Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cây cam Vinh “bén duyên” trên đất xứ Cùa

Phạm Tiến - 14:34, 07/10/2022

Từ mô hình điểm do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai qua dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị các tỉnh miền Trung”, cây cam Vinh đã bén duyên và được nhân rộng trên đất xứ Cùa (Quảng Trị).

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị thăm mô hình trồng cam của gia đình chị Hoàng Thị Mỹ Châu
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị thăm mô hình trồng cam của gia đình chị Hoàng Thị Mỹ Châu

Năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình trồng cam, tại gia đình chị Hoàng Thị Mỹ Châu xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Quy mô của mô bước đầu được triển khai trên diện tích 1,2 ha, giống cam Vinh được lựa chọn đưa về xứ Cùa trồng và xây dựng mô hình điểm.

Sau 4 năm trồng và chăm sóc, gia đình chị Châu đã vào vụ thu hoạch vụ cam đầu tiên. Với năng suất ước đạt từ 4,5- 5 tấn/ha, giá cam bán tại vườn, thời điểm hiện tại là 20 nghìn đồng/1kg. Như vậy, mùa thu hoạch cam đầu tiên, gia đình chị Mỹ có thu nhập ước đạt từ 100-120 triệu đồng.

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị chia sẻ kỹ thuật tưới nhỏ giọt tại mô trồng hình cam
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị chia sẻ kỹ thuật tưới nhỏ giọt tại mô trồng hình cam

Chị Châu chia sẻ, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cam và hỗ trợ vật tư nên cây cam Vinh khi đưa về trồng có tỷ lệ sống 95%. Trong quá trình trồng và chăm sóc, gia đình chị được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nên cây cam phát triển tốt, đúng với quy trình sinh trưởng.

Đặc biệt, những phương pháp canh tác tiết kiệm, đảm bảo an toàn thực phẩm được áp dụng tại mô hình như tưới nhỏ giọt; sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh… Nhờ đó, sản phẩm cam được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Với lợi thế về đất đai màu mỡ ở xã Cam Thành nói riêng và xứ Cùa (huyện Cam Lộ) nói chung đang mở ra hướng làm giàu từ trồng cam Vinh trên đất gò đồi cho người dân địa phương.

Để đánh giá mô hình trồng cam sau 4 năm thực hiện ở gia đình chị Châu, sáng 6/10, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã có buổi kiểm tra thực tế tại mô hình. Hầu hết các thành viên trong đoàn công tác, đánh giá rất cao sự phát triển của cây cam nói riêng và mô hình nói chung. Từ hồ sơ theo dõi quá trình sinh trưởng của cây cam tại mô hình đến thực tế chất lượng quả cam cho thấy, việc đưa cây cam Vinh về xứ Cùa là phù hợp.

Trao đổi với phóng viên ngay tại mô hình, ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Sau 4 năm triển khai mô hình trồng cam tại xã Cam Thành, cây cam phát triển rất tốt và đang bước vào vụ thu hoạch đầu tiên. Qua theo dõi quá trình sinh trưởng của cây cam cho thấy, thổ nhưỡng và khí hậu ở xứ Cùa rất phù hợp cho việc  trồng cam”.

Sau 4 năm trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây cam Vinh phát triển rất tốt trên đất xứ Cùa
Sau 4 năm trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây cam Vinh phát triển rất tốt trên đất xứ Cùa

Từ mô hình ở gia đình chị Châu, hiện cây cam đã phát triển ra nhiều mô hình khác. Hiện, cây cam Vinh đang có xu thế mở rộng diện tích ở xã Cam Thành nói riêng và các xã khác trong vùng xứ Cùa nói chung. Đơn cử như mô hình trồng cam Vinh của gia đình anh Đào Văn Khánh (thôn Cam Phú, xã Cam Thành)

Có mặt tại buổi thực tế tại mô hình trồng cao của gia đình chị Châu, ông Mai Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành khẳng định: “Cây cam Vinh đã đứng vững ở vùng đất xứ Cùa. Mới là năm đầu tiên cho thu hoạch nhưng có thể khẳng định, cây cam cho hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác. Cam Vinh trồng trên xứ Cùa ít bị sâu bệnh, cho năng suất cao và đặc biệt là chất lượng rất ngon nên đầu ra ổn định”.