Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nữ đạo diễn Nhân Sơn - Người con của núi

Giang Lam - 10:08, 17/07/2023

Thời gian gần đây, nữ đạo diễn Nhân Sơn được lên nhiều trang báo bởi việc làm nhân ái - đưa phần mộ cô thanh niên xung phong về với gia đình sau 58 năm. Nữ đạo diễn đa tài, nhiệt huyết với nghề và rất có tâm ấy là người Tày, quê gốc tỉnh Tuyên Quang.

Nữ đạo diễn Nhân Sơn.
Nữ đạo diễn Nhân Sơn.

Từ cô công nhân đến đạo diễn

Tiếp xúc với Nhân Sơn, ai cũng cảm nhận đây là một cô gái đầy năng lượng và luôn yêu thương, đau đáu về quê hương. Chả thế mà ngay khi vào nghề, cô gái ấy đặt nghệ danh là Nhân Sơn, nghĩa là người của núi.

Nhân Sơn tên thật là Nguyễn Thị Thu Trang, quê ở xóm 4, xã Tân Long (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Cô trải lòng: “Nhà mình nằm dưới dãy núi Yên Lĩnh. Từ nhỏ, sáng ngủ dậy mở mắt ra đã nhìn thấy núi. Người dân nơi đây sống bám núi, dựa vào núi. Bao năm tháng núi chở che ôm ấp những thế hệ khôn lớn rồi khi đi xa trở về lại được núi ôm vào lòng. Cái tên Nhân Sơn là để mình khẳng định, dù có sống ở nơi đô thị phồn hoa thì mình mãi mãi vẫn là người con của núi, biết ơn nguồn cội, quê hương”.

Sinh ra trong gia đình bố mẹ làm nông, cuộc sống khó khăn, với mong muốn tự lập, học xong THPT, Nhân Sơn đi làm công nhân trong Nhà máy Canon ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Chị vừa làm và tranh thủ thời gian rảnh để ôn thi đại học. Thế nhưng, số phận khéo trêu đùa vì mưu sinh vất vả, lo toan bộn bề mà giấc mơ đại học khép lại do chị nộp hồ sơ quá muộn.

Không chịu dừng lại, Nhân Sơn quyết định nghỉ làm công nhân để thi vào Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội. Cơ duyên đã đến với cô học viên nhỏ, khi được nhận công việc đánh máy cho nhạc sĩ Thụy Kha. Quá trình làm việc, Nhân Sơn được tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ tên tuổi, trong đó có họa sĩ thiết kế Trương Minh Tùng. Với sự nhanh nhẹn, thông minh và nhiệt tình, Nhân Sơn được nhiều người trong giới văn nghệ sĩ yêu mến. Ngày đó, cô bé xứ Tuyên xinh đẹp được tham gia viết kịch bản, làm diễn viên cho các bài thi tốt nghiệp của các anh chị Trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Đó chính là động lực để Nhân Sơn từng bước “lột xác” dấn thân vào một lĩnh vực mới.

Đạo diễn trẻ Nhân Sơn chỉ đạo cảnh quay trong Phim ca nhạc “Cưới”
Đạo diễn trẻ Nhân Sơn chỉ đạo cảnh quay trong Phim ca nhạc “Cưới” (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Và cơ duyên đã đến. Nhận thấy Nhân Sơn có năng khiếu điện ảnh, họa sĩ thiết kế Trương Minh Tùng đã dẫn Nhân Sơn đến cổng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và động viên cô gái dấn bước vào lĩnh vực điện ảnh. Được tạo cơ hội để thể hiện đúng niềm đam mê, Nhân Sơn đã quyết tâm và thi đỗ vào Khoa Đạo diễn, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vào năm 2010.

Nhân Sơn nhớ lại: “Quãng thời gian đi học cũng là lúc tôi phải vận dụng hết toàn bộ sức lực của mình để gồng gánh mưu sinh, vừa học, vừa làm. Là cô gái miền núi nghèo xuống thành phố với bao nhiêu khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ tôi nản lòng. Bởi tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được các anh chị đi trước dẫn dắt để chọn đúng con đường thỏa mãn khát vọng, đam mê…”

Luôn hết mình với nghề

Khi nói về phái nữ làm phim, nhiều người đều thừa nhận, làm phim là công việc thực sự nặng nhọc với sức vóc phụ nữ. Còn với Nhân Sơn suy nghĩ khá giản đơn rằng, công việc nặng nhọc, mệt mỏi nhất chính là công việc mình không yêu thích. Còn khi được làm nghề mình đam mê thì dù có vất vả đến đâu cũng cảm thấy vui, hạnh phúc.

