Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nón lá bàng rừng của người đàn ông xứ Huế

PV - 11:06, 08/07/2019

Từ bàn tay tài hoa, ông Võ Ngọc Hùng (62 tuổi, phường Kim Long, TP. Huế), những chiếc lá bàng rừng không bị lãng quên khi rụng xuống, mà được sống lại một đời sống khác khi trở thành nguyên liệu tạo ra chiếc nón lá độc đáo, đẹp như một bức tranh.

Chiếc nón lá bàng rừng tinh xảo được ra đời từ bàn tay của ông Hùng. Chiếc nón lá bàng rừng tinh xảo được ra đời từ bàn tay của ông Hùng.

Đã mấy chục năm qua, ông Vũ Ngọc Hùng là một trong những người đam mê cây cỏ, đam mê với việc làm ra những chiếc nón xứ Huế. Mong muốn những chiếc lá không bị lãng quên khi rụng xuống, ông Hùng tìm hiểu, mày mò gần 2 năm thử nghiệm với các loại lá như bồ đề, sa kê… để làm nón nhưng đều thất bại. Ông kể, một lần đi chơi trong rừng ở thị xã Hương Trà, ông phát hiện ra cây bàng rừng. Lúc đó, ông hái một lá về nghiên cứu, làm thử và biết rằng loại lá này có thể trở thành nguyên liệu làm nón, bởi ngọn lá bàng rừng to hơn, dày hơn, phù hợp để tạo hình những chiếc nón xinh xắn mà không lo bị rách. Đặc biệt, dưới ánh mặt trời, những đường gân lá tự nhiên sẽ tạo ra mỗi chiếc nón một bức tranh long lanh không hề giống nhau.

Tìm được lá bàng rừng ưng ý mới chỉ là bước đầu. Lá sẽ được ngâm để lớp màu xanh phai đi và dần hiện ra những đường gân tạo thành nhiều lớp mỏng nhưng chắc chắn, lạ mắt bởi mới nhìn giống như trong suốt, xuyên thấu. Lớp màu xanh trên lá được ông Hùng chùi nhẹ sẽ nhanh chóng bong ra. Ông Hùng dùng chiếc bàn chải đánh răng cẩn thận chải trên chiếc lá mỏng tang. Việc chải này cũng có quy tắc, phải chải theo chiều thuận. Theo ông, đây là một bước đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo bởi chỉ cần chải mạnh một chút, đường sống lá bị rách, bao công sức sẽ bỏ đi hết.

Công đoạn chằm nón (làm khuôn nón) cũng đòi hỏi người thợ phải cẩn thận. Ông Hùng thuê những người thợ chằm nón chuyên nghiệp, thực hiện nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Để chiếc nón bền với mưa nắng, thay vì chọn lớp dầu nón (khiến nón đổi sang màu vàng xỉn), ông Hùng chọn sơn bóng PU. Loại sơn này giúp giữ màu thật của xương lá, vừa tăng độ chống chịu của nón với thời tiết. Vì thế, trông nón lá bàng có vẻ mỏng manh nhưng độ bền không hề thua kém gì so với nón lá trên thị trường.

Ông Hùng tâm sự: “Nếu để ý, ta sẽ thấy những thứ nhỏ bé xung quanh mình đều rất đẹp. Biết tận dụng nó sẽ tạo ra nhiều giá trị, cái đẹp hơn cho cuộc sống”. Nón lá bàng rừng xuất hiện như một luồng gió mới giữa những chiếc nón lá thông dụng ở Huế. Vẫn giữ được tỉ lệ vàng của nón Huế truyền thống nhưng vẻ ngoài mới lạ của những gân lá trong suốt đã khiến nhiều người mê mẩn. Người ta nâng niu nó như một tác phẩm nghệ thuật chứ không đơn thuần là chiếc nón để che mưa, che nắng.

“Mỗi chiếc nón được kết từ hơn chục chiếc lá bàng rừng, tôi bán 450.000 đồng/chiếc. Tuy với nhiều người đó là mức giá đắt, nhưng thấy được sự độc đáo và công phu khi làm ra sản phẩm nên khách đặt hàng tôi vẫn làm không kịp. Làm nón bằng bàng rừng không thể làm nhanh được, phải chăm chút tỉ mỉ thì nón mới đẹp. Mỗi tháng làm cật lực, gia đình ông cũng chỉ có thể sản xuất được 60 chiếc ”, ông Hùng chia sẻ.

Hiện nay, ông Hùng đang tiếp tục thử nghiệm kết hợp những chất liệu lá khác kết hợp với lá bàng rừng để đưa những hình ảnh về danh lam thắng cảnh của xứ Huế lên chiếc nón. “Hy vọng, tôi sẽ tiếp tục thành công, có thêm sản phẩm mới để du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài có thêm món quà lưu niệm khi thăm mảnh đất này”, ông Hùng chia sẻ ý tưởng.

HỒNG PHÚC