Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nơi gìn giữ “linh hồn” rừng xanh

Chí Tín - Vũ Mừng - 01:39, 07/03/2024

Các loài linh trưởng được những người gắn bó với thiên nhiên trên toàn thế giới coi là “linh hồn” của những cánh rừng. Tiếng hót của chúng là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ nguyên thủy của đại ngàn. Ở Cúc Phương, giữa thăm thẳm sắc xanh của rừng già có rất nhiều người đang ngày đêm chăm sóc, bảo vệ để cho linh hồn của rừng không biến mất.

Cúc Phương được xếp ngang tầm với các cánh rừng nguyên sinh nổi tiếng bậc nhất trên thế giới
Cúc Phương được xếp ngang tầm với các cánh rừng nguyên sinh nổi tiếng bậc nhất trên thế giới

Từ câu chuyện con tem

“Tôi vẫn ngỡ rằng loài Voọc mông trắng đã tuyệt chủng, thế nhưng suy nghĩ đó dần thay đổi, khi tình cờ thấy một con tem bưu chính Việt Nam được phát hành vào năm 1965 có in hình loài linh trưởng tuyệt đẹp này”. Những sẻ chia ấy được Tiến sĩ Ratajsczak Radoslaw, Chuyên gia nghiên cứu loài linh trưởng của Ba Lan giãi bày, khi lần đầu tới Vườn Quốc gia Cúc Phương vào năm 1987.

Voọc mông trắng - Loài động vật đặc hữu của Việt Nam đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao nhất cần được quan tâm và bảo vệ ở mức ưu tiên nhất. Ảnh: NAG Hiệp Hiệp
Voọc mông trắng - Loài động vật đặc hữu của Việt Nam đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao nhất cần được quan tâm và bảo vệ ở mức ưu tiên nhất. Ảnh: NAG Hiệp Hiệp

Từ niềm hy vọng đó, Tiến sĩ Ratajsczak Radoslaw đã có nhiều tháng liền thực hiện hai đợt nghiên cứu, điều tra và bước đầu xác định được có tiếng hót của Voọc mông trắng trong quá trình giao tiếp với đồng loại, tại rừng nguyên sinh Cúc Phương.

Vào năm 1989, hai năm sau những kết quả nghiên cứu bước đầu của Tiến sĩ Ratajsczak Radoslaw, nhóm cán bộ khoa học của Vườn quốc gia Cúc Phương đã ghi nhận được hình ảnh 7 cá thể voọc mông trắng trên vách núi trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn. 

Cũng trong giai đoạn này, Cúc Phương đã tiếp nhận 2 cá thể Voọc mông trắng được tịch thu từ việc buôn bán trái phép. Đây là sự kiện quan trọng thúc đẩy cho một dự án cứu hộ và nhân nuôi sinh sản các loài linh trưởng được hình thành

Tới ngôi nhà của các loài linh trưởng

Năm 1993, Bộ Lâm nghiệp Việt Nam đã đồng ý cho phép Cục Kiểm lâm ký Thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế như Hội chuyên gia linh trưởng IUCN (IUCN SSC Primate Specialist Group); Hiệp hội động vật học bảo tồn các loài và quần thể (Zoological Society for the Conservation of Species and Populations, Germany (ZSCSP), Cộng hòa Liên bang Đức; Hội động vật Hoàng gia Nam Australia (Royal Zoological Society of South Australia) về việc thành lập Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng đang có nguy cơ bị đe dọa của Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương.

Với diện tích 10 ha, Trung tâm có 50 chuồng nuôi và 2 khu vực bán hoang dã của 14 loài, số lượng trên 180 cá thể. Phần lớn các cá thể ở đây đều là tang vật của những vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép được lực lượng kiểm lâm phát hiện, bắt giữ. Trong đó có nhiều cá thể bị thương tích, hoảng loạn tinh thần rất nặng.
Ông Đỗ Công Khoa
Điều phối viên Dự án bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương

Cùng năm này, thông qua việc hợp tác với Hội động vật Frankfurt, Vườn thú Leipzig, Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương được thành lập. Kể từ đó, Trung tâm được ví là “ngôi nhà chung” của các loài linh trưởng và là Trung tâm đầu tiên tại châu Á thực hiện sứ mệnh cứu hộ, phục hồi, cho sinh sản bảo tồn và tái thả lại tự nhiên các loài linh trưởng quý hiếm đang bị đe dọa ở Việt Nam.

Sau hơn 30 năm thành lập, tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương có 12 loài đã cho sinh sản thành công với hơn 160 cá thể con non. Trong đó có 4 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới, đó là Voọc mông trắng, Voọc đầu trắng, Voọc Chà vá chân xám, Voọc Hà Tĩnh. Đặc biệt, qua điều tra nghiên cứu Trung tâm đã phát hiện thêm một loài mới cho khoa học, đó là loài Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea). Từ các dự án và chương trình bảo tồn, có 150 cá thể thuộc 5 loài linh trưởng đã được tái thả về với đại ngàn.

