Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông nghiệp đang là “trụ đỡ” của nền kinh tế

Thanh Hải - 18:17, 18/11/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, “phi nông bất ổn” chưa bao giờ lại là chân lý vững chắc đến như vậy. Mọi lĩnh vực đều bị tác động nặng nề bởi đại dịch, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn giữ được vai trò là “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế, với việc an ninh lương thực bảo đảm, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

Giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp ngày càng tăng. (Ảnh minh họa)
Giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp ngày càng tăng. (Ảnh minh họa)

Để tăng giá trị và hiệu quả của nông nghiệp, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan tâm, đầu tư; trong đó, trọng tâm nhất vẫn là tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với việc cơ cấu lại nền kinh tế. Nhưng, tái cơ cấu nền kinh tế, với quá trình công nghiệp hóa lại chính là quá trình chuyển dịch từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp; vẫn là trên gốc rễ và nền tảng của nông nghiệp.

Dù quy mô và giá trị sản xuất của doanh nghiệp nông nghiệp nhìn chung, không bằng các doanh nghiệp công nghiệp, nhưng sức lan tỏa lại rất lớn, ảnh hưởng đến hàng chục triệu hộ nông dân. Vì thế, nền nông nghiệp cần được xem là một cấu trúc kinh tế- xã hội, chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ. Thực tiễn cũng đã khẳng định, đây là một ngành kinh tế bao trùm, đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người, chứ không phải một nhóm người.

Nhìn từ những tác động của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, có thể thấy rằng: Trong mọi biến cố của nền kinh tế, thì nông nghiệp đều phát huy vai trò “trụ đỡ”, bởi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần. Sự thay đổi của ngành ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, nâng cao mức sống về mọi mặt của hàng chục triệu nông dân và bộ mặt nông thôn.

An ninh lương thực vẫn bảo đảm giữa bối cảnh dịch bệnh bủa vây. (Ảnh minh họa)
An ninh lương thực vẫn bảo đảm giữa bối cảnh dịch bệnh bủa vây. (Ảnh minh họa)

 Khẳng định vai trò “trụ đỡ”

Dẫn chứng qua từng con số, đủ thấy rằng, dù gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 thứ tư gây ra, nhưng nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành Nông nghiệp vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Ước cả năm, sản lượng lúa đạt khoảng 43,52 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2020; sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 5,67 triệu tấn, tăng 5,3%; sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,6 triệu tấn, tăng 2,4%. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng (VA) của ngành Nông nghiệp quý III tăng 1,04% so với quý III năm 2020. Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng VA của ngành Nông nghiệp đạt 2,74% và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành Nông nghiệp dự ước cả năm 2021 đạt kế hoạch đề ra là 42,5 tỷ USD.

Dịch bệnh càn quét khiến cho việc sản xuất, kinh doanh của các ngành nghề bị gián đoạn nặng nề. Hàng ngàn nhà máy đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất, ngành Du lịch “đóng băng”… nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì. Nhờ thế mà, đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng, đời sống của hàng chục triệu người dân vẫn bảo đảm. Giữa bối cảnh dịch bệnh chao đảo, “phi nông bất ổn” chưa bao giờ lại là chân lý vững chắc đến như vậy.

Ngành Nông nghiệp đang là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. (Ảnh minh họa)
Ngành Nông nghiệp đang là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. (Ảnh minh họa)

Rồi hình ảnh, dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Lúc này, nông nghiệp, nông thôn chính là “bệ đỡ” về an sinh cho nông dân; giúp người lao động (xuất phát là nông dân) có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn. “Tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), vì thế mà đã thêm một lần được khẳng định về vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế, cũng như xã hội hiện nay.

Tận dụng các cơ hội để phát triển nhanh và bền vững

Dù tự hào là cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất lớn. Ngoài ra, trình độ sản xuất nông nghiệp nước ta thấp so với thế giới, sản phẩm thô, chủ yếu gia công và phải nhập khẩu giống, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu... Có một số ngành 80 - 90% nhập khẩu từ nước ngoài, nên giá trị gia tăng nông nghiệp không cao; thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh và chưa vào được phân khúc cao thị trường.

Để tăng hiệu quả, giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp thì sao? Theo các chuyên gia kinh tế, thì dư địa của ngành Nông nghiệp còn vô cùng lớn, có thể làm gia tăng giá trị tăng trưởng so với các ngành khác trong nội hàm nền kinh tế. Muốn làm được điều này, thì cần có giải pháp đột phá, tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp…

Việc tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; bảo đảm an ninh lương thực và an ninh quốc phòng là rất quan trọng.

Gắn với đó, là đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Bên cạnh đó, cần sớm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nông nghiệp trong giai đoạn sắp tới, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng, sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Đặc biệt, phải thay đổi mô hình, chứ không phải thay đổi tỷ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Để cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 -  2025, thì một trong những quan điểm lâu dài là tận dụng các cơ hội, các mô hình kinh doanh mới và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược, để phát triển nhanh và bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế, phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.