Chính bởi sống hết mình với đam mê, năm 2015, vượt qua 19 phim ngắn lọt vào chung kết, bộ phim truyện về đề tài chiến tranh mang tên “Lính”, biên kịch, đạo diễn Nhân Sơn đã đoạt giải Ong vàng của Liên hoan phim ngắn sinh viên. Đây là bộ phim được Ban Giám khảo đánh giá cao về cách kể chuyện cũng như góc nhìn khá sâu sắc về chiến tranh. Phim “Lính” cũng đoạt giải được khán giả bình chọn nhiều nhất.

Một cảnh trong bộ phim "Đường về bản" do đạo diễn Lê Trung Dũng cùng Nhân Sơn đồng đạo diễn
Một cảnh trong bộ phim "Đường về bản" do đạo diễn Lê Trung Dũng cùng Nhân Sơn đồng đạo diễn

Với thành công đầu tay, Nhân Sơn được Trung tâm Sản xuất phim dân tộc - miền núi - biển đảo (Cục Điện ảnh Việt Nam) tin tưởng giao làm đạo diễn phim “Đường về bản” cùng đạo diễn Trần Trung Dũng. Phim lấy đề tài công cuộc xây dựng nông thôn mới của đồng bào Nùng, bối cảnh là một làng quê ở thôn Hạ A và Hạ B, xã Sán Sả Hồ, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Nơi đó cuộc sống bà con dẫu còn khó khăn vất vả nhưng vẫn toát lên khát vọng, ước mơ về sự tiến bộ, đổi thay. Đồng bào hăng say lao động, hiến đất làm đường, đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Là người con của bản làng, Nhân Sơn hiểu được nếp ăn, nếp nghĩ, phong tục tập quán của bà con. Đó cũng là một thuận lợi để cô từng bước hoàn thành tác phẩm. Sau khi phim trình chiếu phục vụ công chúng ở các tỉnh, thành trên cả nước, được khán giả, giới chuyên môn đánh giá cao. Đặc biệt là bà con dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì xem xong phim đã nói: “Đây là phim của người Nùng mình, là tiếng lòng của bà con mình rồi đó”.

Điều đặc biệt mà hiếm một đạo diễn trẻ nào có được, đó là Nhân Sơn đã dành toàn bộ số tiền cát sê để ủng hộ làm tuyến đường nội thôn ở thôn Hạ A và Hạ B. Sau vài tháng, Nhân Sơn quay trở lại thăm bối cảnh, bà con rất vui mừng chào đón như người thân trong gia đình.

Đạo diễn Ngân Sơn trong trang phục của đồng bào DTTS
Đạo diễn Nhân Sơn trong trang phục của đồng bào DTTS (Ảnh nhân vật cung cấp)

Qua bao năm tháng, Nhân Sơn từng bước thăng hoa và cống hiến cho nghề. Chị cũng được đồng nghiệp quý mến bởi là người sống hết mình, làm hết mình. Nhân Sơn sẵn sàng xông pha với nhiều lĩnh vực trong điện ảnh để học hỏi, sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm như: Thư ký, trợ lý đạo diễn, nhà sản xuất phim, giám đốc bối cảnh... Cô gái miền núi xứ Tuyên được Tạp chí Điện ảnh Việt Nam gọi là “Gương mặt triển vọng” trong làng đạo diễn trẻ Việt Nam.

Mới đây, Nhân Sơn được truyền thông “gọi tên” nhiều bởi hành trình đưa phần mộ cô thanh niên xung phong Lê Thị Thành “về” với gia đình. Nhân Sơn kể lại: “Thời gian đó, mình đi tìm bối cảnh tại rừng Quốc gia Bến En (Thanh Hóa) cho một bộ phim về đề tài chiến tranh. Nhờ sự dẫn dắt, kết nối, mình đã thấy được ngôi mộ nằm trong rừng sâu suốt 58 năm. Và với trách nhiệm người trẻ, thế hệ sau biết ơn sự hy sinh xương máu của cha ông, mình cùng những người bạn đã nỗ lực, vượt qua bao khó khăn để đưa phần mộ về với gia đình. Với mình đó chỉ là một đóng góp nhỏ thôi để tri ân công đức những người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc”.