Người nước ngoài may mắn nhất ở Việt Nam

Đến với Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương, du khách không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp của tự nhiên, thăm thú “vương quốc” kỳ diệu của các loài  linh trưởng đang bị đe dọa bởi nạn tuyệt chủng, mà còn được gặp gỡ, nghe kể câu chuyện kỳ lạ về tình yêu, về sự hy sinh với rừng của Elke Schwierz - chuyên gia về động vật hoang dã đến từ nước Đức.

Chuyên gia Elke Schwierz (bên trái) cùng Tiến sĩ thú y Ralph Schonfelder trao đổi về các loài linh trưởng
Chuyên gia Elke Schwierz (bên trái) cùng Tiến sĩ thú y Ralph Schonfelder trao đổi về các loài linh trưởng

Hơn hai thập kỷ làm việc tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, mỗi ngày trôi qua, Elke lại càng tin rằng sứ mệnh của mình là ở dải đất hình chữ S, bởi không dưới 10 lần, người phụ nữ sinh năm 1974 ấy đã từ chối cơ hội làm việc với mức lương hấp dẫn tại các Trung tâm bảo tồn ở Đông Nam Á, châu Phi… “Phải lòng” với mảnh đất và con người nơi đây, chị đã tự học tiếng Việt, tiếng Mường để có thể chỉ dạy tất cả những kinh nghiệm mình đã tích lũy được tại Sở thú Berlin-Zollogarten cho các nhân viên tại Trung tâm cứu hộ.

Mở cho tôi xem tấm hình chụp cùng các nhân viên Trung tâm, Elke mỉm cười: “Ở Đức hay những nơi khác có lẽ tôi cũng sẽ làm việc vào ngày Phục sinh hay các kỳ nghỉ lễ. Tôi sẽ nhận được rất nhiều khoản thanh toán bổ sung cho công việc vào kỳ nghỉ và cuối tuần; và tôi sẽ được nghỉ thêm nhiều ngày, nhưng tôi không quan tâm. Bạn thấy đấy, ở Cúc Phương tôi còn có cả một gia đình”.

Từ các dự án và chương trình bảo tồn, có 150 cá thể thuộc 5 loài linh trưởng đã được tái thả về với đại ngàn
Từ các dự án và chương trình bảo tồn, có 150 cá thể thuộc 5 loài linh trưởng đã được tái thả về với đại ngàn

Dù rất khiêm tốn và kiệm lời khi nói về những đóng góp của mình, thế nhưng Elke luôn tự hào: “Tôi là người nước ngoài may mắn nhất ở Việt Nam!”. Niềm vui ấy không phải ngẫu nhiên bởi trong nhật ký của mình, Elke viết, mỗi buổi sớm, khi những tia nắng đầu tiên chưa kịp xuyên qua kẽ lá, sương rừng còn bảng lảng, Elke đã thức dậy bởi tiếng của những loài linh trưởng đánh động núi rừng. Bạn thấy đấy, “tiếng nói” của chúng khi thánh thót, lúc lại vang xa diệu vợi như vọng về từ một thuở xa xôi. Chiều tà, từng vạt nắng lại đổ qua những rặng núi, chiếu hắt soi rõ cả một mảng rừng. Và đêm về, Cúc Phương luôn có “đại nhạc hội” của các loài côn trùng, với Elke đó là tiếng của sự sống cựa mình. Bất cứ ai được chứng kiến những điều đó sẽ thực sự cảm thấy hạnh phúc!

“Bảo mẫu xanh” dưới tán rừng già

Để có thể bảo tồn các nguồn gene quý, không thể không kể đến những “bảo mẫu xanh” dưới tán rừng già. Họ là những cán bộ, nhân viên của Trung tâm đang ngày đêm gắn bó, tâm huyết chăm sóc, nuôi dưỡng thú linh trưởng. Trong số 30 cán bộ, nhân viên, người lao động của Trung tâm có tới 23 người là con em đồng bào dân tộc Mường.

Trong số 30 cán bộ, nhân viên, người lao động của Trung tâm có tới 23 người là con em đồng bào dân tộc Mường
Trong số 30 cán bộ, nhân viên, người lao động của Trung tâm có tới 23 người là con em đồng bào dân tộc Mường

Mỗi ngày, sẽ có 9 nhân viên của Trung tâm đi hái 400kg lá thuộc hơn 100 loài cây, phục vụ bữa ăn của 180 cá thể thuộc 14 loài đang được chăm sóc. Nhiều loài chỉ ăn vỏ, nhựa cây hay ăn thêm các khẩu phần như bưởi, ngô, khoai lang, bí đỏ, đu đủ. Số thức ăn không hết sẽ được nhân viên thay mới, mọi công đoạn chăm sóc đều phải đeo khẩu trang, thay dép, khử khuẩn khi tiếp xúc với linh trưởng.

