Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: Sân khấu hóa tuyên truyền pháp luật về công tác dân tộc thu hút nhiều tầng lớp Nhân dân tham gia

Ngọc Thu (thực hiện) - 07:59, 20/08/2024

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng DTTS của tỉnh bằng nhiều hình thức, trong đó tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa được quan tâm, chú trọng. Để hiểu rõ hơn về cách thức triển khai và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Kpă Đô, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai.

Ông Kpă Đô - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai (ở giữa) trao đổi, chia sẻ cùng đại biểu các DTTS huyện Đak Đoa
Ông Kpă Đô - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai (ở giữa) trao đổi, chia sẻ cùng đại biểu các DTTS huyện Đak Đoa

Phóng viên: Những năm qua, với việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, tình hình vùng DTTS và đời sống của đồng bào các DTTS của tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tựu gì, thưa ông?

Ông Kpă Đô: Gia Lai có 44 dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ trên 46% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội đặc biệt quan tâm, với nhiều giải pháp hiệu quả. Đáng chú ý là, tỉnh Gia Lai đã phân bổ trên 400 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cuộc sống đồng bào DTTS tại Gia Lai ngày càng được nâng cao
Cuộc sống đồng bào DTTS tại Gia Lai ngày càng được nâng cao

Từ đó, nhiều địa phương đã có cách làm hay, giải pháp thiết thực phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện để người nghèo mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. 

Kết quả rõ nét nhất, là tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,09% năm 2021, giảm còn 8,11% vào cuối năm 2023. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm từ 25,58% năm 2021 xuống còn 17,05% vào cuối năm 2023, đạt và vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Từ đó, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, cuộc sống người dân ngày một nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Phóng viên: Thời gian qua, để “dân biết, dân làm, dân thụ hưởng” trong chính sách dân tộc, công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến, giáp dục pháp luật được tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Kpă Đô: Để thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh chính trị trong vùng đồng bào DTTS; kịp thời tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Là cơ quan thường trực Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các dự án, tiểu dự án; tham mưu UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp nguồn ngân sách thuộc Chương trình MTQG 1719 theo đúng quy định.

Duy trì tốt mối quan hệ phối hợp công tác giữa Ban Dân tộc tỉnh với Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG, các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, Ban còn phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc.

Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh chính trị trong vùng đồng bào DTTS
Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh chính trị trong vùng đồng bào DTTS

Tính riêng trong 6 tháng năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc năm 2024 - 2025; phối hợp với các địa phương tổ chức lắp đặt 3 cụm pa nô tuyên truyền về công tác gia đình, công tác bình đẳng giới và phòng - chống bạo lực trên cơ sở giới, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS; phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn với khoảng 1.000 học viên tham gia, cấp phát 14.000 tờ rơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, Ban đã phối hợp triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và và hôn nhân cận huyết thông  trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, tổ chức 2 lớp tập huấn về phòng chống tảo hôn cho 400 học sinh.

Đồng thời, thực hiện Dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, Tiểu dự án 1 về biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; tổ chức tập huấn 16 lớp với sự tham gia của 1.600 cán bộ phụ trách công tác dân tộc, tôn giáo, trưởng thôn, già làng, Người có uy tín và các tổ chức đoàn thể thôn, làng…

Phóng viên: Theo Kế hoạch số 1020 /KH-UBND ngày 04/5/2024, tỉnh sẽ tiến hành tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc. Ông có thể cho biết về quy mô, hình thức và nội dung của Hội thi?

Ông Kpă Đô: Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc sẽ được tổ chức trước ở cấp huyện do UBND huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức. Sau đó, chọn cử đội đạt giải cao nhất tham dự Hội thi cấp tỉnh. Thời gian Hội thi cấp huyện hoàn thành trước ngày 31/8/2024 và Hội thi cấp tỉnh do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trước tháng 11/2024.

Nội dung thi xoay quanh về tìm hiểu các quy định pháp luật trong lĩnh vực công tác dân tộc, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 được ban hành theo Quyết đinh số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, những quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào DTTS như: Phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; phát huy vai trò của Nhân dân trong bảo vệ quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái; các chính sách, pháp luật khác liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Các thí sinh tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc huyện Phú Thiện
Các thí sinh tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc huyện Phú Thiện

Các đội thi sẽ thi theo hình thức sân khấu hóa gồm 4 phần thi: Màn chào hỏi, phần thi trắc nghiệm, phần thi tình huống và phần thi tiểu phẩm. Trong đó, đề thi - đáp án Hội thi cấp nào tổ chức thì Ban Tổ chức Hội thi cấp đó xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo ngân hàng đề thi của Ủy ban Dân tộc. Việc tổ chức Hội thi cấp huyện, cấp tỉnh phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh chọn từ 1 đến 2 đội đạt giải cao nhất tại Hội thi cấp tỉnh để tham dự Hội thi cấp Khu vực do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại tỉnh Phú Yên vào cuối năm 2024.

Phóng viên: Được biết, việc tổ chức Hội thi là một hoạt động thuộc Nội dung số 02, Tiểu dự án 1 - Dự án 10 (Chương trình MTQG 1719). Ông đánh giá thế nào về công tác tuyên truyền, vận động thông qua hình thức sân khấu hóa này, thưa ông?

Ông Kpă Đô: Cùng với các hoạt động khác của các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, qua thực tế, việc tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc rất hiệu quả, thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân. Đặc biệt, những nội dung đưa ra tại Hội thi, góp phần tích cực đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào thực tế cuộc sống. Đồng thời, đẩy mạnh việc tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá, phù hợp với phong tục tập quán, văn hoá truyền thống vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Thông qua Hội thi, cán bộ, công chức ngành Dân tộc tỉnh được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về cách làm hay, mô hình hoạt động có hiệu quả, phù hợp với địa phương, khu vực trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Qua đó, vận dụng thực hiện tại địa phương,  góp phần thực hiện tốt Chương trình MTQG 1719, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!