Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông nghiệp Bến Tre: Nguy cơ thiệt hại lớn vì xâm nhập mặn

Thịnh Anh - 11:57, 23/12/2019

Trên các tuyến sông, kênh, rạch tại Bến Tre hiện nay nước mặn xâm nhập sâu, cách cửa sông khoảng từ 60 - 76km, đã trực tiếp uy hiếp hàng nghìn ha hoa màu, cây ăn quả của bà con nông dân.

Nước mặn hiện tại đã xâm nhập hầu như toàn bộ các nhánh sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Nước mặn hiện tại đã xâm nhập hầu như toàn bộ các nhánh sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Theo thông tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện tại nước mặn đã xâm nhập sâu vào các tuyến sông trên địa bàn. Cụ thể, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất đến xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 60km; độ mặn 1‰ đã xâm nhập sâu nhất đến thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách) trên sông Cổ Chiên, cách cửa sông khoảng 76km. Theo dự báo, năm nay nước mặn sẽ xâm nhập sâu, có nguy cơ gây thiệt hại lớn đối với ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre.

Mấy ngày nay, gia đình ông Nguyễn Văn Liệt (xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) như ngồi trên đống lửa, khi nước mặn xâm nhập. Ông Liệt cho biết, gia đình ông đang trồng 40.000 cây giống sầu riêng còn nhỏ đang cần nước tưới. Tuy nhiên, loại cây này chỉ chịu độ mặn dưới 0,4‰, trong khi ngoài sông nước có độ mặn cao hơn, nên mỗi ngày ông phải canh nước ròng sát đáy, khi độ mặn giảm ở mức cho phép mới bơm lên tưới cho cây giống.

Hộ ông Nguyễn Văn Giỏi (xã Tân Thiềng) trồng 2.400 giỏ cúc mâm xôi, vạn thọ cũng tỏ ra lo lắng: “Do nước mặn lên bất ngờ nên nhiều người không kịp trữ nước trong mương vườn để tưới. Bây giờ nhiều hộ phải tưới tiết kiệm và đợi có nước ngọt mới bơm từ sông vào mương trữ, trong khi lượng nước ngọt khá ít. Nếu tình hình này kéo dài, người trồng hoa ở đây sẽ bị thiệt hại nặng nề”. 

Theo thống kê, tại xã Tân Thiềng có 8 tuyến sông trữ nước ngọt đã bị nhiễm mặn do không kịp đóng cống. Hiện tại, toàn xã có 1.538ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 80% là trồng cây giống, cây ăn quả và hoa đang bị ảnh hưởng và có nguy cơ mất trắng do nước mặn. Trong đó, diện tích hoa phục vụ Tết Nguyên đán có nguy cơ bị thiệt hại cao nhất, do rất mẫn cảm với nước mặn và nhu cầu nước lớn, phải tưới mỗi ngày. 

Cây giống rất mẫn cảm với nước mặn nên nguy cơ thiệt hại rất lớn
Cây giống rất mẫn cảm với nước mặn nên nguy cơ thiệt hại rất lớn

Ông Nguyễn Văn Chang, Chủ tịch UBND xã Tân Thiềng cho biết, do nước mặn lên bất ngờ, sớm hơn mọi năm, nên người dân không kịp xử lý. Hiện tại, các tuyến sông trên địa bàn xã Tân Thiềng đã bị nhiễm mặn trên 1‰ không thể tưới cây. Chính quyền đã vận động bà con có trữ nước ngọt trong mương vườn, ao, hồ... chia sẻ với những hộ thiếu nước nhằm cứu diện tích hoa. Đồng thời, làm việc với các chủ phương tiện thủy để kêu gọi họ đến vùng chưa bị nhiễm mặn ở khu vực đầu nguồn sông Cổ Chiên chở nước ngọt về bán lại cho dân với mức giá hợp lý, phục vụ tưới hoa, cây giống.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết, nước mặn hiện đã xâm nhập gần như toàn bộ huyện Chợ Lách, đe dọa trực tiếp đến gần 10.000ha cây ăn quả, cây giống và hoa. Trong đó, có khoảng 11 triệu sản phẩm hoa phục vụ Tết có nguy cơ thiệt hại cao nhất; đồng thời, khoảng 20 triệu sản phẩm cây giống có nguy cơ thiệt hại cao do mẫn cảm với nước mặn.

Trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra. Trong đó, đã chủ động triển khai đến các hộ dân, các hộ sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp chủ động nguồn nước. 

Năm nay, tỉnh Bến Tre khuyến cáo kiên quyết không sản xuất lúa vụ 3; đồng thời, khuyến cáo mức độ chịu mặn của một số loại cây trồng phổ biến để người dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp, kiên quyết không để người dân sản xuất ở khu vực có nguy cơ thiếu nước.