Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông dân tiêu biểu Nghiêm Đại Thuận: Sẻ chia cùng với người nghèo

PV - 10:56, 27/11/2018

Sau khi nhận Giải thưởng Nông dân tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc năm 2018, từ Hà Nội trở về, biết chúng tôi đến tìm gặp, anh vui vẻ tiếp chuyện với phong cách rất “hai lúa”. Anh tên Nghiêm Đại Thuận, dân tộc Hoa, 42 tuổi, ngụ tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, là nông dân duy nhất của tỉnh nhận giải thưởng cao quý năm nay.

 

Công nhân lao động tại cơ sở của anh Nghiêm Đại Thuận. Công nhân lao động tại cơ sở của anh Nghiêm Đại Thuận.

Anh Thuận kể: “Lúc biết mình được nhận giải, tôi rất bất ngờ vì từ trước đến giờ, mình chế tạo ra máy móc với mục đích giúp bà con đỡ vất vả, nâng cao thu nhập. Cạnh đó giải quyết được việc làm của nhiều lao động nông thôn vùng sâu, vùng xa chứ có nghĩ đến giải thưởng gì đâu”.

Xuất thân trong gia đình người Hoa có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Sóc Trăng, anh Thuận chỉ học đến lớp 5 thì phải nghỉ học để mưu sinh, phụ giúp công việc cho gia đình. Năm 18 tuổi, anh lên TP. Hồ Chí Minh làm thuê cho các cơ sở gia công máy móc cơ khí. Đây chính là nơi nung nấu ý tưởng khởi nghiệp của chàng trai nghèo người Hoa trên đất thị thành.

Anh Thuận kể: “Tôi cứ mãi đeo đuổi suy nghĩ phải chế tạo cho bằng được những máy móc có liên quan đến các công đoạn chế biến dừa trái, một loại đặc sản có rất nhiều ở miền Tây để bà con bớt vất vả khi cứ mãi làm theo phương pháp thủ công hàng trăm năm qua”.

Nghĩ là làm. Năm 2010, sau khi tích lũy được số vốn ban đầu, anh về quê vợ ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long bắt tay thực hiện ước mơ của mình. Hai năm đầu, anh đã nếm rất nhiều thất bại khi chế tạo máy “Se chỉ tơ xơ dừa 4 trục” chạy bằng điện. Mặc cho nhiều lời ngăn cản của gia đình, bạn bè, hàng xóm, Nghiêm Đại Thuận vẫn quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình. Anh nghiên cứu rất nhiều tài liệu có liên quan, đi đến nhiều địa phương tham khảo cách chế tạo của các loại máy để cải tiến dần đứa con cưng của mình và đã thành công vào năm 2012.

Ông Lý Văn Khoa, 63 tuổi, ngụ tại xã Đức Mỹ kể: “Hồi đầu thấy nó lui cui làm tới làm lui cái máy kỳ lạ này, ai cũng can ngăn vì vừa tốn tiền lại vừa tốn công. Vậy mà khi máy hoàn thành chạy “ngọt sớt”, ai ai cũng phục sát đất tính khí cái thằng đã nói là làm cho bằng được. Nhờ có máy này mà cả xóm làm ăn khấm khá đó. Công của nó lớn lắm!”.

Hiện nay, anh Nghiêm Đại Thuận đang làm Chủ nhiệm HTX Se chỉ tơ xơ dừa Đức Mỹ với 11 thành viên tham gia. Sản phẩm chủ yếu là thảm và lưới xơ dừa kích cỡ lớn, được xuất khẩu sang Hàn Quốc và một số quốc gia khác.

Nếu như trước đây, người lao động làm tơi tơ xơ dừa bằng phương pháp thủ công chỉ đạt tối đa 4 đến 5 kg/người/ngày và được trả công từ 60.000 đến 80.000 đồng/người thì nay với chiếc máy của anh Thuận đã cho năng suất từ 250 đến 300 kg/máy/ngày. Người đứng máy sẽ được trả công từ 4.500.000 đồng đến 6.000.000 đồng/người/tháng. Cạnh đó, người làm ở các công đoạn vô lưới, dệt thảm cũng có mức thu nhập bình quân 5.000.000 đồng mỗi tháng.

Em Nguyễn Thị Tố Loan, công nhân lao động tại đây kể: “Từ khi có máy mới của anh Thuận, đời sống của gần 30 công nhân tại đây rất ổn định, có việc làm quanh năm, cường độ lao động thủ công đã giảm nhiều. Chúng em còn được anh Thuận “bao” cơm, nước cả ngày, từ đó kinh tế gia đình không còn khó khăn như trước. Nhà công nhân nào khó khăn đều được anh Thuận giúp đỡ tận tình nên ai cũng an tâm lao động”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều cơ sở gia công se chỉ tơ xơ dừa thủ công tại Đồng bằng sông Cửu Long như: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang… đã tìm đến đặt hàng chiếc máy độc, lạ của chàng trai xứ Càng Long. Từ năm 2013 đến nay, anh Thuận đã xuất bán trên 200 chiếc máy với giá từ 60.000.000 đến 75.000 đồng/máy kèm theo chế độ bảo hành “không thời hạn” cho người mua. Điều đáng quý là sẵn sàng đến tận nơi của người mua để hướng dẫn kỹ thuật; bán “chịu” cho bà con nghèo không tính lãi đi kèm với việc giảm giá bán. Sản phẩm này đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh năm 2013.

Hiện nay, mỗi tháng, HTX Se chỉ tơ xơ dừa Đức Mỹ xuất sang Hàn Quốc từ 2 đến 3 container (mỗi container từ 150 đến 160 tấn sản phẩm với giá xuất bán xấp xỉ 1 tỷ đồng). Anh tham gia đóng góp nhiều việc làm nhân ái, phúc lợi dân sinh tại địa phương như: làm giao thông nông thôn; xây dựng nhà tình thương cho người nghèo; giúp học sinh khó khăn có điều kiện tới trường.

Chia tay với nụ cười rất tự tin, anh Thuận cho biết: “Tôi chuẩn bị hoàn thành chiếc máy lột dừa tự động có 1 không 2 tại Việt Nam. Hôm vừa rồi chạy thử nghiệm rất “êm”, nhưng phải chờ ít thời gian kiểm tra cẩn thận rồi sẽ trình làng. Nếu ổn thì bà con trồng dừa sẽ đỡ vất vả và tăng thu nhập”.

PHAN THỊ ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.