Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở huyện vùng cao Mèo Vạc

Tào Đạt - Hà Linh - 22:37, 07/11/2023

Với mục tiêu phấn đấu giảm gần 1.500 hộ nghèo đa chiều, đồng thời hạn chế hộ tái nghèo và nghèo mới phát sinh, huyện vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang) đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Nhờ được hỗ trợ nuôi con giống, nhiều gia đình người dân tại huyện Mèo Vạc đã vươn lên thoát nghèo.
Được hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc vật nuôi, nhiều hộ gia đình người DTTS tại huyện Mèo Vạc đã vươn lên thoát nghèo

Là huyện vùng cao biên giới, đời sống kinh tế, xã hội của người dân huyện Mèo Vạc còn gặp nhiều khó khăn, do đó, điều kiện cấp thiết nhất, là phải giúp bà con an tâm lao động, sản xuất. Đồng bào có “an cư, lạc nghiệp” thì tình hình kinh tế - xã hội càng phát triển và an ninh trật tự cũng được ổn định.

Tính đến cuối năm 2022, huyện Mèo Vạc có trên 10.000 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm tỷ lệ 57,61%); hơn 1.600 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 9,46%). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo, là đồng bào không có đất, không có vốn, kinh doanh, không có công cụ, phương tiện hỗ trợ sản xuất…

 Thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 – 2025, huyện Mèo Vạc được phân bổ hơn 193,1 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển hơn 119 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp hơn 74 tỷ đồng. Đến nay, đối với dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện Mèo Vạc đã triển khai đầu tư xây dựng 24 công trình gồm: đường giao thông, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, giáo dục và văn hóa. Thực hiện 22 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 275 hộ gia đình được thụ hưởng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo với 08 mô hình và 125 gia đình thụ hưởng. Thực hiện đào tạo nghề cho 650 người. Hỗ trợ xây mới nhà ở cho 550 hộ, sửa chữa nhà ở cho 107 hộ.

Là một trong những xã điển hình thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của huyện Mèo Vạc, chính quyền xã Niêm Sơn đã chú trọng triển khai các dự án chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế. Đến nay, sự hỗ trợ này đã đem lại nhiều kết quả tích cực, đời sống bà con Nhân dân tại địa phương cũng ngày càng được nâng cao.

Gia đình chị Lương Thị Huyền (trú tại thôn Bản Tồng), là một trong những hộ cận nghèo của xã Niêm Sơn, đang được hỗ trợ để thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, với mức hỗ trợ 11,5 triệu đồng từ năm 2022. Đến nay, đàn lợn của gia đình chị Huyền đã xuất chuồng 4 lứa và thu về hơn 60 triệu đồng.

“Nhờ được hỗ trợ lợn con, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tôi tập trung chăm sóc tốt đàn lợn đầu tiên, giúp gia đình tôi có tiền mua sắm đồ dùng sinh hoạt gia đình, con cái có quần áo, cặp sách mới đến trường, cũng có vốn để mua thêm lợn con về tiếp tục nuôi”, chị Lương Thị Huyền phấn khởi thông tin.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền, bộ mặt của các xã của huyện Mèo Vạc ngày càng thay đổi theo hướng tích cực.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, diện mạo cơ sở hạ tầng của các xã của huyện Mèo Vạc ngày càng thay đổi theo hướng tích cực

Theo ông Hà Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Niêm Sơn, để thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền tới bà con, để bà con hiểu và có sự hưởng ứng tích cực khi tham gia.

Theo ông Thành, xã hiện đang triển khai các dự án như chăn nuôi trâu sinh sản, chăn nuôi lợn thương phẩm, hỗ trợ phát triển sản xuất cải thiện dinh dưỡng trong chăn nuôi lợn sinh sản với tổng kinh phí là 1,1 tỷ đồng. Nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án này, đời sống bà con trên địa bàn ngày càng được nâng cao.

“Để việc giảm nghèo trở lên hiệu quả, chính quyền xã đã tổ chức họp thôn, lựa chọn đúng đối tượng để triển khai hỗ trợ. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có đồng vốn, cây, con giống để phát triển kinh tế. Đến nay, sự hỗ trợ này đã đem lại nhiều kết quả tích cực, đời sống bà con Nhân dân tại địa phương cũng ngày càng được nâng cao”, ông Hà Văn Thành cho hay.

Trong thời gian tới, huyện Mèo Vạc cũng sẽ tiếp tục tích cực xã hội hóa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia;  thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội để giảm nghèo bền vững. Trong công tác giảm nghèo, huyện cũng sẽ chú trọng biểu dương, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Ông Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Để giúp bà con vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững, chính quyền huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành trong công tác giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo và người dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.