Ít ai biết rằng, phần lớn những cá thể khi được cứu hộ về Trung tâm từ các vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã đều bị bắt bằng bẫy nên bị thương, quá trình giam giữ được ăn loại thức ăn không phù hợp nên thường mắc chứng đi ngoài. Với những trường hợp như thế, nhân viên của Trung tâm phải cho ăn, cho uống một ngày 10 bằng xi lanh. Và để góp phần bảo tồn nguồn gene cho các loài động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam, những cán bộ, nhân viên ở đây đã dành cả thanh xuân của mình, có người gác lại hạnh phúc gia đình, tự nguyện bỏ phố vào rừng sinh sống.

Trước khi cùng chị Đinh Thị Oanh, nhân viên của Trung tâm, đi thăm chuồng thú, chị cho hay: Chăm sóc linh trưởng không phải một việc dễ dàng, không chỉ cần có kỹ năng mà cần có cả tình yêu với chúng, như trường hợp Muỗm, một cá thể Voọc Chà vá chân xám. Mẹ của Muỗm được cứu hộ về Trung tâm trong một vụ buôn bán động vật trái phép. 

Sau một thời gian chăm sóc, Muỗm chào đời ngày 12/05/2021, hơn một tháng sau mẹ của Muỗm mắc bệnh rồi qua đời. Khi đó Muỗm chỉ nặng chừng vài trăm gr, chỉ bằng cổ tay người lớn, thấy bóng người hay tiếng động Muỗm co người sợ sệt. Muỗm lớn lên bởi được Trung tâm và “mẹ Oanh” nuôi bộ.

Muỗm lớn lên bởi được Trung tâm và “mẹ Oanh” nuôi bộ
Muỗm lớn lên bởi được Trung tâm và “mẹ Oanh” nuôi

Chị Oanh kể lại: Từ lúc mất mẹ, các chị thay nhau chăm sóc nên nó coi chị như mẹ, nó ốm đau cũng lo lắm, nhiều lúc cảm giác nó như con của mình, cứ 1 tiếng rưỡi cho uống sữa 1 lần, 11h đêm cũng phải dậy, đi 2-3 cây số lên đây để cho nó uống sữa. Có thời điểm chị nuôi 7 cá thể con non cùng lúc.

Lớn lên và quen hơi bén tiếng những yêu thương của mọi người, lâu lâu Muỗm lại xòe tay mình ra, rồi lẳng lặng nhìn ngắm những bàn tay của người đã nuôi dưỡng, chăm sóc mình. Mỗi lần như thế em lại nhoẻn miệng “cười” khè khè. Chị Oanh giải thích: “Chắc hẳn cu cậu nghĩ hai bàn tay sao mà giống nhau quá”. Ngày 3 bữa, tới giờ là Muỗm ra cửa vịn tay đưa mắt trông ngóng các bố, các mẹ. Ai nặng lời là Muỗm buồn, phải mất nhiều thì giờ “nịnh ngọt”, đôi khi là phải bế ẵm Muỗm mới vui trở lại.

Lời nhắn nhủ của rừng

Du khách tham quan, khám phá Vườn Quốc gia Cúc Phương
Du khách tham quan, khám phá Vườn Quốc gia Cúc Phương

Cuối ngày, tôi cùng Tiến sĩ thú y người Đức Ralph Schonfelder tham quan Trung tâm, trong cuộc trò chuyện ông cho biết mới chỉ tới làm việc tại Việt Nam từ cuối năm ngoái. Nói về cảm nhận của mình về công việc tại đất nước hình chữ S, ông bày tỏ: Sự “hồi sinh” của các loài linh trưởng tại Trung tâm trên không chỉ cho thấy điều kiện môi trường sống của các loài linh trưởng ở đây rất gần với môi trường tự nhiên mà qua đó còn thể hiện sự đóng góp quan trọng vào công tác bảo tồn nguồn gene các loài động vật hoang dã quý hiếm, phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Bình minh tại Vườn Quốc gia Cúc Phương
Bình minh tại Vườn Quốc gia Cúc Phương

Dù mỗi người đến với Cúc Phương với những ý tưởng khác nhau, nhưng Cúc Phương luôn đón bạn bằng tất cả sự nguyên vẹn thời ban sơ! Tôi tin ở những điều đó khi kiểm lại những tri thức mà mình đã thu được sau một ngày tìm hiểu tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương.

Nhân đây, tôi cũng muốn ghi lại một châm ngôn nổi tiếng tựa như lời nhắn nhủ của bất kỳ cánh rừng nào trên hành tinh này. Dù rằng, câu châm ngôn này đã được nói lên bằng mọi ngôn ngữ trên hành tinh của chúng ta nhưng có vẻ như chưa được nói nhiều bằng tiếng Việt: Đến với rừng bạn chẳng cần mang gì theo ngoài một tình yêu, bạn không nên để lại rừng vật gì ngoài những dấu chân, chớ mang theo vật gì của rừng ngoài những tấm ảnh đẹp!