Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nước mắt vườn tiêu

PV - 17:34, 01/03/2018

Huyện Chư Sê và Chư Pưh, tỉnh Gia Lai vốn được coi là “thủ phủ” hồ tiêu của vùng Tây Nguyên. Những năm trước, khi tiêu được mùa, được giá, người dân đổ xô đi trồng tiêu. Thế nhưng thời gian gần đây, hàng ngàn ha tiêu bỗng dưng héo dần và chết khiến nhiều người điêu đứng.

Ông Nguyễn Thành Nam (một hộ chịu nhiều thiệt hại từ tiêu chết ở thôn Phú Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết: “Nhà tôi trồng tiêu từ lâu. Mảnh thứ nhất trồng được 10 năm, với 4.500 trụ tiêu, chết trắng chỉ còn lại khoảng được 80 trụ. Mảnh thứ hai trồng được 4 năm, với 2.200 trụ tiêu thì nay còn được 800 trụ. Nhưng những cây còn sống lá cũng quăn queo thiếu sức sống”. Nhìn vườn tiêu chết trắng, ông Nam không cầm được nước mắt khi nghĩ đến cảnh bỏ công sức đầu tư cả vài trăm triệu đồng. Số nợ ngân hàng đã lên tới con số 500 triệu đồng, mỗi tháng đóng lãi 7 triệu đồng khiến gia đình ông điêu đứng.

Người dân xót xa nhìn tiêu chết hàng loạt. Người dân xót xa nhìn tiêu chết hàng loạt.

 

Còn vợ chồng chị Hồ Thị Hạnh (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đã từng bước tạo lập được một cơ ngơi vững vàng nhờ cần mẫn trồng hồ tiêu. Song đáng buồn thay, việc chăm chỉ lao động, không ngừng mở rộng sản xuất lên đến con số 8.000 trụ tiêu lại để cho gia đình chị số nợ ngân hàng hơn 4 tỷ đồng.

Theo chị Hạnh, cứ năm nào làm có lãi là vợ chồng lại mua thêm đất để trồng thêm tiêu với hy vọng cuộc sống sau này đỡ cực, 5 đứa con sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Không ngờ, chỉ sau 3 mùa tiêu bệnh, gia đình phải suốt ngày chạy đôn chạy đáo, chầu chực vay nóng đảo nợ ngân hàng, vay “nguội” trả nợ vay nóng, vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng kia. Và đến giờ, gia đình chị đã bất lực trước món lãi hơn 30 triệu đồng/tháng.

Những ngày này, đi dọc Quốc lộ 14, đoạn qua huyện Chư Sê, chúng ta cũng dễ dàng thấy từng đám tiêu chết khô dưới nắng. Ở thôn 5 (xã Ia Pal), vườn tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Tám vài năm trước là niềm mơ ước của nhiều người. Chỉ trên một khoảnh đất nhỏ, gần 2.000 trụ tiêu được hai vợ chồng trẻ dày công chăm bón, trĩu quả nhưng giờ đây phải chứng kiến cảnh tiêu từng ngày chết rụi.

“Vườn tiêu nhà tôi đã chết hơn 1.500 trụ rồi. Nhiều cây chết nhanh đến nỗi lá khô vẫn dính sum xuê trên trụ y hệt như bị chất độc hóa học. Tiền của hai vợ chồng đầu tư vào vườn này nhiều lắm, mỗi năm nếu suôn sẻ, thì thu về năm gần 1 tỷ là bình thường, nhưng giờ phải chạy từng ngày để trả nợ ngân hàng. Nhìn cảnh tiêu chết mà như muốn đứt từng khúc ruột”, anh Tám buồn bã nói.

Không những tiêu chết, mà giá tiêu cũng rớt thê thảm khiến người trồng càng thêm lao đao. “Không biết mai đây, tiêu có chết nữa không, lại thêm tình cảnh giá giảm thê thảm nên chúng tôi vô cùng lo lắng. Trước đây thời đỉnh cao, 1kg tiêu bán được gần 200.000 đồng, giờ chỉ còn 62.000 đồng/kg. Nhưng nếu không trồng tiêu thì biết trồng cây gì, lấy cái gì mà ăn”, Anh Tám cho biết thêm.

Tiêu chết đang gây ra nhiều hệ lụy, ông Nguyễn Linh, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh cho biết, trước đây khi tiêu được giá nhiều người có tiền mua ô tô tiền tỷ nhưng giờ phải đi làm thuê để trả nợ. Một số còn bất đắc chí thì buông xuôi, bỏ nhà dắt díu nhau vào các tỉnh miền Nam kiếm việc làm, mặc cho ngân hàng xử lý tài sản. Thậm chí, tại thị trấn Nhơn Hòa, vừa qua đã có 4 người vì chịu không nổi áp lực nợ nên đã uống thuốc độc tự tử.

Theo thống kê, tại huyện Chư Sê có diện tích trồng tiêu khoảng 3.700ha, huyện Chư Pưh có 2.900ha. Tuy nhiên, thời gian qua đã có hàng chục ngàn ha tiêu chết trắng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chư Pưh cho biết, thời gian qua do trồng tiêu đem lại kinh tế cao nên người dân ồ ạt trồng. Nhưng thời gian gần đây, đất đã bị ô nhiễm quá nặng nề, không thuốc nào có thể trị được nên đã có hàng ngàn ha tiêu bị mất trắng.

Cũng theo ông Khánh, người dân luôn cho rằng, giá tiêu có thể ổn định mãi nên đã tập trung tiền lợi nhuận những năm làm được để mua đất, ồ ạt xuống trụ. Để trồng 1.000 trụ tiêu, phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng bao gồm cả tiền mua đất. Bên cạnh đó, những năm trước, các ngân hàng rất khuyến khích nông dân vay vốn trồng tiêu nên giờ người dân Chư Pưh nợ ngân hàng rất nhiều. Hiện nhiều người đã rao bán đất song giờ đây chẳng ai có tiền để mua.

“Để giải quyết khó khăn, huyện đã nhiều lần đề xuất UBND tỉnh có chủ trương giúp nông dân vượt qua thời điểm khó khăn này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các loại nông sản khác để tạo đầu ra ổn định, tránh cho nền kinh tế của huyện phụ thuộc mạnh vào cây hồ tiêu”, ông Khánh cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê, hiện nay, tiêu chết nhiều, lại rớt giá mạnh nên nông dân loay hoay chưa biết xử lý như thế nào. Bản thân Phòng Nông nghiệp huyện một mặt nghiên cứu nguyên nhân khiến tiêu chết hàng loạt đồng thời đề nghị người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng xen canh nhằm phòng tránh rủi ro.

THIÊN ĐỨC - PHÚ NHUẬN

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).