Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Ninh Thuận thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thái Sơn Ngọc - 11:27, 19/11/2024

Trong 3 năm (2022 - 2024), tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình MTQG 1719). Chương trình đã tạo sinh kế cho người dân phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần quan trọng nâng cao toàn diện đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hệ thống giao thông xã Phước Chiến (huyện Thuận Bắc) được trải nhựa từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án 4 Chương trình MTQG 1719 đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Hệ thống giao thông xã Phước Chiến (huyện Thuận Bắc) được trải nhựa từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án 4 Chương trình MTQG 1719 đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân

Những ngày trung tuần tháng 11/2024, đến các vùng nông thôn miền núi thuộc các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước..., chúng tôi ghi nhận hệ thống giao thông được đầu tư bê tông xi măng, trải nhựa, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của đồng bào DTTS. Nhiều công trình phúc lợi xã hội như trường học, cơ sở y tế, trung tâm văn hóa - thể thao xây dựng khang trang, tạo nên diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Cán bộ và Nhân dân vùng đồng bào DTTS bày tỏ niềm vui được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước đầu tư theo Chương trình MTQG 1719.

Đứng trước ngôi nhà ”3 cứng” mới đưa vào sử dụng, chị Chamaléa Thị Im, dân tộc Raglay ở xã Phước Đại phấn khởi nói: ”Gia đình thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, tôi vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bác Ái thêm 22 triệu đồng xây dựng ngôi nhà 32 mét vuông vững chắc, bảo đảm ổn định cuộc sống, nỗ lực làm ăn, vươn lên thoát nghèo”.

Trao đổi với bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi được biết, giai đoạn 2021- 2025, tỉnh được Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ nguồn vốn 995.952 triệu đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển 483.698 triệu đồng; vốn sự nghiệp 512.254 triệu đồng. Tổng nguồn vốn đã giải ngân là 678.889 triệu đồng, đạt 68,16%; trong đó, vốn đầu tư phát triển 441.408 triệu đồng, đạt 91,26%; vốn sự nghiệp 237.481 triệu đồng, đạt 46,36%. Tỉnh Ninh Thuận thực hiện đồng bộ các biện pháp đưa 10 dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719 vào cuộc sống, khai thác lợi thế kinh tế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống đồng bào DTTS, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chị Chamaléa Thị Im (xã Phước Đại, huyện Bác Ái) vui mừng được Dự án 1 Chương trình MTQG 1719 hỗ 40 triệu đồng xây dựng nhà ở mới, bảo đảm tiêu chí ”3 cứng”.
Chị Chamaléa Thị Im (xã Phước Đại, huyện Bác Ái) vui mừng được Dự án 1 Chương trình MTQG 1719 hỗ 40 triệu đồng xây dựng nhà ở mới, bảo đảm tiêu chí ”3 cứng”.

Toàn tỉnh đã hỗ trợ 14.160 triệu đồng xây dựng hoàn thành 354 căn nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS ở huyện Ninh Sơn (226 căn) và Bác Ái (128 căn). Mỗi căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 32m2, bảo đảm tiêu chí “3 cứng” gồm mái cứng, tường cứng, nền cứng; Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.930 hộ, gồm giống vật nuôi, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ học nghề; Xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước trên địa bàn 8 xã, thị trấn, cung cấp nước sinh hoạt cho 320 hộ nghèo; Hỗ trợ lắp đặt nước sinh hoạt phân tán cho 609 hộ nghèo đồng bào DTTS; Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS như điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống thủy lợi, chợ.

Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ xây dựng 2 dự án liên kết chuỗi giá trị; thực hiện 101 dự án phát triển sản xuất cộng đồng gồm 97 dự án chăn nuôi, 4 dự án trồng trọt, hơn 1.200 hộ tham gia. Việc hỗ trợ, đầu tư dự án tác động tích cực đối với phát triển sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Giúp người dân thay đổi cách nghĩ trong sản xuất, tạo công ăn việc làm, cho thu nhập ổn định.

Đến nay, 100% thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi được kết nối điện lưới quốc gia, hộ dân sử dụng điện đạt 99,8%, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất; số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,74%. Công trình thủy lợi bảo đảm nguồn nước tưới cho 7.480ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có hơn 1.600ha ở vùng miền núi. Tỉnh đã đầu tư xây mới 210 phòng học, sửa chữa 313 phòng học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy học vùng đồng bào DTTS, thu hút học sinh gắn bó với trường lớp. 100% thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có trường học hoặc điểm trường mẫu giáo và tiểu học; 100% xã có trường THCS. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện và mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân…

 Lớp truyền dạy biểu diễn nhạc cụ đồng bào Raglay cho học sinh tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam theo Dự án 6 Chương trình 1719.
Lớp truyền dạy biểu diễn nhạc cụ đồng bào Raglay cho học sinh tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam theo Dự án 6 Chương trình 1719

Từ năm 2022 đến tháng 6/2024, toàn tỉnh Ninh Thuận đã giải quyết việc làm cho 46.839 người, đạt 97,58% so với kế hoạch. Trong đó giải quyết việc làm cho lao động là đồng bào DTTS trên 18.530 người, chiếm 39,56%. Tổ chức đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng cho 5.486 lao động người DTTS, chiếm 70% so với lao động tham gia học nghề. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư với nhiều dự án tại làng nghề Chung Mỹ, Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp. Tỉnh đã nâng cấp, trùng tu các di tích tháp Pô Klong Garai, Pô Rome, Hòa Lai; tôn tạo bẫy đá Pinăng Tắc- Di tích lịch sử cấp Quốc gia ở huyện Bác Ái.

Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ kinh phí giúp các địa phương mở lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc; 100% thôn, khu phố và 94% hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Chương trình chăm sóc và tư vấn sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em được triển khai thực hiện hiệu quả. Số phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế đạt 98,8%, tăng 2,1% so với năm 2021; trong 3 năm qua tỷ suất tử vong mẹ người DTTS giảm một cách đáng kể, năm 2023, 2024 chưa ghi nhận trường hợp tử vong mẹ người DTTS. Tỉnh cũng tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và đẩy lùi hôn nhân cận huyết thống...

Đồng bào DTTS nghèo huyện Thuận Bắc được hỗ trợ vốn màu bò cái giống nuôi sinh sản theo Tiểu dự án 2 hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Dự án 3 Chương trình MTQG 1719.
Đồng bào DTTS nghèo huyện Thuận Bắc được hỗ trợ vốn mua bò cái giống nuôi sinh sản theo Tiểu dự án 2 hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Dự án 3 Chương trình MTQG 1719

Chương trình MTQG 1719 mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tính đến tháng 6/2024, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 32,4 triệu đồng/năm, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS theo chuẩn mới là 13,04%, giảm 9,42% so năm 2021. Riêng huyện Bác Ái, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 20,74%, giảm 7,73% so với năm 2023. Chương trình làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực trong các phong trào thi đua giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới…

Bà Pi Năng Thị Thủy cho biết thêm, trong thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS và miền núi. Tỉnh dự kiến đăng ký kế hoạch trung hạn 2026 -2030 với tổng vốn 1.699.000 triệu đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển 1.139.000 triệu đồng; vốn sự nghiệp 560.000 triệu đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2026 - 2030. Nguồn lực đầu tư bảo đảm từ ngân sách Trung ương và nguồn huy động hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân hỗ thực hiện hiệu quả 10 Dự án thành phần, tạo động lực đưa đời sống đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.