Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nuôi tôm càng xanh: Hướng đi triển vọng của nông dân Quảng Ngãi

Mạnh Hà - 13:25, 08/10/2022

Từ việc chỉ quen nuôi các loài cá như cá mè, cá trôi, cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi cho thu nhập thấp, nông dân Quảng Ngãi đã tiếp cận với mô hình nuôi tôm càng xanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Đình Tuấn (bên phải), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi nghiệm thu mô hình. (Ảnh: Mạnh Hùng)
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi (bên phải) nghiệm thu mô hình. (Ảnh: Mạnh Hùng)

Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất, trên quy mô 01 ha, với 3 hộ dân tham gia tại xã Bình Dương.

Trước tới nay, người dân tại đây chỉ quen với việc nuôi các loài cá mè, cá trôi, cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi cho thu nhập thấp. Nông dân chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nuôi con tôm càng xanh, bởi suy nghĩ con tôm chỉ được nuôi ở các địa phương ven biển.

Đây là lần đầu tiên gia đình ông Nguyễn Tài Mười nuôi tôm càng xanh, nên khi được chọn làm cộng tác viên thực hiện mô hình, ông Mười rất băn khoăn, bởi ông chưa nắm bắt được các đặc tính sinh học cũng như kỹ thuật nuôi loài tôm này.

Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn giúp đỡ, hỗ trợ, ông Nguyễn Tài Mười đã nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật nuôi. Ông tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất với diện tích 2.000 m2, thả 40.000 con tôm giống. 

Sau gần 6 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng bình quân 30g/con, tỷ lệ sống đạt trên 60%, với giá bán 150.000 đồng/kg, tổng thu từ mô hình đạt 110 triệu đồng.

Sau gần 6 tháng nuôi, tôm càng xanh đạt trọng lượng bình quân gần 30 g/con
Sau gần 6 tháng nuôi, tôm càng xanh đạt trọng lượng bình quân gần 30 g/con

Nhận thấy các mô hình đang triển khai hiệu quả trong xã, để học hỏi kỹ thuật nuôi tôm càng xanh và kinh nghiệm nuôi tôm càng xanh thương phẩm, anh Huỳnh Trọng Tiễn đã tìm đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi xin tham gia thực hiện mô hình.

Theo đó, anh Tiễn thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất, trên diện tích 4.000 m2, với 80.000 con tôm giống (mật độ 20 con/m2). Trong suốt thời gian triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi và hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm càng xanh cho anh Tiễn. Nhờ đó, anh Tiễn đã nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật nuôi.

Anh Tiễn chia sẻ, loài tôm càng xanh có đặc tính ăn thịt lẫn nhau, nhất là khi tôm lột xác, những con tôm khỏe sẽ ăn thịt những con tôm mới lột xác. Để nâng cao tỷ lệ sống của tôm, phải thả lá dừa nước xuống ao nuôi nhằm tạo giá thể cho tôm ẩn nấp khi lột xác, giá thể được cắm thành từng cụm trong ao nuôi.

Anh Phan Trọng Mến, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tôm càng xanh thích ứng rất tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Tôm càng xanh là giống tôm có kích thước lớn, thịt thơm ngon rất được thị trường ưa chuộng, và là mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư lại khá cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ thất bại nếu người nuôi không nắm vững kỹ thuật.

Thành công của mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất lần đầu tiên được triển khai tại xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần đa dạng hóa các hình thức nuôi thủy sản nước ngọt của địa phương, mở ra triển vọng phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).