng bào các DTTS còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung của toàn tỉnh và toàn quốc.

Vì thế, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719. Trong đó, đẩy mạnh việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai Chương trình, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. Cùng với đó, tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường công tác quản lý, điều hành; duy trì chế độ giao ban, kiểm tra, giám sát để đánh giá hiệu quả quá trình thực hiện. Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; trao quyền làm chủ và sự tham gia tích cực chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An cũng đã đề nghị, việc thiết kế Chương trình cần có sự thống nhất giữa 3 Chương trình MTQG để tránh trùng lặp về nội dung đầu tư giữa các chương trình. Trung ương cần tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, thực chất hơn cho các cấp chính quyền địa phương để gia tăng tính chủ động, trách nhiệm của các địa phương trong việc xây dựng và quản lý; tránh tình trạng dàn trải, cần tập trung vào một số vấn đề có tính cốt lõi như sinh kế bền vững của người dân.

Về chính sách hỗ trợ sản xuất cần được thiết kế theo hướng công bằng và bền vững hơn. Tuy nhiên, để cải thiện tính công bằng, nghiên cứu hướng quy định định mức hỗ trợ dựa trên những kết quả đầu ra của dự án (số việc làm tạo ra, phần trăm thu nhập tăng lên...). Để tăng tính bền vững, cần tạo cơ chế khuyến khích đầu tư từ tư nhân mạnh mẽ hơn vào hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, hướng tới sự phát triển sản xuất bền vững hơn.

Việc chỉ đạo điều hành Chương trình MTQG 1719 cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tại Trung ương, có Văn phòng Điều phối đặt tại Ủy ban Dân tộc để thống nhất đầu mối giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác chỉ đạo, điều hành, điều phối thực hiện Chương trình. 

Tại địa phương, cần thống nhất thành lập Văn phòng Điều phối hoặc Tổ công tác cấp tỉnh trên toàn quốc về Chương trình MTQG 1719. Văn phòng Điều phối hoặc Tổ công tác cấp tỉnh cần phân công công chức, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm và có chế độ phụ cấp cho các thành viên đảm bảo quyền lợi luôn gắn với trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện Chương trình./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.