Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông dân Tuyên Quang thắng lớn mùa dưa chuột

Nhật Minh - 17:45, 31/10/2022

Mô hình liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ dưa chuột tại Tuyên Quang đã giúp cải thiện đáng kể thu nhập của nông dân, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững của địa phương.

So với trồng lúa, ngô trên cùng đơn vị diện tích, cây dưa chuột cho hiệu quả kinh tế gấp 4 đến 5 lần. Ảnh: Đào Thanh.
So với trồng lúa, ngô trên cùng đơn vị diện tích, cây dưa chuột cho hiệu quả kinh tế gấp 4 đến 5 lần. Ảnh: Đào Thanh.

Vụ này, gia đình bà Nông Thị Phượng, thôn Nà Khá, xã Năng Khả, huyện Na Hang (Tuyên Quang) tiếp tục trồng 200m2 dưa chuột. Đây là vụ thứ 2 gia đình bà trồng theo chương trình liên kết với HTX Minh Tâm bao tiêu sản phẩm. Được sự hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật sản xuất nên gia đình đã quyết định trồng xen kẽ dưa chuột với các loại rau màu khác, vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa tận dụng được quỹ đất. Trồng dưa chuột, thời gian từ trồng đến khi thu hoạch chỉ tầm 35 đến 40 ngày, không tốn nhiều công chăm sóc.

Bà Phượng cho biết, vụ trước, tuy mới chỉ bắt đầu trồng thử nghiệm, nhưng đã cho thu hoạch gần 1 tấn dưa chuột, giá trung bình 8.000 đồng/kg, sau khi thu hoạch được HTX đến trực tiếp thu mua, trừ mọi chi phí gia đình lãi hơn 3 triệu đồng. Vụ này, khi không phải mất chi phí đầu tư mua một số vật dụng phục vụ làm giàn, chắc chắn vườn dưa chuột của gia đình bà sẽ cho thu lãi cao hơn.

Anh Phạm Văn Tuấn, Giám đốc HTX Thành Đạt, xã Kháng Nhật (huyện Sơn Dương) cũng cho biết, HTX của anh liên kết với Công ty TNHH Dưa leo quê vùng miền (tỉnh Bắc Ninh) trồng 5 ha dưa chuột. Hợp đồng ký kết theo từng năm, trong đó công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm dưa chuột sau thu hoạch với giá cố định 5.000 đồng/kg. 

Để có đủ sản lượng cung ứng cho công ty, tránh tình trạng các thành viên bán dưa ra ngoài, HTX tiến hành ký hợp đồng sản xuất đối với 12 thành viên trong HTX, trong đó có điều khoản nếu thành viên nào bán dưa ra ngoài, sẽ bị phạt theo hợp đồng quy định, do vậy các thành viên đều tuân thủ nghiêm túc. 

Anh Trần Văn Mạnh, thành viên HTX Thành Đạt chia sẻ: “Với 5 sào ruộng trồng dưa chuột, giá bán cố định 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi ổn định từ 45 - 50 triệu đồng mà không lo giá cả thị trường lên xuống”.

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 315ha trồng dưa chuột, với 2.239 hộ trồng; năng suất bình quân đạt 49 tạ/ha, sản lượng đạt trên 15.500 tấn; giá bán bình quân là 5.500 đ/kg, tổng doanh thu bình quân đạt trên 87 tỷ đồng.

Mô hình liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ dưa chuột tại Tuyên Quang đã giúp cải thiện đáng kể thu nhập của nông dân
Mô hình liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ dưa chuột tại Tuyên Quang đã giúp cải thiện đáng kể thu nhập của nông dân

Tại một số xã, thị trấn, cây dưa chuột đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Điển hình như xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang) trồng 3,5ha, năng suất đạt 54 tạ/ha, sản lượng đạt 189 tấn, giá bán 8.000 đ/kg, thu về trên 1,5 tỷ đồng/vụ; xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn) năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.235 tấn; xã Yên Nguyên (huyện Chiêm Hóa) năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng 1.560 tấn...

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, trồng dưa chuột cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/sào (360m2), sau khi trừ chi phí còn lãi 4,9 triệu đồng/sào (so với trồng bắp cải vụ đông cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng/sào, lãi 2,4 triệu đồng/sào).

Chi phí trồng, chăm sóc dưa chuột cao hơn so với trồng cây rau bắp cải, nhưng trồng dưa chuột cho thu lãi cao hơn trồng rau bắp cải. Đặc biệt, từ vụ trồng dưa thứ hai, người dân còn tận dụng vật tư sử dụng cho vụ sau như cọc dèo, lưới..., do đó giảm chi phí đầu tư. Trồng dưa chuột người dân không mất công đi bán, bởi sản phẩm thu hoạch về sẽ được bao tiêu theo hợp đồng cam kết.

Trước khi gieo trồng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức 36 lớp tập huấn cho 1.720 lượt người tham gia là cán bộ khuyến nông và các hộ tham gia trồng dưa. Nội dung về xây dựng hệ thống PGS, thanh tra, kiểm tra giám sát, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, ghi chép nhật ký và kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp hướng dẫn các hộ trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, thông qua chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột, người nông dân từng bước làm quen với phương thức trồng thâm canh cây dưa chuột, để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế tăng thu nhập, sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tạo được công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần thiết thực phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.